Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng mạng lưới nhân giống lúa:

Khó khăn vẫn là “đầu ra” 

Cập nhật ngày: 26/02/2017 - 15:36

BTNO - Cần có sự bao tiêu sản phẩm do các tổ hợp tác sản xuất ra, đồng thời nông dân phải cùng đồng hành, nhận nguồn giống do tổ hợp tác sản xuất thì kế hoạch tăng diện tích hằng năm theo Đề án mới đạt được.

Ông Cồn (người bưng thau lúa) - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xã Cẩm Giang cho lúa vào các trống đựng lúa của trục sạ hàng để xuống giống.

Năm 2014, Đề án “Xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020” được triển khai thực hiện, với mục tiêu là cung ứng giống lúa cho người dân sản xuất, bảo đảm thông qua dịch vụ kiểm định, kiểm nghiệm; tạo động lực thúc đẩy sản xuất sản phẩm hàng hoá phù hợp với định hướng của tỉnh; đồng thời chủ động sản xuất giống lúa chất lượng, giá cả hợp lý cung cứng cho sản xuất đại trà và cánh đồng mẫu lớn.

Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2020, mạng lưới nhân giống phấn đấu mỗi năm cung ứng giống lúa cấp xác nhận tăng khoảng 10% diện tích sản xuất lúa đại trà. Cụ thể: năm 2017 này, các tổ nhân giống sản xuất 900 ha lúa giống để đáp ứng 50% nhu cầu giống chất lượng tốt cho 75.000 ha diện tích sản xuất lúa đại trà; năm 2018, sản xuất 1.200 ha lúa giống để đáp ứng 60% nhu cầu giống chất lượng tốt cho 90.000 ha diện tích sản xuất lúa đại trà; năm 2019, sản xuất 1.500 ha lúa giống để đáp ứng 70% nhu cầu giống chất lượng tốt cho 105.000 ha diện tích sản xuất lúa đại trà. Từ năm 2020, mỗi năm sản xuất 1.800 ha lúa giống để đáp ứng bảo đảm 80% nhu cầu giống chất lượng tốt cho 120.000 ha diện tích sản xuất lúa đại trà.

Theo Đề án, đến năm 2020, mạng lưới sản xuất lúa giống được triển khai ở các xã Chà Là, Truông Mít (huyện Dương Minh Châu); Thanh Điền, Trí Bình (huyện Châu Thành); Long Thành Trung, Long Thành Nam (huyện Hoà Thành); Bàu Đồn, Phước Trạch, Cẩm Giang (huyện Gò Dầu); Tiên Thuận, An Thạnh, Long Chữ, Lợi Thuận (huyện Bến Cầu); Bình Thạnh, Phước Chỉ, Phước Lưu, Gia Bình (huyện Trảng Bàng); Trà Vong (huyện Tân Biên); Thạnh Bình, Thạnh Tân (TP. Tây Ninh).

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 13 tổ hợp tác sản xuất giống được thành lập, với tổng diện tích 3 vụ là 116,2 ha, trong đó, số diện tích lúa cấp giống xác nhận đạt 67,7 ha, cung ứng 271 tấn để làm giống sản xuất 2.461 ha lúa đại trà. Việc luân chuyển lúa giống cũng góp phần cung ứng cho thị trường 194 tấn- đạt 194% kế hoạch, giá lúa thấp hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/kg, giúp người sản xuất lúa giảm được chi phí mua lúa giống 240.000 đồng/ha.

Ông Lê Trung Nghĩa– Phó trưởng Trại Thực nghiệm trồng trọt (thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết, nếu không xây dựng mạng lưới nhân giống lúa thì hằng năm các mô hình trồng lúa và nông dân trên địa bàn tỉnh phải mua giống từ các đại lý, công ty ngoài tỉnh chuyển về với chi phí cao. Do đó, đầu vụ Đông Xuân 2016- 2017, toàn tỉnh có thêm 3 tổ hợp tác sản xuất lúa giống được thành lập, nâng tổng số lên 16 tổ sản xuất lúa giống. Hiện nay, các giống lúa đang được sản xuất chủ yếu trên địa bàn tỉnh là OM4900, OM5451, OM6162, OM7347 và OM1352.

Tuy nhiên, việc xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh còn gặp phải khó khăn- đó là vấn đề tiêu thụ lúa giống trong các tổ hợp tác. Ông Phạm Văn Cồn- Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xã Cẩm Giang cho biết, sắp tới, ông sẽ vận động thêm nông dân tham gia vào tổ hợp tác nhằm tăng diện tích sản xuất lên 30 - 40 ha, nhưng do việc tiêu thụ lúa giống còn gặp một số hạn chế nên tổ hợp tác còn băn khoăn.

Theo ông Lê Trung Nghĩa, do nhu cầu sản xuất của từng địa phương nên lúa giống ở các tổ hợp tác có nơi tiêu thụ hết, có nơi không. Từ đó cho thấy cần có sự bao tiêu sản phẩm do các tổ hợp tác sản xuất ra, đồng thời nông dân phải cùng đồng hành, nhận nguồn giống do tổ hợp tác sản xuất thì kế hoạch tăng diện tích hằng năm theo Đề án mới đạt được.

Hiện nay, lúa giống sản xuất ra được tiêu thụ theo hai phương thức: một là, tổ hợp tác, HTX cung ứng tại địa phương; hai là, Trung tâm Khuyến nông thu mua lại. Ông Lê Trung Dũng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, nguồn lực của Trung tâm Khuyến nông chưa thể đáp ứng hết nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của các tổ liên kết sản xuất lua giống. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nông dân “hướng ngoại”, thích sử dụng các giống lúa của Thái, trong khi sử dụng giống của các tổ nhân giống để luân chuyển sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển mà chất lượng không thua kém.

Dẫu còn có nhiều khó khăn cần quan tâm, giải quyết, nhưng đã có tín hiệu khá lạc quan là việc nhân giống lúa ngày càng có hiệu quả, nên người dân đã bắt đầu ủng hộ và sử dụng giống của các tổ hợp tác sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh. Từ đó có thể hy vọng trong tương lai, các tổ sản xuất lúa giống ở Tây Ninh không còn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nữa.

TRÚC LY