Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung Quốc siết chặt kiểm soát nông sản nhập khẩu từ Việt Nam:

Đổi mới là “sống còn” 

Cập nhật ngày: 17/05/2019 - 07:00

BTN - Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định đối với nông sản nước ta khi nhập khẩu vào thị trường này. Trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm; phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản, sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh…

Xoài là một trong những loại trái cây được xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều diện tích xoài tại Tây Ninh có truy xuất nguồn gốc (ảnh chụp tại Hợp tác xã xoài Thạnh Bắc).

Thách thức mới

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản, trái cây lớn của tỉnh, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu. Thậm chí một số loại trái cây, nông sản chiếm gần 100%.

Lâu nay, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững. Gần đây, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Việc kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc là một thách thức khá lớn đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Tây Ninh như cao su, mì, mít, mãng cầu…

Đến đầu năm 2019, Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu. Trong những tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn còn “dễ dãi”, yêu cầu về tem, nhãn nên việc xuất khẩu trái cây vào thị trường này vẫn thuận lợi.

Từ ngày 1.5.2019, Hải quan Trung Quốc đã có một số quy định đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam, kiểm soát chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vườn trồng, cải tiến chất lượng, bao bì... Nếu không đáp ứng được các yêu cầu của phía Trung Quốc thì sản phẩm sẽ không vào được thị trường này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân mù mờ về những quy định, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Minh Thành, ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) đang trồng 2 ha mãng cầu, chủ yếu cung cấp cho các thương lái xuất bán sang Trung Quốc. Ông cho biết có nghe qua về việc Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc trái cây khi nhập khẩu; và cũng đã có những lô hàng bị cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra phát hiện không đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, ông chưa nghe ai hướng dẫn thực hiện theo những quy định mới. Ông Thành chia sẻ: “Nếu cần thiết, tôi sẽ kêu gọi nhiều nhà vườn cùng hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc để sản phẩm của mình có giá trị hơn. Tôi cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn và hướng dẫn quy trình để nông dân có điều kiện thực hiện”.

Một số hợp tác xã, tổ hợp tác có nhu cầu xuất khẩu đang thực hiện việc đăng ký truy xuất nguồn gốc trái cây. Ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã mãng cầu Thạnh Tân  cho biết, vừa qua, hợp tác xã cũng đã đăng ký với Sở NN&PTNT để được hỗ trợ thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay.

Cần nâng cao chất lượng nông sản

Bộ NN&PTNT cho biết, theo lộ trình, từ tháng 10.2019, Trung Quốc sẽ tăng cường áp dụng mẫu chứng thư truy xuất nguồn gốc tuỳ hàng hoá. Do đó, nông sản Việt Nam muốn được xuất khẩu sang thị trường này phải được nâng cao chất lượng, cấp mã số và vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Ở nhiều địa phương, nông dân đã áp dụng các quy trình sản xuất nông sản an toàn như GlobalGAP, VietGAP... và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là điều kiện để trái cây và nông sản Tây Ninh thâm nhập sâu không chỉ vào thị trường Trung Quốc mà còn với thị trường nội địa và các quốc gia khác. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc vẫn khá ít.

Là một trong những đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên cây ăn trái, Công ty TNHH Sáu Như Một (huyện Tân Biên) đã được hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 50 ha. Hiện nay, công ty này được thực hiện nghiêm ngặt việc ghi nhật ký và kỹ thuật trồng theo quy định.  

Ông Nguyễn Văn Tài, thành viên Công ty THHH Sáu Như Một cho biết, việc ghi chép nhật ký chăm sóc đang thực hiện bằng sổ tay, sau đó nhập dữ liệu vào máy tính hoặc điện thoại để thuận tiện cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau khi thu hoạch. Sản phẩm của công ty sau thu hoạch đều được dán mã code. Người tiêu dùng quét mã code này sẽ có đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, bón phân, thu hoạch...

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về quy định mới từ phía Trung Quốc; và khuyến cáo nông dân cần liên kết lại với diện tích trên 10 ha, đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc với Bộ NN&PTNT. Bên cạnh đó, nông dân cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp; và việc sản xuất sản phẩm phải gắn với các tiêu chuẩn - thấp nhất là VietGAP.

Quy định gần đây của Trung Quốc là thách thức không nhỏ, song đây cũng là cơ hội đối với nông dân, doanh nghiệp Việt Nam. Việc Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục được tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay, chủ động hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vũ Nguyệt

Hiện nay, đã có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm. Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán cho các loại trái cây khác như sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt... được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Trung Quốc cũng đã đưa ra một số quy định như, khi vận chuyển dưa hấu không được lót rơm, cần dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít, Trung Quốc bắt buộc phải dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Chuối phải được để vào thùng giấy hoặc túi nhựa có in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc.