Theo nguồn tin từ Trạm Thú y huyện
DMC, đến 8 giờ ngày 28.9.2010, trong tổng số 5.961 đàn heo toàn huyện, có 2.642
đàn có cá thể heo bị mắc bệnh tai xanh, và đã có 1.898 con heo chết. Toàn bộ số
heo chết đã được cân đo, hoàn tất các thủ tục cần thiết và tiêu huỷ đúng quy
định. Địa phương có đàn heo mắc bệnh cao nhất và số heo chết nhiều nhất là xã
Chà Là (chết 349 con); địa phương có số heo bệnh, heo chết thấp nhất là Bến Củi,
Lộc Ninh; cả hai xã hiện không có heo phát sinh bệnh, riêng hai xã Chà Là và xã
Cầu Khởi từ ngày 5.8.2010 đến nay không còn heo bệnh, heo chết phát sinh. Các
địa phương đang tập trung cao độ cho “chiến dịch” khống chế và dập dịch, không
để dịch lây lan ra diện rộng. Bà Nguyễn Kim Loan, Trưởng Trạm Thú y huyện cho
biết: “Để tập trung cho chiến dịch dập dịch, Trạm đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo
các xã và Ban Chỉ đạo huyện đầu tư nhân lực, vật chất, đặc biệt là thuốc sát
trùng, vôi bột, phương tiện đầy đủ, sẵn sàng. Nơi có dịch, quay vòng 2 ngày phun
xịt thuốc sát trùng một lần, vùng ảnh hưởng 1 tuần phun xịt một lần, mọi chi phí
hoàn toàn do ngân sách Nhà nước chi”.
 |
Anh Lê Minh Thành bên đàn trâu của
mình trong hồ Dầu Tiếng |
Dịch heo tai xanh ở huyện DMC đã
có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể. Đến ngày 28.9.2010 chỉ còn 5 xã có tổng cộng 13
con heo chết. Gia đình ông Hồ Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện có
bầy heo 8 con, chuẩn bị xuất chuồng thì cả 8 con heo bị bệnh “heo tai xanh”. Ông
Sơn đã làm theo sự hướng dẫn của cán bộ Thú y, và kinh nghiệm cá nhân, qua 20
ngày kiên trì điều trị theo đúng phác đồ, nay cả đàn heo 8 con đã khỏi bệnh hoàn
toàn. Trạm Thú y huyện đang lấy kết quả điều trị đàn heo khỏi bệnh “heo tai
xanh” để phổ biến cho người chăn nuôi.
Về việc xuất hiện bệnh lở mồm long
móng trên đàn trâu bò chăn thả trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, đã phát hiện 4
đàn trâu của các hộ nuôi thả theo mùa nước, có khoảng 20 con mắc bệnh. Ngành
chức năng và chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ có đàn trâu nhiễm bệnh
phải khống chế đàn tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác, và tích cực điều
trị. Nhờ tích cực điều trị, tiêm phòng và phun sát trùng trên diện rộng, đến nay
chỉ còn 8 con chưa khỏi bệnh. Vắc xin lở mồm long móng thì Nhà nước không tính
tiền, riêng vắc xin tụ huyết trùng trị giá 20.000 đồng, được Nhà nước hỗ trợ
100%, người chăn nuôi chỉ phải chi trả tiền chi phí cho người trực tiếp đi tiêm
5.000 đồng/ con/ 2 mũi tiêm. Riêng trâu, bò khi đã bị bệnh thì người chăn nuôi
phải chịu mọi chi phí chữa trị. Anh Lê Minh Thành, ngụ tại ấp Phước Tân, xã
Phước Ninh, có đàn trâu 26 con gửi nuôi thả chung với các bầy trâu khác trong hồ
Dầu Tiếng; trong thời gian qua có 10 con bị bệnh lở mồm long móng phải đưa về
cách ly để chữa trị, nay đã khỏi bệnh, lại đưa vào chăn thả trong hồ.
Được biết, nguồn gây bệnh trên đàn
trâu bò chăn thả trong lòng hồ Dầu Tiếng là do một người cư trú ở xã Cầu Khởi
chuyên đi mua trâu bò lậu từ Campuchia về bán kiếm lời, đã làm lây bệnh cho đàn
trâu của địa phương. Ngày 20.9.2010, ngành chức năng huyện DMC đã bắt giữ một
trường hợp vận chuyển trâu bò bằng xe ô tô không có giấy phép kiểm dịch, giao
cho chính quyền xử lý theo quy định.
NGUYỄN TRẦN VĂN