(BTN) - Hơn ai hết, họ hiểu rằng, để non sông liền một dải, bao thế hệ người Việt đã phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng, cũng chính họ biết, để Tổ quốc trường tồn, không có cái giá nào rẻ hơn.

Tuyến nhân vật trong loạt bài này là những người sinh ra khi đất nước có chiến tranh, họ đi qua chiến tranh. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, để non sông liền một dải, bao thế hệ người Việt đã phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng, cũng chính họ biết, để Tổ quốc trường tồn, không có cái giá nào rẻ hơn. Độc lập, thống nhất, hoà bình là giá trị thiêng liêng, bất biến, không phải món hàng để mặc cả. Lớp lớp thanh niên cả nước lên đường theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

Một buổi chiều tháng 4, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh đến xã Hảo Đước, huyện Châu Thành gặp ông Trịnh Minh Tấn, sinh năm 1950, quê xã An Ninh, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

 Ông không quên lưu ý nhóm phóng viên rằng, những gì ông nói không thể chính xác tuyệt đối từng chi tiết, vì sự kiện diễn ra đã quá lâu, ông cũng cao tuổi, nhưng chắc chắn không làm sai lệch bản chất thông tin.

Ông Trịnh Minh Tấn kể tiếp, rời Long An, ông lên Tây Ninh tham gia lực lượng vệ binh của Trường Quân sự địa phương (giai đoạn 1968-1975) rồi được biệt phái đi công tác phục vụ chiến đấu, dù không trực tiếp đánh giặc nhưng hầu như cuộc chiến nào ông cũng có mặt. Ông vác đạn, tải thương và đưa những người hy sinh về chôn cất.

Di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm lưu niệm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn” tại huyện Châu Thành.

“Kỷ niệm sâu đậm của tôi, có thể nói không thể nào quên, trong chiến tranh thiếu thốn vô cùng, có tiền cũng không mua được gạo. “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, tôi được kết nạp Đảng. Sau khi phục vụ chiến dịch tôi bị sốt nặng tưởng không qua được. Trước đó, năm 1971, tôi đóng quân ở núi Bà Đen, hỗ trợ cho một đơn vị ở động Kim Quang. Lắm lúc không có gạo ăn, ăn củ mì sống, ăn đậu xanh trộn cơm. Có lúc đi mua gạo, có tiền vẫn không mua được vì dân không dám bán, họ sợ bị chỉ điểm phục kích. Đứng trên tảng đá lớn của động Kim Quang, tôi nhìn về Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Tôi ước mình là một con chim để được bay về thăm ba mẹ già, nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết.

Vợ chồng ông Trịnh Minh Tấn cùng cháu nội.

Thật lòng, nếu không có bản lĩnh, không giữ vững ý chí chiến đấu, chỉ vài bước chân, tôi có thể men theo bìa rừng vùng núi Bà Đen, bỏ cách mạng để đi tìm ba mẹ mình. Nhưng tôi không làm điều đó. Tổ quốc đang cần chúng tôi. Lúc đó chúng tôi sống trong rừng, bom rơi đạn nổ suốt ngày đêm, bệnh tật, đói khổ… anh em nào cũng quyết tâm đồng lòng, đồng cam cộng khổ. Biết bộ đội thiếu ăn, người dân bí mật mang cơm giấu vào bụi chuối rồi báo cho chúng tôi biết. Chúng tôi chiến đấu có thể hy sinh nhưng người dân đem cơm cho chúng tôi cũng có thể gặp không ít hiểm nguy, có người phải trả giá bằng cả tính mạng của mình, không để bộ đội đói” - ông Tấn bồi hồi.

“Một lần, tại Campuchia, tôi bị sốt, không thể hành quân theo đơn vị, tôi nói với lãnh đạo đơn vị đi đi, tôi không thể đi nổi. Tại Campuchia, tôi cùng hai đồng chí, một người miền Bắc, người còn lại quê Cần Thơ trụ lại 7 ngày. Trong thời gian ngắn đó, chẳng may chúng tôi trúng bom, tôi thủng màng nhĩ. Khi bị thương, chúng tôi biết một đơn vị xe tăng của quân mình chỉ cách chỗ chúng tôi một cây số nhưng không làm sao liên lạc được. Cuối năm 1972, tình hình chiến sự vô cùng ác liệt, tôi không hình dung mình có thể sống được”.

“Năm 1974, đơn vị cưới vợ cho tôi. Năm 1975, miền Nam được giải phóng nhưng tình hình những ngày đầu còn phức tạp, tôi báo cáo lãnh đạo đơn vị cho tôi về gặp cha mẹ vì đã tám năm xa cách. Nghe tin ba mẹ tôi đang ở huyện Gò Dầu, ba vợ tôi cho mượn chiếc xe gắn máy. Khi đó tôi không biết đường đi, đề phòng xe hết xăng, tôi xin ba vợ một can 10 lít chở phía sau. Tới nơi, tôi gặp một người phụ nữ (là chị ruột mình), nói chuyện với nhau mãi một lúc sau mới nhận ra nhau. Chị dẫn tôi đi gặp cha mẹ, vừa mừng vừa tủi. Ba mẹ tôi lúc đó đang ở nhờ nhà người dân. Lần đầu tiên, sau tám năm, tôi gặp ba tôi. Ông nằm co ro trên chiếc giường cũ. Người dân xung quanh hay tin, họ tò mò hỏi mẹ tôi và có người nói “hay quá, có thằng con đi cách mạng mà giấu không ai biết”.

Ông Tấn nói tiếp, con người sống có lý tưởng, có ý chí thì không gì có thể làm khó được mình, như lời Bác Hồ dạy.

Cuộc trò chuyện với người cựu binh già kết thúc, chuẩn bị ra về thì thật bất ngờ, nhóm phóng viên được biết vợ ông Tấn - bà Nguyễn Thị Là từng là một giao liên, một điệp báo viên cho quân giải phóng. “Gia đình tôi “cách mạng nòi”, tất cả thành viên đều theo cách mạng. Mẹ tôi hoạt động cách mạng, mấy người anh vô rừng, lúc bấy giờ tôi mới tám tuổi. Thời đó lính nguỵ không nghĩ rằng, một em bé tám tuổi có thể làm giao liên. Chính vì địch không nghi ngờ gì nên tôi không bị lộ. Năm 1971, tôi được đưa đi học một khoá hộ sinh, sau khi học xong, tôi về hoạt động tại khu vực xã Biên Giới, huyện Châu Thành hiện nay. Năm 1974, tôi quen ông nhà tôi trong tình huống ổng bị sốt rét, tôi là người chăm sóc, điều trị. Các thế hệ đi trước đã chiến đấu để đất nước được hoà bình như hôm nay. Chúng tôi già rồi, chỉ mong thế hệ con cháu phải giữ nước và nhớ công ơn của người đi trước”, bồng cháu nội trên tay, bà Là kể vắn tắt cuộc đời tham gia cách mạng của mình như thế.

(còn tiếp)

Bài, ảnh: Việt Đông - Hoàng Yến
Thiết kế: Ngọc Trâm