Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp đối với học sinh cuối cấp trung học cơ sở. Đề xuất này nhận được sự tán thành của dư luận cả trong và ngoài ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, để làm việc đó (bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS) phải sửa nhiều quy định của pháp luật, trong đó có Luật Giáo dục năm 2019 và cả Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Điều 34, Luật Giáo dục năm 2019 quy định, học hết chương trình tiểu học đủ điều kiện theo quy định thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học. Học sinh học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS và học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp. Riêng học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 34 của Luật Giáo dục năm 2019 như sau: Học sinh học hết chương trình tiểu học, trung học cơ sở, đủ điều kiện theo quy định được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở. Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh một trường THCS trên địa bàn tỉnh

Học sinh một trường THCS trên địa bàn tỉnh

Theo Bộ GD&ĐT, sự thay đổi như trên nhằm bảo đảm phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, theo Kết luận số 137 ngày 28.3.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục, hiện nay nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan không cấp bằng tốt nghiệp THCS , chỉ sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Bộ GD&ĐT nhìn nhận, việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học (sửa tương ứng ở Điều 34 Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp nếu có quy định liên quan). Ngoài đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục còn đề xuất trao thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp cho người đứng đầu cơ sở giáo dục. Theo đó, hiệu trưởng trường THCS xác nhận hoàn thành chương trình học THCS thay cho trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện, hiệu trưởng trường THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho Giám đốc Sở GD&ĐT.

Để xoá bỏ bằng tốt nghiệp THCS, không chỉ sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2019, còn phải sửa cả Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.

Điều 33 và Điều 62 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, để vào học trường trung cấp, cao đẳng nghề, người học phải tốt nghiệp THCS. “Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học tuỳ theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích luỹ mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích luỹ đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo. Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hoá trung học phổ thông” – trích khoản 2, Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Điều 62 của Luật Giáo dục nghề nghiệp còn quy định chính sách ưu đãi (không phải đóng học phí) đối với người tốt nghiệp THCS khi theo học tại trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Như vậy, để bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao cho hiệu trưởng cấp giấy xác nhận người học đã hoàn thành chương trình THCS, phải sửa đổi, bổ sung một số luật và văn bản dưới luật.

Đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS được nhìn nhận là hợp lý. Tấm bằng tốt nghiệp THCS thực tế không còn nhiều ý nghĩa, vì cùng với cấp tiểu học, cấp THCS đã hoàn thành phổ cập giáo dục. Khi một cấp, bậc học đã phổ cập (giáo dục bắt buộc), việc thi hoặc xét công nhận tốt nghiệp không còn cần thiết nữa. Thay vào đó, chỉ cần người đứng đầu cơ sở giáo dục xác nhận người học đã hoàn thành chương trình giáo dục của cấp học đó là đủ.

Cần biết, trở lại thời điểm hơn 20 năm trước, khi Bộ GD&ĐT quyết định bỏ thi tốt nghiệp đối với học sinh tiểu học, nhiều ý kiến không tán thành nhưng thời gian chứng minh, việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học là đúng. Sau đó, đến lượt Bộ GD&ĐT quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS (chuyển sang xét công nhận tốt nghiệp) cũng có không ít ý kiến phản đối, vì lo ngại “không thi học sinh không chịu học” nhưng thực tế cho thấy, lo ngại ấy không có cơ sở.

Học sinh một trường THCS trên địa bàn tỉnh

Học sinh một trường THCS trên địa bàn tỉnh

Mặt khác, chỉ còn thời gian ngắn, UBND cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh không còn tồn tại, theo đó các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (ở đây là phòng GD&ĐT) cũng không, vì thế, việc giao cho hiệu trưởng cấp giấy xác nhận học sinh hoàn thành chương trình THCS, là phù hợp.

Không chỉ tiểu học và THCS, mười năm trước, năm 2015, rất nhiều luồng ý kiến đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi vì tỷ lệ học sinh cấp học này thi đỗ tốt nghiệp gần như 100%. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, vẫn nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2015 đến nay, cách thức, mục đích của kỳ thi này thay đổi nhiều lần. Hiện nay, kỳ thi được áp dụng cho hai mục đích: vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học.

Học sinh một trường THCS trên địa bàn tỉnh

Học sinh một trường THCS trên địa bàn tỉnh

Thực ra, tổ chức thi tốt nghiệp không phải để biết tỷ lệ thí sinh thi đỗ cao hay thấp. Một kỳ thi, nếu được tổ chức nghiêm túc, khách quan, khoa học, bảo đảm công bằng sẽ là thước đo đáng tin cậy về chất lượng dạy và học.

Bài, ảnh: VIỆT ĐÔNG
Thiết kế: Ngọc Trâm