Hình ảnh chiếc bánh chưng xanh trong dịp Tết Nguyên đán đã quá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Thế nhưng, trên vùng cao Si Ma Cai trong dịp tết không chỉ có bánh chưng xanh mà còn có một loại bánh chưng từ hình thức đến hương vị đều rất độc đáo do bàn tay người Nùng làm ra từ nhiều đời nay: chiếc bánh chưng đen.
Hình ảnh chiếc bánh chưng xanh trong dịp Tết Nguyên đán đã quá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Thế nhưng, trên vùng cao Si Ma Cai trong dịp tết không chỉ có bánh chưng xanh mà còn có một loại bánh chưng từ hình thức đến hương vị đều rất độc đáo do bàn tay người Nùng làm ra từ nhiều đời nay: chiếc bánh chưng đen.
Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông như bánh chưng xanh mà hình dạng tròn, dài, gần giống với bánh gù của dân tộc Giáy mà nhiều nơi gọi là bánh chưng tầy. Nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều thứ khá đặc biệt mang phong vị vùng cao: lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn, đỗ xanh và đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây núc nác trên rừng.
Bánh chưng đen ăn trong dịp tết, ngon nhất vẫn là nướng. Bánh cứ để cả lá, đặt lên lớp than hồng, phủ than nóng lên, đến khi lớp lá ngoài cháy hết thì mùi thơm của gạo nếp, của thảo quả, của thịt mỡ lan tỏa trong không khí đánh thức cảm giác muốn thưởng thức của mọi người. Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng... tất cả tạo nên một dư vị không thể nào quên một nét văn hóa ẩm thực đẹp của vùng cao Si Ma Cai.
Những cụ già người Nùng cho biết để làm được chiếc bánh chưng đen khá kỳ công, nguyên liệu làm bánh phải được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô, lúa nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, không lẫn sạn, thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, quả thảo quả khô, nướng cho thơm lừng, giã nhỏ trộn vào thịt cùng với tiêu, ớt bột. Để tạo màu đen cho chiếc bánh thì lấy thân cây núc nác tước vỏ, đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen. Bánh chưng đen phải được gói thủ công, trước khi luộc bánh, người ta đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 - 5 tiếng thì vớt ra. Giáp Tết, trong cái rét vùng cao, mà ngồi bên nồi bánh chưng sôi sùng sục khói, uống vài ba chén rượu ngô thơm nồng, ôn lại chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới thì vừa ấm cúng và thật thú vị.
Theo Báo Lào Cai