Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 100%”, tức đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố, phòng học tạm.
Ngày 12.8.2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 100%”, tức đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố, phòng học tạm.
Cô trò Trường mầm non Thành Long, huyện Châu Thành
Ông Nguyễn Chí Trung- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Châu Thành thông tin, công tác kiên cố hoá trường lớp được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, gắn với Chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới. Năm 2014, Châu Thành chỉ có 455 phòng học được kiên cố hoá, đạt 57,7%. Thời điểm 10 năm trước, địa phương này còn nhiều phòng tạm bợ, xuống cấp, thiếu phòng chức năng, sân chơi bãi tập, thiết bị đồ dùng dạy học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Châu Thành: Gần 90% phòng học được kiên cố hoá
Qua 10 năm thực hiện, toàn huyện có 684/779 phòng học được kiên cố hoá- đạt tỷ lệ 87,8%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100%. Nhiều trường được kiên cố hoá, có đầy đủ tiện nghi hiện đại, sân chơi bãi tập được bảo đảm cho việc học tập và vui chơi của các em. Đến nay, Châu Thành có 34/57 trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ này đạt 100%.
Bà Lê Thị Ngọc Loan- Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết, trường có cơ sở khang trang, được kiên cố hoá, có hàng rào bao quanh bảo đảm an toàn cho trẻ; có đầy đủ đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các em vui chơi và học tập. Phụ huynh an tâm khi gửi bé đến trường.
Trường có 26 giáo viên, 13 nhóm lớp- trong đó có 12 lớp mẫu giáo và 1 lớp nhà trẻ.
“Tôi vào ngành từ năm 2002, so với trước đây, tỷ lệ trường lớp kiên cố hoá cao hơn rất nhiều. Tôi vui mừng khi trường được các cấp quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên mầm non vì đặc thù công việc của các cô rất vất vả. Nếu được các chế độ hỗ trợ, các cô sẽ vui và an tâm công tác hơn”- Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành chia sẻ.
Ông Võ Văn Hải- Hiệu trưởng Trường THCS Thành Long, huyện Châu Thành so sánh, trước đây điều kiện dạy học của trường hết sức khó khăn, thiếu thốn. Phòng học được xây dựng từ những năm 1995, nóng bức khi trời nắng, ồn ào khi trời mưa, sân trường nắng bụi, mưa lầy, không có phòng chức năng thực hành thí nghiệm. Thư viện chỉ có vài loại sách giáo viên, sách tham khảo cơ bản. Hiện tại, nhờ kiên cố hoá trường lớp, cơ sở vật chất của nhà trường được bảo đảm, đáp ứng được điều kiện dạy và học. Các dãy phòng học được xây dựng kiên cố, đáp ứng đủ số lượng phòng học (18/18 lớp học); thoáng mát, có đủ bàn ghế cho học sinh, đèn chiếu sáng, máy quạt, ti vi phục vụ cho việc dạy và học.
Trong một tiết học ở Trường THCS Thành Long, huyện Châu Thành
“Thiết bị giáo dục hiện nay đã đáp ứng tối thiểu nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của chương trình mới. Rất mong các cấp quan tâm sớm cấp trang thiết bị dạy học để nhà trường được hoàn thiện công tác dạy và học trong thời gian tới"- Hiệu trưởng Trường THCS Thành Long, huyện Châu Thành đề nghị.
Khang trang trường làng
Thật thiếu sót khi đề cập đến kiên cố hoá trường lớp ở Châu Thành mà bỏ qua việc đầu tư cho trường lớp ở một xã từng thuộc xã nghèo nội địa: Hảo Đước.
Sau khi xã Hảo Đước chia tách thành hai xã gồm An Cơ và Hảo Đước vào đầu những năm 2000, tất cả trường học trên địa bàn của hai xã An Cơ và Hảo Đước đều là phòng học cấp 4, có nơi xập xệ, xuống cấp. Trong đó, đặc biệt xã mới Hảo Đước, mỗi ấp có một trường tiểu học là những ngôi trường cấp 4. Những dãy phòng học, sân trường thấp, nắng bụi mưa lầy. Sau thời gian được đầu tư, hiện tại, tất cả trường học trên địa bàn xã Hảo Đước đã được kiên cố hoá, số lượng phòng học cấp 4 cũng còn nhưng không đáng kể và chỉ dùng làm phòng họp, phòng chức năng, thư viện, thiết bị. Hầu hết học sinh được học trong phòng kiên cố hoá, khang trang, mát mẻ.
Tại TP. Tây Ninh, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi- tiền thân là Trường THCS Tân Bình (thành lập năm 1998 thuộc xã Tân Bình; năm 2009, trường đổi tên thành Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đến nay), những năm đầu mới thành lập, chỉ có 2 lớp 6 với hơn 70 học sinh. Thời điểm đó, trường chỉ có vỏn vẹn 3 phòng (1 phòng hiệu trưởng và 2 phòng học).
Năm 2002, UBND Thị xã (nay là thành phố Tây Ninh) xây thêm 6 phòng cấp 4 và năm 2007 xây dựng thêm một dãy lầu gồm 9 phòng. Lúc này tổng số lớp học là 10 lớp. Thiếu phòng học, trường phải học 2 ca sáng, chiều. Năm 2019, được sự đầu tư của UBND TP. Tây Ninh, xã Tân Bình xây dựng thành xã nông thôn mới, xây dựng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thành trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường được kiên cố hoá, khang trang, tổng số 22 phòng gồm phòng học, phòng học bộ môn, phòng thực hành, khối phòng hành chính… Khu sân chơi, bãi tập được bê tông hoá, thuận lợi để tổ chức các hoạt động giáo dục. Hệ thống cung cấp nước sạch, thoát nước, phòng cháy chữa cháy được lắp đặt hoàn thiện.
“Những lớp học tạm bợ nay đã được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi. Quang cảnh nhà trường xanh - sạch - đẹp, thuận lợi cho công tác giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Cơ sở vật chất bảo đảm, phòng học rộng rãi, đúng quy chuẩn, tạo điều kiện cho giáo viên có thể chủ động tổ chức được nhiều hình thức hoạt động trong tiết học.
Hiện nay nhà trường có 10 lớp, đã bố trí đủ số phòng học 1 ca. Tuy nhiên, trường vẫn còn 1 phòng học chưa kiên cố, vì thế vẫn cần xây thêm phòng. Nhà trường mong muốn cấp trên xem xét mở rộng thêm đất phía bên trái nhà trường để tăng diện tích sân sinh hoạt; xây thêm một số phòng học cũng như phòng bộ môn (vì nhiều phòng bộ môn còn là phòng ghép, không thuận lợi cho việc sắp xếp giảng dạy) và nhà thi đấu đa năng để các em có thể tập luyện thể thao, rèn luyện sức khoẻ cũng như thu hẹp khoảng cách giữa học sinh nông thôn và học sinh thành thị. Dù chưa thật hoàn thiện và cũng chưa thể nói rằng đã đầy đủ nhưng nhờ thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp, đến nay, điều kiện dạy học và các hoạt động giáo dục khác tốt hơn trước rất nhiều” - bà Lê Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nhìn nhận.
Có một điều đặc biệt ở Tây Ninh trong thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp là: tỷ lệ phòng học ở bậc học mầm non được kiên cố hoá cao gần gấp đôi so với bình quân chung cả nước. Cụ thể việc này như thế nào?
Việt Đông - Hoàng Yến
(còn tiếp)