BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kim Jong-un đã thắng trong “canh bạc lòng tin” Mỹ – Triều? 

Cập nhật ngày: 13/06/2018 - 09:31

Sau cuộc gặp lịch sử tại khách sạn Capella, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un coi như đã giành phần thắng trong “canh bạc lòng tin”.

Không thể phủ nhận rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người chiến thắng lớn nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều vừa diễn ra ở khách sạn Capella, Singapore.

Ông đã có được sự thừa nhận và tôn trọng từ tổng thống đương nhiệm của một siêu cường, mà không phải nhượng bộ hay từ bỏ bất cứ điều gì để đổi lại.

Ngồi cùng bàn với một tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Kim Jong-un đã tạo được một dấu ấn hoàn toàn khác so với cha và ông nội mình. Ông đã chứng tỏ là một lãnh đạo thân thiện và cởi mở, một chính khách sắc bén, có nhận thức xác đáng về cục diện thế giới, và chứng tỏ rằng ông là người “có thể làm ăn” với vị Tổng thống – tài phiệt Donald Trump.

Sau cuộc gặp lịch sử tại khách sạn Capella, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un coi như đã giành phần thắng trong “canh bạc lòng tin”. Ảnh: AP

Về phần mình, dù ông Trump đã nhanh chóng tuyên bố hội nghị thượng đỉnh chưa từng thấy với nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thành công tốt đẹp, nhưng giới chuyên gia cho rằng tuyên bố chung tại Singapore dường như chỉ là sự làm mới lại những lời hứa hẹn cũ của Bình Nhưỡng với các đời chính quyền Mỹ trước đây.

Điều đó có nghĩa là “điểm cộng” dành cho ông Trump trên trường quốc tế hay trên “sân nhà” sẽ phụ thuộc vào việc liệu sau cuộc đàm phán lịch sử trên, ông có thể biến những “kịch bản” diễn trước ống kính máy quay ở Capella thành những tiến bộ thực tế hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không.

Những người ủng hộ ông Trump ca ngợi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều là một chiến thắng về chính sách đối ngoại của tổng thống trước một trong những “kẻ thù truyền kiếp”, dù ông trước đó đối xử với các đồng minh thân cận nhất của Washington như kẻ thù sau khi rời hội nghị thượng đỉnh G7.

Về đối nội, ông Trump sẽ ca ngợi cam kết ngoại giao với Triều Tiên mà ông vừa đạt được như một bằng chứng cho thấy ông đã nỗ lực để bảo vệ nước Mỹ, một phần trong chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” của ông, dù cuộc gặp ở Singapore dường như chưa cung cấp sự đảm bảo đặc biệt nào chống lại tên lửa hạt nhân tầm xa của Bình Nhưỡng.

Những người Cộng hòa có thể sẽ sử dụng hội nghị này để thuyết phục cử tri Mỹ cho phép họ giành lại quyền kiểm soát quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Cuộc gặp ở Capella chắc chắn là một cuộc gặp lịch sử. Chưa bao giờ các nhà lãnh đạo đương nhiệm của hai quốc gia này ngồi nói chuyện trực tiếp với nhau: hai nước hiện về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, dù việc Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau và ký kết thỏa thuận là một sự kiện lịch sử, nhưng phía trước họ sẽ là một con đường dài và không trải toàn hoa hồng.

Tuyên bố Trump-Kim nêu rõ: “Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4/25018, Triều Tiên cam kết nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.

Rõ ràng, cách diễn đạt như vậy đã tránh né cụm từ “phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” mà giới Mỹ thường nhắc đi nhắc lại trong các phát biểu công khai thời gian qua.

Ngôn từ trong Tuyên bố Trump-Kim chỉ gắn Triều Tiên với “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” như trong Tuyên bố Panmunjom, vốn được Triều Tiên hiểu là giải giáp hạt nhân toàn cầu, hoặc giảm vũ khí song song với Mỹ. Và toàn thể nhân dân Triều Tiên sẽ nỗ lực để “hướng tới” mục tiêu này.

Trong tuyên bố 4 điểm ký tại Singapore, hai nước cam kết “thiết lập quan hệ Mỹ – Triều mới” và theo đuổi một “cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Điểm thứ ba, Tuyên bố viết: “Tổng thống Trump cam kết cung cấp các đảm bảo về an ninh cho Triều Tiên”, và điểm thứ tư mới là “nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định quyết tâm và kiên định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.

Chúng ta có rất ít thông tin chi tiết về bản chất của các đảm bảo (guarantees) an ninh này. Phải hiểu rằng nó khác với sự bảo hiểm (assurances) an ninh, tức là một sự đảm bảo ở mức cao hơn, chắc chắn hơn. Nhưng vì cam kết chung chung của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, Mỹ cũng đã “chơi chữ” và tung hứng với sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, ông Trump thông báo rằng các cuộc tập trận chung thường niên Mỹ – Hàn (mà chính ông Trump thừa nhận là “rất khiêu khích”) sẽ chấm dứt, coi đây như một phần thưởng cho sự nhượng bộ lớn của Bình Nhưỡng.

Nhưng ý định hủy tập trận chung khiến giới lãnh đạo ở Hàn Quốc và cả ở Lầu Năm Góc ngạc nhiên. Christopher Sherwood, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ đang tiếp tục làm việc với Nhà Trắng, các cơ quan hữu quan, và các đồng minh và đối tác về những gì cần làm tiếp theo sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Triều. Lầu Năm Góc trước đó thể hiện rõ ràng quan điểm rằng, họ không sẵn sàng nói về bất cứ sự thay đổi nào về sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, cho tới khi Triều Tiên bắt đầu thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, hãng tin AP cho biết, văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã tỏ ra bối rối khi nói rằng họ “đang cố gắng để hiểu chính xác hàm ý và ý định đằng sau các bình luận của ông Trump”.

Chưa hết, cũng trong cuộc họp báo trên, ông Trump còn nói ông “muốn rút binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước”. Tuyên bố này sẽ khiến Triều Tiên, Trung Quốc và Nga khấp khởi mừng, nhưng lại làm Hàn Quốc và Nhật Bản có chút kém vui.

Câu chuyện về sự “lung lay” của quan hệ đồng minh giữa Mỹ với hai quốc gia Đông Bắc Á đã khiến người ta bàn tán kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Nào là ông đòi Hàn Quốc thanh toán “hóa đơn an ninh” cho Mỹ, nào là ông nói có lẽ Nhật Bản và Hàn Quốc “nên tự chế tạo vũ khí hạt nhân” để bảo vệ mình… Giờ đây, mong muốn rút quân Mỹ là một tuyên bố nữa trong logic đó của ông Trump.

Ông Trump không phải là người đầu tiên có ý tưởng này. Lãnh đạo Mỹ các thời, như Jimmy Carter và Donald Rumsfeld, khi tại nhiệm đều thừa nhận rằng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã trở nên lỗi thời.

Các binh lính Mỹ đã lưu lại đây sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, bởi Hàn Quốc lúc đó vẫn nghèo và Triều Tiên luôn là mối đe dọa với Seoul.

Tuy nhiên, phép màu kinh tế Hàn Quốc đã giúp cho sức mạnh kinh tế nước này phát triển với GDP cao gấp 40 lần đất nước Triều Tiên túng thiếu. Mỹ vì vậy có thể tính đến chuyện rút quân khỏi đây. Các chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IIS) nhận định, việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc sẽ có thể kéo theo việc giảm căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.

Tuyên bố trên khiến cả Seoul và Tokyo lo lắng, bởi phi hạt nhân hóa Triều Tiên không hẳn đồng nghĩa với việc loại bỏ mọi tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên, vốn là mối đe dọa lớn đối với cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những tuyên bố của ông Trump tại họp báo như một “đòn giáng” vào liên minh Mỹ – Hàn và làm đau lòng đồng minh Nhật Bản. Có lẽ người chiến thắng lớn nhất từ cuộc gặp Trump – Kim (ngoài bản thân ông Kim) chính là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc đã lập tức tận dụng cơ hội này để kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên.

Nói tóm lại, cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua chủ yếu mang tính biểu trưng, một sự hòa dịu trong khu vực khi thấy rằng quan hệ Mỹ – Triều đang ở chiều hướng tích cực. Chưa thể nói đây là một đột phá nếu so sánh với chuyến công du lịch sử của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972 nhằm chấm dứt nhiều thập kỷ lạnh nhạt trong quan hệ Washington – Bắc Kinh.

Tuyên bố chung Mỹ - Triều sau cuộc gặp là một thỏa thuận quan trọng, song đây mới chỉ là điểm khởi đầu thuận lợi. Tương lai vẫn còn bất định, bởi Mỹ và Triều Tiên không đạt thỏa thuận chi tiết nào về cách thức thực hiện hay kiểm chứng phi hạt nhân hóa, trong khi khái niệm này được hai bên hiểu theo những cách không giống nhau.

Để đạt tới mục tiêu phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược” theo cách hiểu của Mỹ sẽ cần một quá trình dài, ít nhất là 5 năm. Và điều kiện tiên quyết cho việc này phải là một hiệp định hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, 65 năm sau hiệp định đình chiến. Rất tiếc điều này lại chưa được đề cập đến trong tuyên bố chung.

Nguồn vietnamnet