Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Trung ương, quá trình xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh có sự tính toán kỹ lưỡng, bám sát các tiêu chí của Trung ương và bảo đảm hài hoà, tôn trọng giá trị văn hoá, lịch sử của từng địa phương.

Mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính là mở rộng không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, từ đó tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian tới.

Tây Ninh hiện nay có tổng diện tích tự nhiên trên 4.000km2, quy mô dân số trên 1,3 triệu người. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 94 đơn vị hành chính cấp xã. Từ thực tiễn quản lý nhà nước những năm qua cho thấy, việc chia nhỏ đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã phát sinh nhiều bất cập, làm phân tán các nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của các địa phương; làm tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp.

Kéo theo đó là tăng số lượng các cơ quan, tổ chức của đảng, đoàn thể, chính quyền, tăng số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở địa phương, dẫn đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương nói riêng, hệ thống chính trị các cấp nói chung cồng kềnh, tầng nấc, lãng phí ngân sách Nhà nước và nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương có sự chồng lấn, trùng lặp giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (có nhiệm vụ 3 cấp đều thực hiện, có nhiệm vụ cấp tỉnh và cấp huyện; cấp huyện và cấp xã cùng thực hiện). Chính quyền địa phương ở cấp huyện chủ yếu giữ vai trò trung gian trong thực thi chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện từ cấp tỉnh xuống cấp xã.

Mặt khác, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, có khả năng kết nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân, cộng đồng doanh nghiệp; khoảng cách không gian giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp không còn nhiều ý nghĩa về địa lý và ranh giới địa giới giữa các đơn vị hành chính. Bộ máy nhà nước cũng đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Nhiều hoạt động hành chính truyền thống đã được số hoá và triển khai thực hiện trên môi trường mạng.

Kỳ họp thứ 20 thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh năm 2025

Kỳ họp thứ 20 thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh năm 2025

Riêng trong giải quyết thủ tục hành chính, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đưa hoạt động giao dịch hành chính từ trực tiếp chuyển dần sang trực tuyến. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Việc tái cấu trúc quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính giúp đơn giản hoá trình tự, thủ tục thực hiện công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều công việc quản lý trung gian được thay thế bằng hệ thống phần mềm điện tử, giúp vận hành hiệu quả hơn mà không cần nhiều tổ chức hành chính và biên chế.

Những cơ sở thực tiễn trên cho thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để hình thành những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn; bỏ cấp huyện, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh, cấp xã) là phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Bám sát các tiêu chí, quy định, hướng dẫn chung của Trung ương, tỉnh xây dựng “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh năm 2025”. Ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, trong quá trình xây dựng phương án, tỉnh cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo các vấn đề về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc, tôn giáo đặc thù của từng địa bàn để xây dựng phương án phù hợp, tối ưu, trong đó có cả vấn đề tên gọi của đơn vị hành chính mới. Đồng thời, tính toán thành lập mới các đơn vị hành chính là đô thị (các phường) để thúc đẩy quá trình đô thị hoá trong giai đoạn phát triển mới.

Cụ thể như phương án thành lập phường Tân Ninh trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị hành chính gồm phường 1, phường 2, phường 3, phường IV và phường Hiệp Ninh thuộc thành phố Tây Ninh hiện nay đã được tính toán trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc, điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, tạo thêm không gian phát triển của đô thị trong tương lai. Tên gọi cho đơn vị hành chính mới là “Tân Ninh” cũng được xác định trên cơ sở gắn liền với lịch sử hình thành Tây Ninh từ thời kỳ đầu lập phủ Tây Ninh (thành phố Tây Ninh ngày nay). Năm 1836, phủ Tây Ninh được thành lập trực thuộc tỉnh Gia Định, gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá.

Công chức UBND phường 3 hướng dẫn người dân điền hồ sơ

Công chức UBND phường 3 hướng dẫn người dân điền hồ sơ

Hay như việc thành lập phường Gia Lộc trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính phường Gia Lộc thuộc thị xã Trảng Bàng và xã Phước Đông thuộc huyện Gò Dầu hiện nay. Dự thảo phương án ban đầu, tên gọi của phường mới là phường Phước Đông. Tuy nhiên sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, xem xét các yếu tố về lịch sử, văn hoá, những tác động về kinh tế liên quan đến chỉ dẫn địa lý gắn liền với xuất xứ sản phẩm của các doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất tên gọi của phường mới là phường Gia Lộc.

Qua nhiều lần dự thảo đề án và thảo luận kỹ lưỡng từng phương án, kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh năm 2025. Tây Ninh sắp xếp 94 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành 36 đơn vị hành chính mới (gồm: 10 phường, 26 xã; trong đó có 11 xã biên giới), giảm 58 đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ giảm đạt 61,7% bảo đảm theo định hướng của Trung ương. Các xã, phường sau sắp xếp đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu của định hướng về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Ông Phạm Văn Lanh- cử tri ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu cho biết: “Qua thông tin chúng tôi nắm được về quá trình sáp nhập các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó xã Tân Đông và xã Tân Hà của huyện Tân Châu được sáp nhập thành xã Tân Đông mới, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương. Sau khi sáp nhập các xã, Nhà nước sẽ có sự sàng lọc, lựa chọn những cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn, bằng cấp từ đại học trở lên. Điều người dân chúng tôi quan tâm hiện nay là sau khi sáp nhập mở rộng địa bàn xã cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân khi cần giải quyết thủ tục hành chính. Thêm nữa là việc chuyển đổi các loại giấy tờ tuỳ thân liên quan đến đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới cho người dân sẽ được thực hiện ra sao”.

Cùng với những băn khoăn trên của người dân, vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, giải quyết chế độ chính sách cho những cán bộ, công chức nghỉ việc; xử lý tài sản công dôi dư hay tính toán xây dựng trụ sở hành chính mới và giải pháp thúc đẩy dịch vụ công bảo đảm dễ thực hiện, hiệu quả thực chất... đều là những vấn đề đáng quan tâm.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Tân Lập, huyện Tân Biên

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Tân Lập, huyện Tân Biên

Những vấn đề cụ thể phát sinh từ thực tiễn sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cần có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất từ Trung ương tới cơ sở. Từ đó, bảo đảm việc vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp thuận lợi, không làm gián đoạn công việc, đáp ứng mong mỏi của cử tri, nhân dân về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp thực sự tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả và gần dân, sát dân.

Bài, ảnh: Phương Thuý
Thiết kế: Ngọc Trâm