BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giao lưu văn hóa là cây cầu lớn nối Việt Nam với quốc tế 

Cập nhật ngày: 21/04/2019 - 13:47

Để tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc, ngoài các hoạt động ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa trở thành sức mạnh “mềm” vô cùng quan trọng.

Cách đây 6 năm, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW, Chính phủ ban hành chương trình hành động và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế gồm: Ban Chỉ đạo liên ngành về chính trị, an ninh, quốc phòng, Ban Chỉ đạo liên ngành về kinh tế, Ban Chỉ đạo liên ngành về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

Cùng với hợp tác, trao đổi thương mại, trong những năm vừa qua, giao lưu văn hóa chính là cầu nối hữu hiệu để đưa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đã và đang có nhiều người Việt Nam nỗ lực hết mình trong việc quảng bá Việt ra nước ngoài. Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung được đánh giá là nhà ngoại giao kỳ cựu và sắc sảo và hết lòng đam mê văn hóa. Ông đã đầu tư nhiều tâm huyết để đưa văn hóa và tư tưởng của người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Sức mạnh “mềm”

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, để tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc, ngoài việc tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa trở thành sức mạnh “mềm” vô cùng quan trọng trong mối quan hệ đó.

Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương.

“Chúng ta đã đưa ra chủ trương hội nhập từ nhiều năm nay, càng ngày càng thấy hiệu quả rất đáng mừng. Hội nhập không phải chỉ là thúc đẩy một lĩnh vực nào đó ra với thế giới mà thực tế cho thấy lĩnh vực này thúc đẩy lĩnh vực kia cuối cùng thế giới biết đến Việt Nam một cách trung thực và toàn diện. Chúng ta ngày càng có nhiều bạn bè, nhiều đối tác.

Chúng ta đã xây dựng thành công hình ảnh Việt Nam mới sau chiến tranh. Ngày xưa thế giới biết đến Việt Nam tuyệt đại đa số nhờ cuộc chiến tranh ác liệt (Vietnam War), số người này ngày càng ít đi, thì ngày nay người ta biết đến một Việt Nam hòa bình, phát triển, đầy tiềm năng hợp tác. Tất cả đó là nhờ chủ trương hội nhập”, ông Quang nhận định.

Nhưng, ông Quang cũng chỉ ra rằng, nhìn lại cả quá trình có thể thấy, chỉ mới những năm gần đây “hội nhập văn hóa” mới được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Không phải trước đây không làm, nhưng trong nhận thức trước đây hễ nghĩ đến hội nhập là nghĩ đến kinh tế, thương mại, chính trị...

“Thực ra các dân tộc trên thế giới hiểu biết nhau phần nhiều qua con đường giao lưu văn hóa. Sau sự kiện ông Kim, ông Trump vừa rồi, người ta không chỉ bàn đến chuyện của hai ông mà xuất hiện rất nhiều bài báo và phóng sự truyền hình trên thế giới về các món ăn Việt Nam, đường phố Hà Nội, nét đẹp áo dài, những nụ cười cởi mở, hiếu khách của người Việt... Như vậy người ta đã tô thêm màu sắc rực rỡ cho hình ảnh đất nước ta. Điều đó chứng minh lĩnh vực này tác động đến lĩnh vực kia, ngoại giao sang văn hóa, sang du lịch... Đó chính là một cách hội nhập văn hóa”, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang nhận định.

Theo ông, thời gian qua ngành văn hóa đã làm một số việc rất mạnh dạn và rất hiệu quả: Phim của Hollywood quay ở Việt Nam làm cho Việt Nam thêm nổi tiếng; hợp tác với các hãng phim nước ngoài như Hàn Quốc cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật hay không chỉ là phục vụ khán giả giải trí mà là quảng bá văn hóa mình; các festival văn hóa nghệ thuật ta chủ động tổ chức ở các nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt, là cầu nối hữu hiệu để đưa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Giao lưu văn hóa mạnh hơn tiếng nói ngoại giao

Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng vai trò của giao lưu văn hóa trong việc tăng cường hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế rất quan trọng.

Ông chia sẻ: “Tôi là một nhà ngoại giao, nhưng tôi luôn chú ý đến giao lưu văn hóa. Giao lưu văn hóa từ xưa tới nay luôn là cầu nối giữa các dân tộc, giữa nhân dân các nước với nhau. Tôi nghĩ rằng tiếng nói của một nhà ngoại giao chưa đủ mạnh bằng tiếng nói của giao lưu văn hóa. Do vậy, lúc nào tôi cũng coi trọng vai trò của giao lưu văn hóa. Việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị phải dựa trên cơ sở là hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Và để hiểu biết lẫn nhau thì văn hóa làm tốt hơn ngoại giao”.

Nếu hai nền văn hóa giao lưu được với nhau thì sẽ đóng góp rất lớn cho quan hệ hai nước. Ông Nguyễn Vinh Quang kể lại câu chuyện, năm 1992 ông được cử sang công tác ở Bắc Kinh, lúc đó hai nước mới bình thường hóa quan hệ và ông nhận thấy nhân dân Trung Quốc hiểu rất ít về Việt Nam và văn hóa Việt Nam. “Tôi đã khảo sát một số nhà hát và đơn vị nghệ thuật của Bắc Kinh. Khi tôi hỏi họ về văn hóa Việt Nam, họ trả lời rằng họ không biết nhiều về Việt Nam, ngoại trừ thời kỳ chống Mỹ với một số bộ phim hay và vài cuốn sách”, ông Quang nói.

“Tôi nhận thấy muốn phát triển quan hệ song phương, phải thúc đẩy giao lưu văn hóa. Do vậy, tôi đã cùng với Giáo sư Lợi Quốc làm một chương trình mời thính giả Trung Quốc đi du lịch Việt Nam qua con đường âm nhạc. Cụ thể là mời thính giả Trung Quốc nghe dân ca Việt Nam, từ Chèo đồng bằng Bắc Bộ, dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, đến hò Thanh Hóa, ví Nghệ An, hò Huế, rồi hát tuồng, cải lương Miền Nam và lên Tây Nguyên nghe cồng chiêng.

Chúng tôi đã làm rất công phu và thời lượng phát sóng trên Đài Phát thanh Nhân dân Bắc Kinh là 150 phút chia làm 3 buổi. Tôi không ngờ sau chương trình này, rất nhiều người Trung Quốc đã tìm đến Đại sứ quán hỏi tôi để cảm ơn vì đã lâu rồi họ mới được nghe một chương trình về Việt Nam thú vị như vậy. Có thể nói hiệu quả rất tốt. Tiếp đó, Đài Phát thanh Nhân dân Đại Liên cử người lên Bắc Kinh và đề nghị tôi hợp tác làm chương trình âm nhạc tương tự và tôi cũng đã hợp tác với họ làm việc này. Tôi nghĩ đó là những đóng góp rất nhỏ nhưng rất hiệu quả trong việc tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước thông qua con đường văn hóa”, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang bày tỏ.

Văn hóa dân tộc gây dựng thương hiệu mạnh cho quốc gia

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, mặc dù ngành ngoại giao đã nói rất nhiều về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, hội nhập văn hóa, thế nhưng các nhà ngoại giao, nhất là giới trẻ chỉ chú trọng ngoại ngữ và quan hệ quốc tế, rất ít người quan tâm văn hóa.

“Họ phải nắm chắc văn hóa dân tộc mình khi đi làm ngoại giao, nhất là khi hoạt động ở các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Vậy họ phải tự học, hoặc phải có chương trình rõ ràng về kiến thức văn hóa Việt Nam, bắt buộc phải học. Không những thế họ phải có kiến thức cơ bản về văn hóa nước sở tại. Có như thế mới thúc đẩy giao lưu được và có ý thức về việc tiếp thu cái gì trong tinh hoa văn hóa của nước bạn. Các tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa lại càng không được thiếu kiến thức khi sang nước người ta thực hiện sứ mệnh của một nhà ngoại giao chuyên văn hóa”, ông Quang nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao.

Bên cạnh đó, đối với các nhà ngoại giao của các nước đang công tác tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Vinh Quang, nên tạo mọi điều kiện cho họ tiếp cận văn hóa Việt Nam. Hằng năm, chúng ta nên tổ chức các đoàn quan chức ngoại giao tham quan các địa phương, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Thậm chí kêu gọi các địa phương bỏ tiền ra xúc tiến du lịch thương mại cho ngoại giao đoàn, mời họ đến quê mình, khoe những thế mạnh về du lịch thương mại của tỉnh mình.

Nếu thực hiện được những hoạt động này sẽ mang lại hiệu quả rất tốt, vừa quảng bá văn hóa du lịch vừa quảng bá thương mại và gợi ý hợp tác đầu tư vào các dự án cụ thể của địa phương. Ngoài ra, theo ông Quang, ngành văn hóa và ngoại giao nên “bắt tay” thỉnh thoảng tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa “đặc sản” của Việt Nam như các hội diễn nghệ thuật như rối nước, hòa nhạc, nhạc cụ truyền thống... cho ngoại giao đoàn.

Cuối cùng, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang cho rằng chúng ta phải chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa để gây dựng thương hiệu cho quốc gia mình. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc quảng bá rất hiệu quả nền văn hóa của họ, ta nên tham khảo kinh nghiệm. Công nghiệp văn hóa vừa quảng bá văn hóa lại vừa là một ngành kinh tế đáng kể. Ví dụ, Trung Quốc bán bản quyền một bộ phim truyền hình hàng chục triệu USD hay công nghiệp văn hoá Mỹ chiếm gần 30% GDP , Hàn Quốc chiếm 15% GDP. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia có quan hệ văn hóa và thương mại tốt như Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm văn hóa với hai vai trò kinh tế và văn hóa.

Nguồn Chinhphu