Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khổ vì “hợp đồng trồng chuối” 

Cập nhật ngày: 26/08/2017 - 06:15

BTN - Thời gian qua, anh P.T.N, sinh năm 1977, ngụ ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì lỡ ký hợp đồng trồng chuối cấy mô với một doanh nghiệp ở Hà Nội.

Vườn chuối cấy mô anh N hợp tác với doanh nghiệp C.

Anh N cho biết, cuối năm 2014, thấy nhiều người đổ xô trồng chuối cấy mô (chuối già Nam Mỹ) có thu nhập cao, anh N cũng hăm hở  trồng giống chuối này. Thời điểm đó, doanh nghiệp C, có trụ sở ở Hà Nội gặp anh đặt vấn đề hợp tác. Anh N có 3 ha đất, doanh nghiệp góp vốn bằng việc cải tạo đất, xuống giống chuối và chăm sóc. Theo hợp đồng, đến khi thu hoạch, anh N hưởng 40%, doanh nghiệp hưởng 60% giá trị sản phẩm thu hoạch, thời hạn hợp đồng là 3 năm.

 Thế nhưng, sau khi trồng, doanh nghiệp C không quan tâm chăm sóc nên vườn chuối kém phát triển, còi cọc, cỏ dại mọc đầy. Anh N liên hệ, yêu cầu có biện pháp chăm sóc chuối, đại diện của doanh nghiệp đổ lỗi do thổ nhưỡng, thiếu nước nên đành chịu. Anh N sốt ruột vì 3 ha đất anh ký hợp đồng trồng chuối không hiệu quả, gây lãng phí trong khi doanh nghiệp C không chịu thanh lý hợp đồng.

Anh N làm đơn yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng để lấy lại 3 ha đất canh tác các loại cây trồng khác. Lúc này doanh nghiệp C cho biết đã làm hết sức nhưng vườn chuối kém hiệu quả là do... đất. Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng, anh phải bồi thường. Vì hợp đồng chỉ ghi các điều khoản chung chung, không rõ ràng về trách nhiệm của 2 bên nên hơn 2 năm qua, anh N phải gắng gượng chờ đợi ngày hết thời hạn mà không dám phá bỏ vườn chuối để trồng cây khác.

Anh N khuyến cáo đến những nông dân khác nếu ký hợp đồng hợp tác sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân nào đó, cần phải tham khảo những người am hiểu pháp luật hoặc có thể nhờ ngành nông nghiệp hỗ trợ. Tránh trường hợp như anh, vì thiếu kiến thức pháp luật mà phải chịu thua thiệt khi phát sinh những vấn đề liên quan đến hợp đồng kinh tế đã ký kết.

THẾ NHÂN