(BTNO) - Sau hơn 3 năm chăm sóc, hiện nay, vườn tre của anh Vinh mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những tạo được nguồn thu nhập tốt cho gia đình, vườn tre của anh Vinh còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 11 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 9 – 10 triệu đồng/người/tháng.

   Năm 2022, khi đang là trưởng phòng một ngân hàng cấp tỉnh với mức lương ổn định, anh Phạm Quang Vinh, ngụ khu phố 3, Phường 1, thành phố Tây Ninh đã có một quyết định đầy táo bạo khi từ bỏ công việc “đầy người mơ ước” để chuyển sang làm nông nghiệp tại vùng đất biên giới đầy khó khăn và thử thách.

      Sau những năm tháng vất vả, đến nay, vườn tre Bát độ hơn 7ha của anh Vinh đã trở thành mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, anh Vinh còn góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.

     Chia sẻ về ngã rẽ mới của mình, anh Phạm Quang Vinh tâm sự, năm 2020, trong một lần tình cờ xem được chương trình giới thiệu về mô hình trồng tre Bát độ trên mạng xã hội, nhận thấy triển vọng từ mô hình, anh mạnh dạn thuê hơn 7ha đất khu vực gần biên giới thuộc ấp Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành để cải tạo trồng 7.000 cây tre Bát Độ.

     Tuy nhiên, do vùng đất này có địa hình thấp nên ngay sau khi những gốc tre vừa mới bén mầm, một trận mưa lớn vào cuối năm 2020 đã khiến khu đất bị ngập, làm chết gần nửa số tre đã trồng.

     Không nản chí, anh tiếp tục tìm mua hơn 2.500 cây giống tre Tứ Quý về trồng dặm lại số tre bị chết. Đồng thời, anh lên mạng tìm hiểu cách thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô. Nhờ có hệ thống tưới tự động này, vườn tre lấy măng của anh Vinh phát triển xanh tốt, tỉ lệ sống cao.

     Sau hơn 3 năm chăm sóc, hiện nay, vườn tre của anh Vinh mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những tạo được nguồn thu nhập tốt cho gia đình, vườn tre của anh Vinh còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 11 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 9 triệu–10 triệu đồng/người/tháng.

     Theo anh Vinh, cây tre nói chung và cây tre Bát độ nói riêng, là loài cây đa mục đích. Trong đó, măng tre là loại thực phẩm sạch, được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon trong ẩm thực của người Việt. Tre Bát độ cho măng theo mùa, chủ yếu là mùa mưa, mỗi khóm tre cho từ 5–6 chồi măng, mỗi chồi nặng từ 2–4kg, bình quân mỗi tuần thu hai đợt, mỗi đợt anh Vinh thu được khoảng 1 tấn.

     "Măng sau khi thu hoạch được bán cho lái ở chợ địa phương hoặc cung cấp sỉ cho chợ đầu mối của tỉnh để chuyển về chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức và xuất sang Campuchia qua khẩu Phước Tân với giá từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg”- anh Vinh chia sẻ thêm.


 

     Bên cạnh việc lấy măng, lá cây tre Bát độ cũng được anh Vinh tận dụng để bán cho những người mua về gói bánh. Khoảng 35 ngày, anh thuê nhân công tại địa phương đến hái lá để các thương lái thu mua lá tươi với giá từ 15.000 đồng/kg, cung cấp cho các cơ sở gói bánh trong và ngoài tỉnh.

     Cũng theo anh Vinh, cây tre Bát độ sau khi trồng từ tháng thứ 15 đã có thể chiết nhánh làm giống, mỗi gốc tre, anh tiến hành chiết khoảng 30 nhánh, với giá bán khoảng 20.000 đồng/nhánh, trung bình mỗi năm anh nhân giống và bán được khoảng 100.000 cây giống. Thông thường đến mùa nắng khách đã đặt hàng để anh bó bầu nhân giống và cung cấp vào đầu mùa mưa cho khách trồng đỡ công tưới.

     Đối với thân cây tre, đây được xem là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành nghề khác nhau như làm đũa, nông cụ, đồ thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu giấy, hoặc làm giàn cho các loại nông sản dây leo như: mướp, khổ qua... Tuy nhiên, do chưa tìm được đối tác phát triển nên hiện anh cho chặt hạ tại chỗ để ủ làm phân hữu cơ.

     Chia sẻ về mô hình khởi nghiệp của bản thân, anh Vinh cho biết, hiện nay, có rất nhiều người nhầm tưởng giữa cây tre Bát độ và tre Tứ Quý. Riêng vườn của anh có cả hai loại nên rất dễ phân biệt, Trong đó, măng Bát độ có vỏ xanh, ăn rất giòn ngon, trắng, thịt dày, vỏ mỏng, ít hăng, mùi rất thơm nên được thị trường ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn măng tre Tứ Quý. Ngoài ra, lá tre Bát độ cũng to bản, không mảnh nhỏ như lá tre Tứ Quý.

     Với chi phí đầu tư ban đầu thấp (chỉ khoảng 18-20 triệu đồng/ha/năm), cây tre Bát độ có thể trồng quanh năm, cây có sức sống mạnh, gần như không bị sâu rầy gây hại, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đa giá trị. Mô hình trồng tre Bát độ thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng măng tre Bát độ có thể tận dụng đất trống, đất bạc màu, đất bỏ hoang, cải tạo vườn tạp, đất thiếu nước sản xuất, đất ven suối, vừa có thể bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở.

     Theo nghiên cứu, tre hấp thụ lượng CO2 gấp 4 lần cây lấy gỗ thông thường, quá trình quang hợp của cây tre làm giảm cường độ ánh sáng và bảo vệ con người chống lại tia cực tím, trồng tre góp phần chống biến đổi khí hậu và trong tương lai không xa còn có thể bán tín chỉ carbon.

     Trao đổi với chúng tôi, anh Vinh cho biết, anh rất vui và sẵn lòng đón tiếp, chia sẻ với nông dân và các đoàn thể về mô hình trồng tre Bát độ để nông dân tham khảo, có cái nhìn rõ hơn về một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao.