BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Dân ta phải biết sử ta…”

Cập nhật ngày: 08/04/2022 - 00:24

BTN - Bác Hồ có hai câu thơ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nói như một vị giáo sư nào đó, nếu không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.

Tư à, sắp tới dịp kỷ niệm Chiến thắng 30 tháng Tư rồi, tự dưng lại nhớ thời thơ ấu của tui với ông. Hồi đó làm gì có muôn hình vạn trạng thứ để giải trí như bây giờ, tối tối là cứ ngồi chò hỏ đợi mấy vị cha chú uống trà kể chuyện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”.

Nói thiệt nghe, giờ ngẫm lại mới thấy, cha ông mình hồi xưa xem cái chết “nhẹ như lông hồng”. Có ông chú, thấy trực thăng Mỹ đổ quân ngoài bìa rừng, ổng nổi hứng bắn mấy trái tromblon, đã không trúng mà còn báo hại cả căn cứ phải dời đi. Kể chuyện bị kiểm điểm mấy ngày trời mà ổng cười khà khà coi như chuyện nhỏ.

- Những người đã trải qua cái thời oanh liệt ấy, giờ chẳng còn được mấy, cũng không có nhiều dịp để kể cho con cháu nghe. Sách sử thì đầy, nhưng nằm im lìm trong thư viện, tụi nhỏ bây giờ có thèm đọc sách đâu. Cả việc tra google để tìm hiểu, dễ gần chết mà tụi nó cũng lười. Cứ cắm đầu vô game với mấy cái trend trời ơi, đất hỡi trên mạng xã hội.

- Đó đó… đó chính là cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lan truyền các video clip, tài liệu sai lệch, xuyên tạc lịch sử, cố tình bóp méo sự thật về Chiến thắng 30 tháng Tư - thành quả của ý chí đoàn kết “muôn người như một” và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn dân tộc.

Tư có thừa nhận với tui là, chúng ta vẫn còn dở trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc, chưa bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ 4.0, nên không tận dụng và khai thác triệt để lợi thế của mạng xã hội… để tụi nhỏ thiếu sức đề kháng trước những luồng thông tin xấu độc, từ đó dẫn đến việc hoài nghi đối với lịch sử dân tộc, suy giảm lòng tin đối với Đảng, đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập - tự do của đất nước.

- Bác Hồ có hai câu thơ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nói như một vị giáo sư nào đó, nếu không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử. Học Sử có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, không phải chỉ ở trên ghế nhà trường.

Ý kiến cá nhân tui là vầy, bên cạnh việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy - học, các trường cần phải tăng cường lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử nước nhà cho học sinh qua các hoạt động ngoại khoá, về nguồn…

Tiết học Sử sẽ trở nên sinh động hơn khi được ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh được chủ động tiếp thu kiến thức và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Không chỉ vậy, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể cũng phải vào cuộc, chung tay tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quá trình phát triển của công nghệ trong việc giáo dục lịch sử đất nước, truyền thống của dân tộc cho đoàn viên, thanh niên, các tầng lớp trong xã hội… Có như vậy, mới tạo được “sức đề kháng” đối với những mưu đồ chống phá, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động.

Đ.H