Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Không ít người cho rằng, sự việc đáng tiếc trên là do nhân viên Công ty Sao Phương Nam gây ra, Giám đốc Công ty nhận trách nhiệm và tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ là điều tất nhiên. Thế nhưng, phía sau sự việc này cũng có điều cần phải “lên án”, đó là hành vi “té nước theo mưa” của những người không hề bị thiệt hại nhưng lại lợi dụng sự thiếu sót của nhân viên, cố tình đến nhận sự hỗ trợ của Công ty, trong đó có người nhận nhiều lần.

>> Nguyên nhân do ... trời?!
Những nông dân trồng ớt giống S200 bị thất mùa tại xã Long Vĩnh với công ty trong buổi đối thoại ngày 10.5.
Vào tháng 5.2015, Báo Tây Ninh có loạt bài phản ánh về tình trạng 60 ha ớt hiểm của nhiều nông dân ở xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, dùng hạt giống ớt hiểm lai F1 S200 của Công ty hạt giống Sao Phương Nam (Công ty Sao Phương Nam, có trụ sở tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) cho “hoa nhiều hơn trái”.
Sau khi báo phát hành, Giám đốc Công ty Sao Phương Nam cùng lãnh đạo ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành đã có buổi làm việc với Hội Nông dân xã Long Vĩnh, cũng như đi tìm hiểu thực trạng 60 ha ớt bị “tịt” trái. Qua đó đã phát sinh nhiều vấn đề từ công tác quản lý Nhà nước trong ngành nông nghiệp.
Qua buổi đối thoại với những người nông dân bị thất mùa do dùng giống ớt Sao phương Nam S200, cuối cùng công ty cung cấp giống ớt này cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ người dân giống ớt mới, đồng thời sẽ đến từng hộ dân trồng ớt bị thất mùa để thương lượng hỗ trợ một phần vật tư, phân bón, trong thời gian từ buổi đối thoại đến cuối tháng 6.2015.
Những tưởng vụ việc đã được giải quyết dứt điểm trước ngày 30.6.2015 như Công ty đã cam kết, nhưng bất ngờ vào sáng 1.7.2015, phóng viên nhận được điện thoại của ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh báo là Công ty Sao Phương Nam vẫn chưa thực hiện.
Chúng tôi liên hệ với Công ty Sao Phương Nam, ông Giám đốc cho biết nhân viên công ty đã thực hiện hỗ trợ hạt giống ớt cho nông dân xã Long Vĩnh, nhưng do không liên hệ với Hội Nông dân nên đã xảy ra trục trặc.
Theo nhân viên công ty báo lại thì họ đến nhà những thương lái quen ở xã Long Vĩnh, thông báo miệng cho nông dân đến nhận hạt giống ớt do công ty hỗ trợ, nhưng không theo danh sách do Hội Nông dân xã thống kê.
Thế nên, khi đối chiếu danh sách nông dân đã ký tên nhận hỗ trợ hạt giống với danh sách Hội Nông dân xã lập thì có sự chênh lệch rất lớn- chỉ có khoảng 30% nông dân đã ký nhận là có trong danh sách của Hội Nông dân mà thôi; 70% nông dân còn lại chẳng biết từ đâu ra. Như vậy, vẫn còn khoảng 70% nông dân thực sự bị thiệt hại do sử dụng hạt giống “dỏm” chưa được công ty hỗ trợ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh bức xúc nói: Trước đây, công ty cam kết là sẽ cùng Hội Nông dân đến từng hộ dân được thống kê trong danh sách để hỗ trợ cụ thể, tuỳ theo mức thiệt hại. Vậy mà khi nhân viên công ty tiến hành hỗ trợ thì lại không liên hệ với Hội Nông dân xã.
Cho nên nhiều người cứ “dài cổ” chờ, đến ngày 30.6.2015 không thấy nên đã đến Hội thắc mắc. Trong khi đó, nhiều người không bị thiệt hại do giống ớt dỏm gây ra, thậm chí có người vụ này không hề trồng ớt lại “vô tư” đến nhận hạt giống hỗ trợ.
Cũng có người bị thiệt hại, sau khi gặp nhân viên công ty nhận hạt giống hỗ trợ, về nhà kêu người thân đến nhận tiếp; có người còn gọi điện cho người thân ở xã khác đến gặp nhân viên công ty để nhận hạt giống hỗ trợ….
Điều đáng ghi nhận là sau khi biết “sự cố” do nhân viên gây ra, Giám đốc công ty đã đích thân đến gặp Chủ tịch Hội Nông dân xã trao đổi và nhận thiếu sót. Giám đốc công ty cam kết vào ngày 7.7.2015 sẽ cùng Hội Nông dân đến gặp những người nông dân bị thiệt hại theo danh sách đã thống kê để thực hiện đầy đủ và dứt điểm việc hỗ trợ.
Không ít người cho rằng, sự việc đáng tiếc trên là do nhân viên Công ty Sao Phương Nam gây ra, Giám đốc Công ty nhận trách nhiệm và tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ là điều tất nhiên.
Thế nhưng, phía sau sự việc này cũng có điều cần phải “lên án”, đó là hành vi “té nước theo mưa” của những người không hề bị thiệt hại nhưng lại lợi dụng sự thiếu sót của nhân viên, cố tình đến nhận sự hỗ trợ của Công ty, trong đó có người nhận nhiều lần.
THẾ NHÂN