Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Dầu Tiếng: Nguy cơ mất cân bằng giữa các loài thuỷ sản
Chủ nhật: 12:57 ngày 25/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tình trạng mất cân đối giữa các loài cá đáng báo động. Một số loài phát triển rất nhanh như cá rô phi (cá thả) và cá chốt (cá tự nhiên).

Nguồn thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng khá dồi dào, phong phú. Hiện có 54 loài sinh sống, hằng năm cung cấp hàng ngàn tấn thuỷ sản, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là những người nghèo, không có đất đai, phương tiện sản xuất.

Những năm từ 1986 đến 1990, mỗi năm sản lượng thuỷ sản khai thác trong hồ đạt hơn 3.000 tấn, nhưng do khâu quản lý lỏng lẻo, người dân sử dụng nhiều phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt nên sản lượng sụt giảm chỉ còn 400 tấn vào những năm 1991-2005. Từ năm 2005 đến nay, hằng  năm UBND tỉnh tổ chức thả bổ sung hàng triệu con cá giống xuống hồ và tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm các phương tiện đánh bắt huỷ diệt. Do vậy sản lượng khai thác hằng năm tăng dần, bình quân mỗi năm đạt khoảng 2.600 tấn. Hiện tại có khoảng 700 phương tiện và hơn 1.000 người tham gia đánh bắt thuỷ sản trong hồ, nhiều gia đình sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Nhiều loại cá giống được thả bổ sung xuống hồ phát triển rất tốt cả về trọng lượng cá thể và quy mô bầy đàn, như cá trôi, rô phi, mè hoa... có con cá đạt tới trọng lượng hơn 20 kg.

Lưới dớn, một loại ngư cụ bị cấm, nhưng vẫn được sử dụng tràn lan

Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối giữa các loài cá đáng báo động. Một số loài phát triển rất nhanh như cá rô phi (cá thả) và cá chốt (cá tự nhiên). Cá rô phi nhờ đặc tính sinh sản quanh năm, cá mẹ biết nuôi giữ cá con lại có môi trường phù hợp nên đã trở thành loài cá chính trong hồ Dầu Tiếng. Cá chốt sống và di chuyển thành bầy đàn, thân cá có vây sắc nhọn nên loài cá khác không dám tấn công, do vậy loài cá này đang là mối nguy cơ cho các loài cá khác. Có những bầy cá chốt di chuyển nổi lên mặt nước rộng hàng trăm mét vuông, không loài cá nào tới gần, việc đánh bắt loài cá này cũng rất khó khăn. Anh N.V.H dùng lưới “mành mành” vây bắt bầy cá chốt. Khi vây kín, cá quá nhiều phải mở lưới thả bớt. Khi anh H kéo lưới lên được 1,4 tấn cá chốt, nhưng tấm lưới mới cũng rách bươm phải bỏ. Cá bống tượng có thời gian phát triển rất mạnh, do nhu cầu cá giống và người đánh bắt sử dụng loại dớn lưới đặt sát mặt đất dưới đáy hồ nên loài cá bống tượng hiện đã giảm rất nhiều. Một số loài cá tự nhiên trong hồ dần biến mất, hoặc giảm thiểu đáng kể có nguy cơ biến mất như cá bông, cá cơm, rô biển, mè lúi, nhất là loài tép trước đây rất nhiều, nhưng hiện nay đã cạn kiệt.

Tình trạng mất cân đối giữa các loài thuỷ sản đang là nguy cơ đe doạ sự cân bằng nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng.

TRẦN VĂN

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục