Vụ Đông Xuân 2024-2025, người dân xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, chuyển từ trồng lúa nước sang trồng cây thuốc lá vàng với tổng diện tích 134ha. Những ngày này, không khí thu hoạch tại những cánh đồng thuốc lá trở nên nhộn nhịp.
Trên cánh đồng 1,5ha của ông Nguyễn Thế Thuận, ngụ ấp Bình Quới, xã Phước Bình, nhân công tất bật thu hoạch lá và vận chuyển về bãi tập kết, đưa vào lò sấy.
Theo ông Thuận, cây thuốc lá vàng ở vụ Đông Xuân tỷ lệ bệnh ít hơn các vụ còn lại, đa phần cây bị bệnh ở phần rễ, có năm bị bệnh nặng, có năm không, tuỳ thuộc vào thời tiết.
Với diện tích 1,5ha, ông cần 15 người thu hoạch, khoảng một buổi là xong. Nhân công từ nơi khác về hỗ trợ như huyện Bến Cầu, Campuchia, vì nguồn nhân lực tại địa phương không đủ. Chi phí đầu tư 1ha cây thuốc lá từ 100 triệu-130 triệu đồng, cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.
Hội Nông dân xã Phước Bình tham quan ruộng thuốc lá vàng của người dân.
Cây thuốc lá sau khi thu hoạch sẽ được người dân “lụi” (theo tiếng địa phương) từng lá thuốc vào cây tre được vuốt nhọn, với mục đích đưa về lò sấy, từng cây tre được treo lên giàn tạo thuận lợi cho quá trình sấy thuốc. Mỗi vụ thu hoạch, bên cạnh việc thuê nhân công thu hoạch, chủ ruộng cần thuê thêm nhân công lụi thuốc lá vàng.
Bà Đặng Thị Ích, ngụ ấp Phước Tân, xã Phước Bình chia sẻ:
“Gia đình tôi làm nông, đến vụ thuốc lá vàng là tôi làm công việc lụi thuốc lá.
Công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến khi làm hết lá thuốc thì về, mỗi lụi với giá 1.000 đồng, tôi làm công việc này cũng 5-6 năm rồi, mỗi ngày thu nhập được hơn 300.000 đồng, góp phần ổn định kinh tế gia đình”.
Trên địa bàn xã Phước Bình có hơn 10 lò sấy thuốc lá. Ông Trần Văn Lộc, ấp Bình Phước cho hay: “Tôi làm lò sấy từ năm 2001 đến nay, Đầu vụ, tôi vận động nông dân trồng thuốc lá vàng, phía chủ lò sấy sẽ ươm cây giống cung cấp cho nông dân trồng.
Tôi cũng hỗ trợ cho nông dân vay vốn nếu thiếu vốn đầu tư và thuê nhân công; mua xe máy cày để vận chuyển thuốc từ ruộng về không tính phí. Về quá trình sấy, lò sấy của tôi luôn bảo đảm được nguồn củi vì sấy thủ công”.
Lò sấy thuốc lá của ông Trần Văn Lộc, ấp Bình Phước.
Hiện tại, lò sấy của ông Lộc ký kết hợp tác với 27 hộ với trên 20ha, phía lò sấy bao tiêu sản phẩm, cung cấp xe máy cày miễn phí, kéo thành phẩm từ ruộng về lò sấy, bảo đảm nhân công lao động cho mỗi hộ.
Theo ông Lộc, khó khăn nhất của nông dân khi trồng thuốc lá vàng là ảnh hưởng thời tiết, nếu thời tiết ôn hoà, nông dân có lợi nhuận cao; nếu gặp mưa trái mùa, ở đây thường bị ngập úng cục bộ, gây úng cây. Tính bình quân, sau khi sấy thành phẩm 15kg lá tươi, thu được 1kg lá khô, thời gian sấy khoảng 5-6 đêm, tuỳ theo kích thước lá và thời tiết.
Ông Biện Việt Trung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình cho biết:
“Cây thuốc lá vàng được trồng trên địa bàn xã từ hơn 20 năm nay. 1ha thuốc lá mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa.
Vào đầu mỗi vụ, Hội Nông dân xã phối hợp Trung tâm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo đảm theo từng thời vụ.
Các hộ trồng được giới thiệu vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Thời tiết năm nay tương đối ôn hoà, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng, nông dân trúng mùa, được giá”.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Thiết kế: Ngọc Trâm