Tây Ninh có 96 di tích đã được xếp hạng gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh; trong đó có 1 danh lam thắng cảnh, 81 di tích lịch sử, 10 kiến trúc nghệ thuật, 4 di chỉ khảo cổ.

Những di tích là minh chứng cho cả một quá trình khai hoang, lập ấp, chiến đấu, xây dựng quê hương lâu dài, bền bỉ của nhân dân tỉnh nhà trong suốt tiến trình phát triển. Đó là những đặc trưng văn hoá được sinh ra và nuôi dưỡng bằng tín ngưỡng, phong tục truyền thống lâu đời. Đó còn là những chứng tích thể hiện cội nguồn, truyền thống, đậm đà bản sắc văn hoá vùng Đông Nam bộ.

Một số di tích lịch sử đã trở thành sản phẩm du lịch văn hoá, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước như núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tháp cổ Bình Thạnh… Lượng khách đến tham quan tại các di tích ngày càng nhiều đã góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Các di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Dương Minh Châu, Căn cứ Suối Môn… trở thành điểm về nguồn của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh, nhất là các em học sinh, sinh viên.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả. Các di tích được bảo vệ ngày càng tốt và góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hoá của tỉnh nhà, phục vụ công tác nghiên cứu, học tập. Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều quyết định để phân cấp quản lý, phát huy giá trị di tích cũng như thực hiện đề án tu bổ, tôn tạo di tích. Tính từ năm 2014 đến 2023, kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh là hơn 335 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trên 273,8 tỷ đồng, nguồn xã hội hoá trên 61,1 tỷ đồng.

Song song đó, ngành Văn hoá còn tăng cường giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp các địa phương, ngành, đoàn thể, trường học trên địa bàn chung tay chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ di tích và cảnh quan, môi trường di tích gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp tại di tích. Đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh nhận chăm sóc 31 di tích; tuyên truyền giới thiệu di tích tại 148 trường học cho hơn 95.000 học sinh.

Học sinh địa phương tham quan  tháp Chót Mạt

Học sinh địa phương tham quan tháp Chót Mạt

Tây Ninh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tạo mã QR giới thiệu tại các di tích. Đây được xem là giải pháp mang tính đột phá, tạo sự thuận lợi cho du khách khi tham quan, tìm hiểu. Sở VH,TT&DL tăng cường quảng bá các di tích lịch sử - văn hoá thông qua tổ chức hội thi tìm hiểu, trưng bày, giới thiệu hình ảnh trong các sự kiện như “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm 2019, làm phim tư liệu…

Tại huyện Tân Biên, theo bà Nguyễn Thị Oanh Thu- Phó trưởng Phòng Văn hoá, Khoa học & Thông tin, trên địa bàn huyện có 13 di tích được phân cấp quản lý. Trong đó, có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 7 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. UBND tỉnh giao cho UBND huyện quản lý 4 di tích. Thời gian qua, huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội, các buổi sinh hoạt, trên loa phát thanh và hoạt động ngoại khoá, giáo dục truyền thống. UBND huyện tích cực chuyển đổi số, tạo mã QR cho du khách tìm hiểu thông tin tại các di tích trên địa bàn. Trong tiết học ngoại khoá của trường học, học sinh được tham quan, về nguồn tại các di tích. Thời gian tới, UBND huyện sẽ thực hiện Đề án tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn.

Với những quan tâm đó, các di tích trên địa bàn huyện đang ngày càng phát huy giá trị. Cụ thể, di tích cấp quốc gia tháp Chót Mạt tại xã Tân Phong hơn 2 năm nay được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo đường đi, tăng cường quảng bá, thu hút ngày càng đông du khách tìm đến tham quan, tìm hiểu. Theo ông Huỳnh Thanh Thía- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, tháp Chót Mạt là công trình có giá trị văn hoá quan trọng nên thời gian qua được Sở VH,TT&DL, UBND huyện quan tâm trùng tu, tôn tạo. Năm 2023-2024, hệ thống đường giao thông dẫn vào tháp được hoàn chỉnh nhựa hoá. Năm 2024, các hạng mục phục vụ du khách tại di tích tiếp tục được đầu tư, nâng cấp tạo cảnh quan đẹp hơn.

Khuôn viên tháp Chót Mạt, xã Tân Phong,  huyện Tân Biên

Khuôn viên tháp Chót Mạt, xã Tân Phong, huyện Tân Biên

Thống kê, năm 2023, di tích thu hút được khoảng 8 trăm lượt khách thì sang năm 2024 lượng khách đã tăng gần 1.000 lượt. Chị Nguyễn Thị Trung Thu- công chức Văn hoá - Xã hội xã cho biết: “Việc quan tâm nâng cấp, tu bổ quần thể di tích của Nhà nước đã góp phần thu hút người dân đến nhiều hơn. Bên cạnh đó, địa phương, các đoàn thể cũng đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội để người dân biết đến di tích”.

Có thể nói, thời gian qua việc tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh được đầu tư ngày càng nhiều bằng nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác vẫn còn những hạn chế về vốn đầu tư, hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong phát huy giá trị di tích chưa cao. Nguyên nhân được nhận định là do nguồn vốn còn ít; thủ tục, quy trình còn kéo dài. Mặt khác, việc thu hút nhà đầu tư vào khai thác phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch chưa nhiều do chưa phát huy về lợi ích kinh tế.

Theo ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, để tăng hiệu quả công tác này trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt Đề án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá để huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư ở địa phương, vận động các doanh nghiệp- nhất là những doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ; tăng hiệu quả chuyển đổi số tại các di tích, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, mô hình du lịch mới hướng tới phát triển nền du lịch thông minh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa các di sản văn hoá đến gần hơn với công chúng, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Khách quét mã QR tìm hiểu thông tin tại Khu di tích cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên

Khách quét mã QR tìm hiểu thông tin tại Khu di tích cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cũng lưu ý cần tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và tuyên truyền trực tiếp cho các hộ dân sống xung quanh di tích nhằm nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích do địa phương, đơn vị quản lý, qua đó giáo dục ý thức pháp luật cho công dân.

Bài, ảnh: Vi Xuân
Thiết kế: Ngọc Trâm