BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giai đoạn 2021-2025: Tây Ninh duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh 

Cập nhật ngày: 04/07/2021 - 12:06

BTNO - Đó là mục tiêu phấn đấu của Đề án Cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 25.6.2021.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên thứ hạng các chỉ số ngày càng giảm so với các tỉnh, thành trên cả nước.

Cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có tăng nhưng tăng chậm, trong khi các tỉnh thành khác tăng điểm nhanh hơn mức tăng của Tây Ninh nên tỉnh bị giảm thứ hạng. Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

So với năm 2016, mặc dù về điểm số có tăng (4.03 điểm) nhưng đã giảm 4 bậc so với năm 2016. Chỉ số PAPI năm 2020 Tây Ninh xếp hạng thứ 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 31 bậc so với năm 2016, xếp vào nhóm thấp nhất gồm 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chỉ số PAPI của Tây Ninh có xu hướng giảm mức xếp hạng nghiêm trọng và đáng lo ngại cho dù cả giai đoạn có tăng 4,48 điểm. Ở những năm 2016 và 2017 xếp ở nhóm “Trung bình cao”, tiếp đó giảm xuống xếp ở nhóm “Trung bình thấp” và đến năm 2020 là xếp ở nhóm “Thấp nhất”.

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) có tăng (năm 2020 so với năm 2016 tăng 13,29 điểm; thứ hạng tăng từ 44 lên 27/63 tỉnh, thành). Đối với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cấp chính quyền tỉnh thể hiện qua chỉ số SIPAS của tỉnh có tăng (tăng 2,14%) nhưng mức tăng chậm, trong khi mức tăng chung ở các địa phương khác nhanh hơn. Do vậy, dù đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Nhằm duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án Cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI,  PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Đề án).

Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu chỉ số PCI thuộc nhóm Tốt; chỉ số PAPI thuộc nhóm “Trung bình cao”; chỉ số PAR INDEX thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về chỉ số CCHC. Đối với chỉ số SIPAS, mức độ hài lòng của người dân và tổ chức cao hơn mức trung bình cả nước. Chỉ số ICT INDEX thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh tập trung cải thiện các lĩnh vực trong nhóm đạt điểm thấp nhất; nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tư pháp, bảo hiểm y tế; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, cung cấp điện, nước, giải quyết việc làm, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo.

Trong đó, để cải thiện chỉ số PCI sẽ tập trung khắc phục các tiêu chí bị giảm điểm những năm gần đây như: Chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (rút ngắn thực chất thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai minh bạch thông tin mời thầu; cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin cho doanh nghiệp khi có yêu cầu; tăng cường số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức; nâng cao hiệu quả đào tạo lao động và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp hoạt động),…

Về chỉ số PAPI, tập trung vào việc khắc phục các tiêu chí bị giảm điểm như: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, quản trị môi trường (Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; quyết tâm chống tham nhũng; dịch vụ y tế công lập; cơ sở hạ tầng căn bản; sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương),…

Đối với chỉ số PAR INDEX và SIPAS, tiếp tục rà soát, tham mưu, công bố công khai quy trình giải quyết phù hợp, ngắn gọn, đơn giản các TTHC tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa các cấp, nhất là các TTHC có ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.

Kiểm tra, theo dõi việc công khai TTHC trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh và Trang Thông tin điện tử của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và việc xây dựng, nâng cao chất lượng CBCCVC trên địa bàn tỉnh, cải thiện điểm số của các tiêu chí này trong những năm qua.

Mạnh dạn, chủ động tham mưu thí điểm những cách làm mới, mô hình hay, đột phá về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và thực hiện nộp - trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh.

Khắc phục việc giải quyết trễ hạn các hồ sơ của người dân, tổ chức; thực hiện đúng quy trình, thao tác trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh; trả lời đúng, đủ, kịp thời các nội dung phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; đồng thời phải cập nhật, công khai nội dung đã trả lời lên Trang thông tin điện tử của sở ngành hoặc Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để cá nhân, tổ chức biết.

Riêng chỉ số ICT, để nâng cao số lượng người dân sử dụng Internet cần tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hạ tầng viễn thông; tiếp tục tăng thêm các trường chuyên đào tạo về công nghệ thông tin;

Triển khai các ứng dụng cơ bản tại các cơ quan nhà nước đảm bảo tối thiểu 90% hoạt động đều phải được ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở; nâng số lượng thủ tục hành chính mức độ 4 đạt 100% TTHC đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến; nâng cao số lượng hồ sơ nộp và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt 50% hồ sơ trên tổng số lượng hồ sơ.

DT

Từ khóa
PAR INDEXSIPAS