Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh (Sở GD-ĐT) đang triển khai lấy ý kiến góp ý cho phương án tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2015-2016, trên cơ sở quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18.4.2014. Đây cũng là một trong những vấn đề đổi mới của Bộ theo tinh thần Nghị quyết 29 về việc “Đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục- đào tạo”.
Xem kết quả tuyển sinh lớp 10 - năm 2014.
Văn bản ngắn gọn với 5 trang trình bày hai phần: đối với trường THPT không chuyên và đối với trường THPT chuyên. Theo tinh thần hướng dẫn chung của Bộ, các địa phương cụ thể hoá những vấn đề phù hợp với thực tế của từng vùng, miền trên tinh thần bảo đảm hợp pháp, hợp lý và công bằng về quyền lợi cho học sinh. Dự thảo phương án tuyển sinh lớp 10 do Sở GD-ĐT Tây Ninh biên soạn đã bám sát những nội dung cơ bản của quy chế, bổ sung một số chi tiết phù hợp với địa phương như “Học sinh thuộc dân tộc rất ít người”; “Học sinh khuyết tật”; “Học sinh bị nhiễm chất độc màu da cam…”, đồng thời tiếp tục thực hiện một số biện pháp tổ chức của những năm trước. Bài viết này xin tham gia vài ý kiến.
Với diện ưu tiên, nên bổ sung diện nghèo chính sách, diện mồ côi cha mẹ. Số này rất ít, nhưng là đối tượng cần được quan tâm để hỗ trợ các em có điều kiện được đến trường, giúp các em vươn lên trong cuộc sống.
Mục c, đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10: với những học sinh đạt giải quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật, theo tôi, các em xứng đáng được tuyển thẳng vào bất kỳ trường THPT nào theo nguyện vọng, kể cả trường chuyên nhưng phải đúng với môn chuyên hoặc môn tương cận.
Diện ưu tiên, khuyến khích: trường hợp học sinh vừa là con liệt sĩ, vừa là học sinh giỏi đạt giải các cuộc thi thì nên cho các em được cộng điểm cả hai diện ưu tiên và khuyến khích.
Về môn thi, trong dự thảo chỉ nêu hai môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn (thi vào trường THPT không chuyên), môn Tiếng Anh chỉ được cộng điểm thêm. Theo tôi, dự thảo nên quy định, nếu các em muốn thi vào các trường THPT Tây Ninh, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Trãi thì bắt buộc phải thi môn Tiếng Anh. Các trường THPT còn lại, các em có thể đăng ký thi thêm môn Tiếng Anh để được cộng thêm điểm. Như vậy, chúng ta vừa phân hoá bước đầu học sinh, vừa kích thích các em học tốt môn Tiếng Anh cho những năm sau. Dần dà sau này, môn Tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc cùng với hai môn Toán, Văn.
Trường hợp số thí sinh đăng ký dự thi thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì vẫn tổ chức thi tuyển (không nên bỏ thi). Ban tuyển sinh tỉnh quy định mức điểm sàn phù hợp với từng trường, vùng giáo dục để xét tuyển. Số thí sinh không đạt mức điểm sàn sẽ được phân luồng về các cơ sở giáo dục như Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trung tâm Giáo dục thường xuyên… Đối với những trường xét tuyển chưa đủ chỉ tiêu, ban tuyển sinh tỉnh có thể cho phép được xét tuyển thêm đối với những thí sinh đủ điểm sàn nhưng không trúng tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký.
Ban đầu, Sở GD-ĐT chỉ nên ban hành quy chế tuyển sinh mang tính chung nhất, mỗi năm trình UBND tỉnh kế hoạch hướng dẫn tuyển sinh và chọn phương thức thi tuyển, xét tuyển phù hợp với tình hình chuyển biến giáo dục từng năm.
VŨ HỒNG