.

Các di sản Khmer tại Bàu Ếch- từ điệu múa gáo dừa độc đáo, cho đến tiếng trống Chhay-dăm đặc sắc, dàn nhạc Ngũ âm mang tính dân tộc cùng các món ăn đậm tình quê hương, di sản Khmer tại Bàu Ếch đang chờ được đánh thức, trở thành tài nguyên quý giá để phát triển du lịch cộng đồng.

Bàu Ếch- điểm du lịch cộng đồng trong tương lai

Bàu Ếch- điểm du lịch cộng đồng trong tương lai

Khi nói đến văn hoá Khmer ở Bàu Ếch, đầu tiên phải nhắc đến điệu múa trống Chhay-dăm, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Đây là điệu múa đặc sắc, gắn liền với lịch sử, tâm linh của đồng bào Khmer, được hình thành và lưu truyền trong quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng.

Những nghệ nhân múa trống Chhay-dăm luôn khiến người xem mãn nhãn với những động tác mạnh mẽ, dứt khoát, không kém phần uyển chuyển, linh hoạt. Đặc biệt, trống Chhay-dăm được làm từ thân cây mít, bịt da trâu, tạo ra âm thanh vừa vang vọng, vừa mạnh mẽ, truyền tải niềm tự hào và gắn kết những thế hệ nối tiếp.

Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm không chỉ được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống như Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, Ok Om Bok mà còn xuất hiện trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng của bà con trong phum, sóc. Đặc biệt, đội múa trống Chhay-dăm ở ấp Trường An đã có cơ hội tham gia biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn như Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, các liên hoan, hội thi nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, toàn quốc và khu vực, góp phần quảng bá và khẳng định nét đẹp văn hoá Khmer đặc sắc.

Cùng với múa trống, múa gáo dừa cũng là một nét văn hoá đặc sắc không kém phần độc đáo. Điệu múa gáo dừa được biểu diễn bằng cách gõ hai nửa gáo dừa vào nhau hoặc lên cơ thể tạo nên âm thanh vui tai, hoà quyện với động tác uyển chuyển của vũ công. Điệu múa này là linh hồn của các lễ hội lan toả niềm vui, sự hân hoan và tình đoàn kết cộng đồng.

Giữa không gian văn hoá đa sắc của người Khmer tại Bàu Ếch, nhạc Ngũ âm nổi bật như một điểm nhấn đặc biệt, là âm hưởng kết nối quá khứ với hiện tại, tâm linh với đời thường. Được cấu thành từ 5 bộ nhạc cụ gồm đồng, sắt, mộc, hơi và da, mỗi loại đều mang một sắc thái âm thanh riêng, hoà quyện tạo nên những giai điệu vừa thiêng liêng, vừa thân thuộc, khi  sâu lắng, lúc lại rộn ràng. Bên cạnh nghệ thuật trình diễn, trang phục truyền thống của người Khmer cũng là nét văn hoá không thể không nhắc tới. Những bộ trang phục lễ hội được thiết kế vô cùng cầu kỳ, nhiều gam màu rực rỡ, trang trí tinh xảo với hạt cườm, kim sa lấp lánh. Đây là nét đẹp hình thức, thể hiện sâu sắc tính cách cần cù, chịu khó, tinh thần gắn kết cộng đồng và sự sáng tạo của đồng bào Khmer.

Văn hoá Khmer ở Bàu Ếch còn quyến rũ lòng người bằng ẩm thực tinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mỗi dịp lễ, tết như Chol Chnam Thmay hay Sene Dolta, trên mâm cơm của người Khmer không thể thiếu món bún cá simlo. Từ những nguyên liệu dân dã như cá lóc, củ nghệ, mớ rau nhút, bông súng, kèo nèo…, bà con Khmer tinh tế kết hợp thêm hương vị củ ngải bún, mắm bồ hóc làm nên món bún đặc trưng của đồng bào.

Từ trái và lá thốt nốt, bà con kết hợp với nếp, đậu tạo nên những chiếc bánh bò, bánh tét thơm lựng. Dịp lễ Ok Om Bok, người già, trẻ nhỏ trong sóc tụ họp cùng nhau làm món cốm dẹp. Người rang nếp non, người giã cốm, người nhặt thóc…. rộn ràng cả xóm nhỏ.

“Chúng tôi tự hào về văn hoá của dân tộc Khmer mình. Ai cũng ráng giữ. Không có múa trống, bún cá, cốm dẹp thì không phải người Khmer nữa” - bà Cao Thị Diên, 70 tuổi, nói.

Những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào Khmer Bàu Ếch là tài sản quý giá cần được bảo tồn và mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Nhận thức được điều này, Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã Hoà Thành phối hợp cùng chính quyền xã Trường Tây đẩy mạnh công tác bảo tồn, quảng bá, phát huy các giá trị văn hoá trên.

Bà Cao Thị PhoLa- người có uy tín của đồng bào Khmer ở Trường Tây (bìa phải) hướng dẫn các bạn trẻ gói bánh tét thốt nốt

Bà Cao Thị PhoLa- người có uy tín của đồng bào Khmer ở Trường Tây (bìa phải) hướng dẫn các bạn trẻ gói bánh tét thốt nốt

Đặc biệt, năm 2024, chương trình tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể quốc gia múa trống Chhay-dăm đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.

Hiện nay, tại Nhà văn hoá dân tộc Khmer ở ấp Trường An, những lớp truyền dạy múa trống Chhay-dăm được duy trì đều đặn với hơn 50 học viên tham gia. Hoạt động này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá mà còn tạo điều kiện để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống quý giá của cha ông.

Bà Cao Thị Phola- người đã có nhiều năm tâm huyết giữ gìn và truyền dạy âm nhạc Ngũ âm cho thế hệ trẻ tại ấp Trường An cho biết: “Chúng tôi mở lớp dạy nhạc Ngũ âm không chỉ mong các cháu biết được nét đẹp văn hoá Khmer, mà còn muốn thế hệ trẻ có thể tự hào, chủ động gìn giữ và lan toả những giá trị truyền thống quý báu này”.

Các chương trình, dự án nhằm bảo tồn và khai thác giá trị văn hoá Khmer thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng đang được địa phương thực hiện. Trong đó, những dự án như nâng cấp cơ sở vật chất cho Nhà văn hoá dân tộc Khmer, tổ chức các phiên chợ cuối tuần tại Bàu Ếch, giới thiệu ẩm thực, múa và âm nhạc Khmer đang từng bước thu hút du khách. Đây là cách quảng bá nét đẹp văn hoá dân tộc, giúp cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao nhận thức về giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng người Khmer tại địa phương.

Những nỗ lực bảo tồn và khai thác giá trị văn hoá Khmer đang dần tạo nên một thương hiệu du lịch cộng đồng đầy tiềm năng tại Tây Ninh. Những giá trị văn hoá đặc sắc của người Khmer tại Bàu Ếch, từ các loại hình nghệ thuật cho đến ẩm thực truyền thống hoàn toàn có thể trở thành các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Cụ thể là tiềm năng từ các tour trải nghiệm văn hoá, nơi du khách trực tiếp hoà mình vào các buổi biểu diễn, tự tay chế biến món ăn đặc trưng, thử mặc trang phục truyền thống Khmer hoặc tham gia vào các lớp học ngắn hạn về múa, chơi nhạc cụ…

Các hoạt động này không chỉ giúp quảng bá sâu rộng bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào Khmer mà còn tạo điều kiện để cộng đồng địa phương trực tiếp hưởng lợi từ du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống.

Đồng bào Khmer Bàu Ếch trong trang phục lễ hội

Đồng bào Khmer Bàu Ếch trong trang phục lễ hội

Khi những di sản văn hoá đặc sắc của cộng đồng Khmer tại Bàu Ếch được nhận diện và đánh thức, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là đưa các giá trị đó hoà vào đời sống du lịch cộng đồng. Đây là cơ sở để làm nên những trải nghiệm độc đáo khi mở cánh cửa đón du khách, qua đó tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống người dân cũng như khẳng định rõ nét bản sắc Khmer trong bức tranh chung của du lịch Tây Ninh.

Ngày 30.10.2024, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, hướng tới việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS), tạo cơ hội sinh kế bền vững cho người dân thông qua các hoạt động du lịch.

Múa trống Chhay-dăm, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia do các chàng trai Khmer ở Bàu Ếch biểu diễn

Múa trống Chhay-dăm, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia do các chàng trai Khmer ở Bàu Ếch biểu diễn

Việc xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại Bàu Ếch tạo dựng một không gian văn hoá sống động để những giá trị di sản của người Khmer được bảo tồn và truyền bá rộng rãi hơn. Mô hình này cũng mở ra hướng phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư. Bảo tồn di sản văn hoá gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi hiệu quả, giúp đồng bào Khmer ở Bàu Ếch vừa gìn giữ được bản sắc văn hoá, vừa có thêm nguồn thu nhập ổn định. Người dân địa phương không chỉ đóng vai trò là người bảo tồn di sản mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch, như biểu diễn nghệ thuật, tổ chức homestay, bán sản phẩm thủ công truyền thống hay hướng dẫn khách tham quan…

“Cộng đồng DTTS là chủ thể văn hoá của các di sản, cũng là những người hưởng lợi trực tiếp từ du lịch nếu có mô hình phát triển hợp lý. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường và kết nối sản phẩm du lịch còn là một thách thức. Vì vậy, cần xây dựng các điểm thực hành di sản thành điểm đến du lịch, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm và tạo ra chuỗi giá trị kinh tế bền vững từ di sản”- ông Nguyễn Nam Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết.

Mô hình du lịch cộng đồng ở Bàu Ếch đang được định hướng theo hướng “người dân làm chủ”, tức là họ không chỉ bảo tồn di sản mà còn trực tiếp hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, thay vì chỉ là người tham gia bị động.
 

Múa gáo dừa- điệu múa dân tộc cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa trong thời gian tới

Múa gáo dừa- điệu múa dân tộc cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa trong thời gian tới

Chị Cao Thị Hà cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ trình diễn trong các dịp lễ hội truyền thống. Hy vọng khi hoạt động du lịch cộng đồng phát triển hơn tại địa phương, chúng tôi có cơ hội biểu diễn thường xuyên hơn, vừa giữ gìn nét văn hoá Khmer, vừa có thêm thu nhập”.

Đối với người dân Bàu Ếch, họ kỳ vọng khi du lịch cộng đồng phát triển tại đây, sẽ có thêm cơ hội kinh doanh và việc làm ổn định cho bản thân và gia đình, từ việc giới thiệu các sản phẩm truyền thống, buôn bán…

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền thị xã Hoà Thành chọn sóc Bàu Ếch để triển khai mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên. Nơi đây không chỉ thuận lợi về mặt vị trí mà còn nổi bật với các giá trị văn hoá Khmer đặc sắc như múa trống Chhay-dăm, múa gáo dừa, nhạc Ngũ âm cùng nền ẩm thực dân gian phong phú. Đây chính là những “viên ngọc thô” đang chờ được mài giũa, phát huy và đưa vào khai thác du lịch.

Theo ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, một yếu tố hình thành nên một dân tộc, ngoài tiếng nói, chữ viết còn có bản sắc văn hoá. “Trong 34 gian trưng bày tại lễ vía Đức Chí Tôn của Hội thánh hằng năm thì gian Nhạc khí sắc tộc do đồng bào Khmer chúng ta ở đây biểu diễn là có nhiều người tham quan nhất, đứng chật kín cả lối đi. Đó là nét văn hoá riêng có của chúng ta; là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn”- ông Nguyễn Đức Hảo nhấn mạnh.

Dưới sự tham mưu của lãnh đạo xã Trường Tây, chính quyền thị xã Hoà Thành đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 15.7.2024, nhằm triển khai mô hình văn hoá truyền thống, cụ thể là mô hình trải nghiệm văn hoá Khmer tại ấp Trường An.

Biểu diễn nhạc Ngũ âm cho du khách thưởng thức tại Nhà văn hoá dân tộc Bàu Ếch

Biểu diễn nhạc Ngũ âm cho du khách thưởng thức tại Nhà văn hoá dân tộc Bàu Ếch

Thực tế, nguồn tài nguyên du lịch văn hoá ở Bàu Ếch vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Việc khai thác tài nguyên du lịch nơi đây sẽ tạo ra cơ hội kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch tại các khu vực liên kết trong tỉnh Tây Ninh. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững mà còn mở rộng các mô hình du lịch trải nghiệm văn hoá ở các địa phương khác, giúp văn hoá Khmer hoà nhập với cộng đồng rộng lớn hơn.

Mô hình du lịch cộng đồng tại sóc Bàu Ếch bên cạnh những bước đi đầu tiên đầy triển vọng vẫn còn đó nhiều thách thức và cơ hội mới.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp mô hình này phát triển bền vững chính là nguồn nhân lực. Trong đó, cần thiết phải có các lớp tập huấn kỹ năng cho người dân địa phương. Để giữ chân du khách lâu dài, mỗi người dân cần trở thành một đại sứ văn hoá, một hướng dẫn viên nhiệt tình, luôn sẵn sàng chia sẻ và giới thiệu nét đẹp văn hoá Khmer.

Địa phương cũng cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, đa dạng và đặc sắc hơn. Một trong những sáng kiến đáng chú ý là kế hoạch tổ chức phiên chợ văn hoá vào cuối tuần gần khu vực Trí Huệ cung, tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng Bàu Ếch, địa phương cần chủ động kết nối với các công ty lữ hành, sản xuất các bộ phim tài liệu và video quảng bá văn hoá Khmer trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội.

Di sản văn hoá không chỉ là những giá trị được lưu giữ trong đời sống cộng đồng mà còn là dòng chảy liên tục, cần được vun đắp và phát huy qua từng thế hệ. Với những nỗ lực không ngừng và chiến lược bài bản, kỳ vọng Bàu Ếch sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng kiểu mẫu tại Tây Ninh, góp phần nâng cao đời sống bền vững cho cộng đồng dân tộc Khmer địa phương.