Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cho dù có nguồn gốc lên đồng, thì môn múa hát bóng rỗi ở Tây Ninh và Nam bộ đã được “giản dị hoá” để trở nên gần gũi với bà con xóm ấp. Lối diễn xướng và phục trang cũng không quá ư phức tạp để bị nghi là thần thánh nhập về.

Còn chưa rõ nguyên do nào, mà các lễ hội cúng các Bà theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có tiết mục hát múa bóng rỗi dâng bông, sau đó là múa dâng mâm vàng. Gần đây, xem VTV mới biết thêm, người Chăm thành phố Nha Trang cũng có múa dâng bông lên bà Thiên y - Ana ở tháp Bà vào những ngày lễ trọng; không rõ đấy là do nguyên gốc của văn hoá Chăm xa xưa truyền lại, hay là do ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian người Việt? Nói tóm lại là đa số các nơi thờ Bà đều thịnh hành nghi thức múa hát dâng bông và mâm vàng mà nguồn gốc của nó, đều xuất xứ từ nghi thức múa lên đồng còn tồn tại khá phổ biến ngoài miền Bắc.
Thôi không dám bàn chuyện múa hát “lên đồng” mà có thời (và cả hiện nay ở một số nơi) vẫn cho là mê tín dị đoan (ngược lại, cũng có cả một xu hướng ngợi ca hết lời về mặt nghệ thuật diễn xướng dân gian). Thậm chí có tổ chức nghiên cứu còn dự định đề nghị UNESCO công nhận múa lên đồng là di sản văn hoá phi vật thể). Cho dù có nguồn gốc lên đồng, thì môn múa hát bóng rỗi ở Tây Ninh và Nam bộ đã được “giản dị hoá” để trở nên gần gũi với bà con xóm ấp. Lối diễn xướng và phục trang cũng không quá ư phức tạp để bị nghi là thần thánh nhập về. Mục đích của nghi thức cũng giản dị hơn, mà nói theo Trịnh Hoài Đức từ hai thế kỷ trước trong sách “Gia Định thành thông chí” là: “hay dùng cô bóng múa hát lấy làm vui thú. . .”
![]() |
Múa lân khai hội miếu Bà Linh Sơn - Hiệp Tân mùng 4 Tết. |
Mà vui thú thật! Dẫu là miếu Bà Chúa Xứ ở xóm Hố (KP5) phường I, hay miếu Bà ở Thanh Điền thì tiết mục hát múa bóng rỗi vẫn được người ta chờ đợi nhất. Dàn nhạc bóng cất lên trong lễ khai tràng mở đầu cho chương trình hát múa gồm: Khai tràng, chầu mời - thỉnh tổ, dâng bông (hoa) và dâng mâm vàng. Sang trọng và đầy đủ như lễ vía Bà Linh Sơn trên núi Điện Bà ngày 5. 5 âl thì sẽ có đủ cả chiêng, trống đại, cặp trống võ, văn, đờn cò, kèn mộc, kèn thau. Còn lễ cúng Bà ở các miếu nhỏ thuộc ấp, xóm thường chỉ có hai nghệ nhân chơi đàn ghita phím lõm và cây nhị. Ấy thế mà khai tràng vẫn cất lời rôm rả, trầm bổng nỉ non hay réo rắt những xàng xê. Tiếng đàn sẽ mời gọi người lớn, trẻ em, nhất là phụ nữ tuổi đã bậc trung vào xúm xít quanh sân khấu “ôpêra” diễn xướng. Các tiết mục của một chương trình hát bóng sẽ tuần tự diễn ra sau đó, khiến người ta càng lúc càng say mê quây kín trong ngoài.
Hôm mùng 4 tết Canh Dần vừa qua, ở lễ cúng miếu Linh Sơn tại ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân (gần sân banh huyện Hoà Thành) có tốp hát bóng của cô bóng Lan. Cô dẫn theo một bà bạn diễn, thường xuyên đứng cạnh cô, điểm nhịp phách bằng hai miếng gỗ gọi là sanh cái. Nhạc công của cô cũng chỉ có hai người như đã kể. Bản thân cô thì gõ một chiếc trống con lúc hát chầu mời. Từng có 30 năm đi hát múa, nên có lẽ cô bóng Lan vẫn trung thành với lối bóng rỗi truyền thống gồm những làn điệu Xuân, chuyển qua Ai, rồi Ai chạy và tới bài cuối thì theo làn điệu Lý chim xanh Nam bộ. Phải kể thế, vì nay cũng có lối hát bóng rỗi “kim thời” với cả các làn điệu lý Vọng phu hay Lý Tóc mai: “sợi ngắn sợi dài / Sợi nào cũng vướng vào bài thơ tôi. . .” chẳng hạn, tức là đã được “hiện đại hoá” cho “ngang tầm thời đại”.
Thật ra, người không quen nghe sẽ khó nhận ra cho đủ và rõ những lời ca. Nhưng có yêu cầu, cô bóng Lan sẽ đọc lại cho đoạn mở đầu của màn hát múa chầu mời của mình như sau: “Nổi ba trống lệnh về tâu / Chầu Bà tại vị dàn trầu miền Trung / Trầu ăn rượu uống đồng chung / Chúng con tơ máy đồng chung khẩn cầu”. Rồi trước khi chuyển sang múa dâng bông, thì sẽ hát lên rằng: “Cúi đầu dâng Vạn thọ / Ngửa mặt chúc vô cương / Miệng đều ca hàm tấu nhất chương / Để lan liễu múa tiểu mai vài chặp…”. Bông ở đây là những chén ăn cơm đơm đầy hoa vạn thọ, được đặt trên đầu và lòng bàn tay trái, vừa quay vòng tròn vừa múa mà tiến dần vào cửa miếu. Sau ba chặp múa, dâng chén (tộ) bông, sẽ chuyển sang múa dâng mâm vàng với nhiều động tác phức tạp hơn như: Lật, chuyền, bệu, cấn cạnh (chiếc mâm đứng thẳng trên đỉnh đầu) cùng các màn múa tạp kỹ với bông huệ, cây dù, lục bình để giúp cho khán giả thêm phần vui vẻ.
Hát múa bóng rỗi quả thật là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Tiếc thay, trên đất Tây Ninh cũng chỉ còn độ mươi nghệ nhân thành thục. Cô bóng Lan ở Hoà Thành đã độ tuổi 50. Cô Bóng Trầm, Bóng Bơ, Bóng Lệ, Bóng Dế ở Thanh Điền… có cô đã tới tuổi 70. Sự mai một của nghệ thuật này trong tương lai gần là quá rõ. Không biết ai có cao kiến gì không?
TRẦN VŨ