Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4- HĐND tỉnh
2012-07-13 05:48:00

Hầu hết các nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội, của cử tri.

(BTN)- Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá VIII diễn ra khá sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ. Hầu hết các nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội, của cử tri. Chủ toạ kỳ họp dự kiến có 12 nội dung chất vấn được đặt ra cho 6 sở, ngành trả lời, nhưng do các đại biểu có thêm nhiều câu hỏi đặt ra để làm rõ các vấn đề chất vấn và thời gian có hạn nên chỉ có 4 sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra tỉnh; Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời 9 nội dung. Xin trích tường thuật một số nội dung trả lời được nhiều người quan tâm nhất.

Ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông- bức xúc kéo dài

Đại biểu HĐND tỉnh cho rằng vấn đề ô nhiễm nước sông Vàm Cỏ Đông (VCĐ) đang trở thành vấn nạn và chất vấn ngành chức năng về giải pháp khắc phục cho có hiệu quả.

Nước thải chưa qua xử lý tai một nhà máy mì được xả thẳng ra suối Cạn, tiếp đó ra sông Vàm Cỏ Đông.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trên lưu vực sông VCĐ có 27 điểm xả thải chính, trong đó có 11 cơ sở chế biến khoai mì, 9 cơ sở chế biến cao su, 1 nhà máy chế biến cồn, 2 nhà máy chế biến đường, 2 nhà máy thuộc da và 2 công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Tất cả các cơ sở này đều đang hoạt động và có nguồn thải ra sông VCĐ. Nhằm hạn chế tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra sông, từ năm 2007 đến năm 2010, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đưa các doanh nghiệp nêu trên vào kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hàng năm. Tất cả 27 cơ sở nêu trên đã triển khai thực hiện kế hoạch, trong đó có 10 cơ sở đã thực hiện hoàn chỉnh công tác xử lý môi trường, 15 cơ sở đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý. Riêng 2 công ty kinh doanh hạ tầng KCN đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động cho hệ thống xử lý chất thải tập trung theo đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng lén lút xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Về tình trạng cá chết hàng loạt ở một số khu vực trên sông VCĐ, ông Nguyễn Hoàng cho rằng do các khu vực này tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và nước thải một số cơ sở sản xuất bún gây ra.

Sau phát biểu giải trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, có khá nhiều ý kiến đại biểu chất vấn thêm. Có ý kiến băn khoăn cho là ngành chức năng khẳng định ô nhiễm sông VCĐ là do nước thải sinh hoạt là chưa thuyết phục. Đồng thời có ý kiến nghi ngờ: Liệu các hệ thống xử lý chất thải có hoạt động thường xuyên hay không? Cơ sở sản xuất bún có nhiều đến độ gây ô nhiễm làm cá chết hay không? Đối với 15 cơ sở đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, vì sao đã kéo dài nhiều tháng vẫn chưa hoàn chỉnh?...

Ông Nguyễn Hoàng giải thích là những chất gây ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt và trong nước thải làm bún tích tụ từ mùa khô, đến mùa mưa (thường vào tháng 5) thì lượng tích tụ này bị đẩy ra sông làm ô nhiễm nguồn nước. Chính vì thế, hiện tượng cá chết thường xảy ra thời điểm đầu mùa mưa và sau đó các không còn bị chết nữa do lượng ô nhiễm tích tụ đã được pha loãng. Đối với những băn khoăn khác, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra để các cơ sở chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời ngành triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn nước thải ra sông, rạch, suối, kênh thuộc lưu vực sông VCĐ phải xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Vì sao chậm giao đất sản xuất cho 63 hộ dân ở huyện Tân Châu?

Một trong những vấn đề cử tri huyện Tân Châu bức xúc là từ tháng 6.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1076/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ nhà ở, đất ở, vốn sản xuất và đất sản xuất đối với các hộ có đời sống khó khăn trên địa bàn huyện Tân Châu. Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay vẫn còn 63 hộ vẫn chưa được giao đất sản xuất.

Ông Lê Ngọc Rửa- Chánh Thanh tra tỉnh

Trả lời vấn đề này, ông Lê Ngọc Rửa- Chánh Thanh tra tỉnh cho biết đến nay cơ quan chức năng và địa phương đã thực hiện xong các tiêu chí hỗ trợ về nhà ở, đất ở, vay vốn ưu đãi. Riêng về tiêu chí hỗ trợ đất sản xuất cho 63 hộ dân thì đã có 1 hộ được UBND tỉnh phê duyệt bố trí trong Khu dân cư Chàng Riệc, còn 62 hộ chưa được hỗ trợ đất sản xuất. Nguyên nhân là theo dự kiến ban đầu đất sản xuất sẽ tiến hành giao sau khu thực hiện Đề án bố trí, sắp xếp 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh giai đoạn 2008-2012, hoặc điều tiết đất của Công ty Mía đường Tây Ninh. Tuy nhiên, các phương án này khi triển khai đều gặp khó khăn. Các khu dân cư biên giới triển khai chậm, còn đất của Công ty Mía đường thì đã có hợp đồng ổn định và chưa đến thời kỳ thanh lý hợp đồng. Riêng đất thuộc Tiểu khu 41, sau khi TAND tỉnh Tây Ninh xét xử tại Bản án số 81/2009/HSST ngày 28.0.2009 thu hồi của các đối tượng sai phạm 235 ha giao trả lại cho Công ty Mía đường để Công ty giao lại cho UBND huyện Tân Châu cũng gặp khó khăn. Bởi vì khi triển khai thực hiện thì Cục thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh ra quyết định hoãn thi hành thời hạn 90 ngày do các đối tượng có liên quan khiếu nại và Toà án Tối cao đã thụ lý.

Có thêm ý kiến chất vấn, cho rằng qua hơn 2 năm việc giao đất sản xuất vẫn chưa thực hiện khiến cho có nhiều hộ dân gặp khó khăn trong đời sống. Giải pháp nào sớm thực hiện việc giao đất sản xuất cho dân theo quyết định của UBND tỉnh? Thanh tra tỉnh đề xuất giao cho UBND huyện Tân Châu tiến hành rà soát nhu cầu và điều kiện của các hộ cụ thể để bố trí và Khu dân cư Chàng Riệc. Song song đó, đề xuất UBND tỉnh báo cáo, đề nghị các cơ quan trung ương có ý kiến với Toà án Tối cao sớm xem xét, xử lý đối với bản án 81 của TAND tỉnh để cơ quan thi hành án tỉnh thực hiện cưỡng chế giao đất cho địa phương, giao lại cho các hộ dân.

Sơn Trần

 

Từ khóa:
Tin liên quan