Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Băn khoăn về việc nhập khẩu hạt điều nguyên liệu
Thứ ba: 12:53 ngày 16/08/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 6 tháng đầu năm nay các nhà máy chế biến hạt điều đã nhập khẩu trên 10.000 tấn hạt điều nguyên liệu, chiếm đến hơn 75% sản lượng đưa vào chế biến.

Công nghiệp chế biến hạt điều ở Tây Ninh đã phát triển từ hơn 10 năm trước đây và hoạt động khá hiệu quả. Đặc biệt, sản phẩm hạt điều nhân trong những năm qua đã vươn lên thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hiện Tây Ninh có hàng chục nhà máy chế biến hạt điều với công suất chế biến khoảng hơn 30.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Tuy nhiên, lại có điều đáng quan tâm là phần lớn hạt điều nguyên liệu cung ứng các nhà máy trong tỉnh phải nhập khẩu, trong khi đất Tây Ninh lại rất phù hợp để phát triển cây điều.

Hạt điều nguyên liệu phải nhập khẩu đến 3/4 sản lượng

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, sản lượng hạt điều nhân xuất khẩu ở Tây Ninh trong những năm qua khá ổn định với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Hiện tại, bình quân mỗi tháng Tây Ninh xuất khẩu được trên dưới 500 tấn hạt điều nhân đã chế biến. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng hạt điều nhân Tây Ninh xuất khẩu được đạt gần 3.200 tấn, đạt kim ngạch gần 24 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước sản lương hạt điều nhân xuất khẩu tăng hơn 22%. Trong tháng 7 năm nay, các nhà máy tiếp tục xuất khẩu thêm được gần 700 tấn hạt điều nhân, tăng hơn tháng trước gần 30%, nâng tổng sản lượng hạt điều nhân trong 7 tháng đầu năm lên gần 4.000 tấn. Sự gia tăng sản lượng hạt điều nhân xuất khẩu là điều đáng mừng vì nó đem lại cho Tây Ninh nguồn ngoại tệ đáng kể.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, phần lớn sản lượng hạt điều nguyên liệu đều được nhập khẩu từ nước ngoài chứ nguồn cung tại chỗ không đáng bao nhiêu. Theo tỷ lệ chế biến hiện nay thì để sản xuất ra được 1 tấn hạt điều nhân cần có 4 tấn hạt điều nguyên liệu. Với sản lượng hạt điều nhân xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt gần 3.200 tấn thì cần có gần 13.000 tấn hạt điều nguyên liệu. Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm nay các nhà máy chế biến hạt điều đã nhập khẩu trên 10.000 tấn hạt điều nguyên liệu, chiếm đến hơn 75% sản lượng đưa vào chế biến. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng hạt điều nguyên liệu thu mua nội địa chưa được 3.000 tấn. So sánh về giá trị xuất và nhập lĩnh vực hạt điều trong 6 tháng qua thì sẽ thấy rõ hơn. Theo Sở Công thương, sản lượng hạt điều nhân xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt giá trị kim ngạch khoảng 23,5 triệu USD. Trong khi đó giá trị kim ngạch nhập khẩu hạt điều nguyên liệu trong 6 tháng qua cũng không nhỏ- khoảng hơn 18 triệu USD. Như vậy, lượng ngoại tệ thực thu trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều chỉ được khoảng 1/4 giá trị kim ngạch xuất khẩu mà thôi, còn 3/4 còn lại phải chi cho việc mua hạt điều nguyên liệu từ nước ngoài.

Thực ra, ở Tây Ninh, cây điều có một thời phát triển rất mạnh với diện tích khoảng hơn 7.000 ha. Tuy nhiên, do cây điều chưa được đầu tư đúng mức, năng suất thấp, giá cả thu mua hạt điều lại không ổn định, thu nhập từ cây điều ngày càng thấp hơn những loại cây trồng khác nên nông dân cũng dần phá bỏ vườn điều để trồng cây khác có lãi cao hơn. Do đó diện tích cây điều ngày càng giảm sút. Để thực hiện mục tiêu năm 2010 diện tích cây điều ở Tây Ninh đạt 10.000 ha, năm 2004 tỉnh bắt đầu trích ngân sách 150 triệu đồng mua 37.500 cây điều giống về cung cấp miễn phí cho nông dân trồng. Song song đó, Hội Doanh nghiệp trẻ cùng một số nhà máy chế biến hạt điều cũng tham gia mua 20.000 cây điều giống về cấp miễn phí cho nông dân. Năm 2005, tỉnh tiếp tục trích ngân sách 150 triệu đồng để mua cây điều giống hỗ trợ nông dân. Từ sự hỗ trợ này mà diện tích cây điều trong hai năm 2004, 2005 bước đầu được hồi phục diện tích (thêm được gần 1.000 ha). Thế nhưng, năm 2006 giá thu mua hạt điều nguyên liệu lại giảm mạnh nên cho dù Nhà nước vẫn tiếp tục trích ngân sách mua cây giống hỗ trợ, nông dân chẳng thiết tha đến nhận về trồng. Rồi những năm kế tiếp nhiều nông dân lại phá bỏ vườn điều để trồng cây khác- nhất là vài năm trở lại đây khi giá cả mủ cao su và khoai mì tăng rất cao. Thế là diện tích cây điều lại giảm, không đủ cung cấp hạt điều nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Diện tích trồng điều ngày càng giảm do thu nhập kém

Theo tính toán, Tây Ninh cần phải có trên 10.000 ha cây điều giống mới cao sản để có đủ hạt điều nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến. Định hướng này cũng đã được đặt ra từ hơn 5 năm trước đây. Thế nhưng thực tế vẫn chưa thực hiện được do chưa có chính sách đầu tư và thu mua phù hợp. Muốn cây điều phát triển trở lại, hạn chế dần sản lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu, vấn đề quan trọng trước tiên là phải có quy hoạch phát triển cây điều kèm theo những chính sách khuyến khích nông dân tham gia trồng điều, đồng thời tăng cường áp dụng kỹ thuật thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng hạt điều… Và điều quan trọng nhất là làm sao cho thu nhập từ việc trồng điều phải được nâng cao- ít nhất là bằng các loại cây trồng khác mới thu hút được sự tham gia trồng của người nông dân.

SƠN TRẦN

 

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục