Năm 2025, thế giới bước vào thời kỳ phát triển mới - toàn cầu hoá với xung lực của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, với tốc độ mới, đang làm đảo lộn trật tự phát triển và sắp xếp lại thế giới. Trong bối cảnh mới của thời đại, trước sứ mệnh mới, càng đòi hỏi Đảng ta không ngừng mở tầm nhìn chiến lược mới, với mục tiêu mới, bằng sự chuẩn bị toàn vẹn thực lực mới và hành động với phương lược mới nhằm đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với gia tốc phát triển mới và phải đạt bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng của sự phát triển đất nước trong 20 năm tới.
Lịch sử yêu cầu nhưng đã và đang chuẩn bị vận hội và lực lượng cho dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Thách thức bao trùm trước mắt tới năm 2030, phải giữ vững nhịp độ tăng trưởng bền vững từ 7-7,5%/năm. Đồng thời, hoá giải nguy cơ giữa tụt hậu, phát triển chậm chạp, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với thể chế lạc hậu, kìm trói năng lực và tiềm năng quốc gia; giữa yêu cầu trong sạch hoá bộ máy và cán bộ với phát triển quốc gia; giữa yêu cầu phát triển tốc độ cao với hoá giải các cạm bẫy thu nhập trung bình, “nghèo hoá mới”; giữa phát triển kinh tế, xã hội bền vững với vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề; giữa thách thức, đe doạ chủ quyền, quyền chủ quyền với khả năng giữ vững và phát triển các cục diện thế giới có lợi cho đất nước…
Lịch sử đang thách thức và hối thúc Việt Nam trỗi dậy!
Chúng ta không thể không chuẩn bị tầm nhìn và thực lực, tư tưởng và tâm lý, bộ máy và cơ chế vận hành xã hội, để năm 2026 tiến vào kỷ nguyên mới, với tầm nhìn mục tiêu: Năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Hoặc thúc thủ và tụt hậu hoặc hành động để tiến lên!
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định ý Đảng hoà quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới
Thay mặt Trung ương Đảng và đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu: “Tìm con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Không có lựa chọn nào khác! Nhưng chúng ta không thể không chuẩn bị bộ máy để bước vào kỷ nguyên mới và đi xa. Phải bằng sức mạnh hiện thực hoá đường lối chính trị, bằng pháp chế, bằng hệ thể chế khơi dậy và đội ngũ cán bộ nhằm giải phóng mọi tiềm năng, mọi tiềm lực để phát triển. Vì, đó là phương thức phát triển tất yếu Việt Nam phồn vinh trong tầm nhìn năm 2045.
Nói khái lược, kỷ nguyên mới là thời kỳ phát triển mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ thách thức mọi giới hạn phát triển bằng tầm viễn kiến chiến lược mới, với nghệ thuật mới xử lý thời cơ và nguy cơ; bằng cải cách hệ thống bộ máy và vận hành bằng cơ chế phù hợp, trung tâm là kiểm soát và cân bằng quyền lực thông qua hệ thể chế đồng bộ và hiệu lực ở tất cả các phương diện (chính trị, kinh tế, xã hội), đối với mọi tổ chức của hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể), ở mọi quy mô, cấp độ và mỗi con người; bằng phương thức mới tập hợp lực lượng đông đảo; bằng động lực phát triển mới với hệ chính sách thực thi tổng thể, phù hợp, thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh… nhằm tạo ra tốc độ phát triển vượt bậc và toàn diện với quy mô và chất lượng mới, trong sự phát triển của thế giới, tầm nhìn năm 2045.
Hoặc bây giờ hoặc khó có thể bao giờ!
Đất nước không trỗi dậy không thể trở thành một cường quốc kinh tế nếu không coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tốt nội lực, thâu thái mọi nguồn ngoại lực phát triển lực lượng sản xuất với công nghệ hiện đại (kinh tế số chiếm 30% GDP cùng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…) không chỉ về quy mô, tốc độ mà cả về chiều sâu và quan hệ sản xuất mở đường phù hợp, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản trị và vận hành nền kinh tế, xã hội với hệ thể chế giải phóng có thể và hiệu quả làm “cửa mở” tăng tốc. Đồng thời, đổi mới, phát triển văn hoá, xã hội và bảo đảm công bằng, công minh, với trung tâm là phát triển con người.
Tổ quốc không thể trỗi dậy nếu không đột phá đổi mới ngang tầm về thể chế giải phóng tối đa mọi năng lực và nguồn lực phát triển cân bằng, với tốc độ cao, bảo đảm phát triển kinh tế song hành với đổi mới chính trị hài hoà với phát triển nền văn hoá với hệ giá trị con người kỷ nguyên mới. Dự báo, hoá giải các “bẫy thu nhập trung bình”, “bẫy nợ”, “bẫy nghèo mới” - nguy cơ biến dân tộc thành nạn nhân, thậm chí thành nô lệ cho người khác…
Đất nước không thể cất cánh khi phải gồng gánh một hệ thống bộ máy vừa song trùng nặng nề, vừa nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối “đuôi nặng hơn đầu”, tiêu tốn hơn 70% GDP, lại ủ chứa nhiều chứng bệnh “chết người”, càng không thể thực thi những trọng sự của kỷ nguyên mới trong tay hệ thống bộ máy khấp khểnh, nặng nề, yếu đuối, lại bị khuynh loát bởi các tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ...
Do đó, phải xây dựng triết lý của sự phát triển bền vững, nhân văn bằng hệ thống thể chế hiện thực với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất và phù hợp trên tất cả các phương diện và thật sự phải là cương lĩnh hành động. Đồng thời, phải chọn con đường phát triển ngắn hạn và rút ngắn đúng đắn và phù hợp, bằng cách đi thẳng vào khoa học công nghệ hiện đại, với hệ thống bộ máy tương dung để đột phá phát triển lực lượng sản xuất, lường trước và hoá giải nguy cơ trở thành nạn nhân của chính nó - con đường tất yếu, ngắn nhất và phù hợp trong tầm nhìn 2045.
Trước yêu cầu đó, không thể không cải cách hệ thống bộ máy gọn nhẹ, tinh thông và hiện đại cùng với tinh giản đội ngũ tối đa bảo đảm hội tụ và phát huy đội ngũ thật sự tinh hoa và hiệu quả là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công trước thách thức mới, trong bối cảnh mới.
Mọi sự phát triển quốc gia, xét cho cùng, dù dưới bất cứ góc nhìn hay thời kỳ phát triển nào phải xoay chung quanh con người, trước hết là bộ máy của hệ thống chính trị và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức và viên chức; chứ không phải ngược lại. Đến lượt nó, hệ thống chính trị và đội ngũ này phải được đổi mới, chỉnh đốn tương dung mang tầm chiến lược, nếu không muốn rơi vào nguy cơ phản phát triển.
Vì thế, không thể không tinh giản theo hai cấp độ: cơ cấu lại hệ thống tổng thể nhằm giảm đầu mối và quy mô song hành cơ cấu lại bên trong mỗi nhân tố của hệ thống để giảm sự “vừa thừa vừa thiếu vừa tác hoạ” nhằm tinh hoa hoá đội ngũ. Đảng không cơ cấu lại hệ thống Đảng, đồng thời cơ cấu lại bên trong mỗi bộ máy theo chức năng, nhiệm vụ, nhất định không thể “hoá thân” trong hệ thống chính trị bằng phương thức lãnh đạo, cầm quyền phù hợp và hiện đại.
Theo quy mô và tốc độ đổi mới, Đảng phải là tổ chức tinh hoa trí tuệ của người lãnh đạo, cầm quyền. Ngay từ hôm nay, đẩy nhanh tốc độ soát xét mô hình “lưỡng đầu chế” với “song trùng trực thuộc”, nhiều tầng nấc trung gian và hệ thống “nhìn lên trên và chờ đợi” không minh định trách nhiệm để tìm tòi và kiến lập mô hình “nhất nguyên chế” với ba cấp (sách lược trước mắt) và tất cả “nhìn xuống dưới để hành động” một cách trực tiếp, phù hợp và cụ thể nhằm xoá sự yếm thế, bất lực “không quản được thì cấm” một cách vô lối, vô pháp, thậm chí bất lực.
Đồng thời, thanh lọc, cấu trúc lại và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ ngang tầm theo hướng trí thức hoá “thà ít mà tốt”, với trung tâm là nâng cao quyền, trách nhiệm và kiểm soát quyền lực của bộ máy và người đứng đầu làm rường cột đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền một cách đạo đức, văn minh. Không giữ gìn và đề cao liêm chính bằng thiết chế, không kiểm soát, ngăn chặn nạn tham nhũng, lãng phí dưới mọi biến thái, tiêu cực đủ loại, nhất là không kiên quyết phá bỏ những “ổ mối”, cắt bỏ “cục bướu”, “khối u ác tính” trong các bộ máy của hệ thống chính trị nhất định không có bất cứ sự phát triển mong muốn nào, thậm chí nguy cơ lâm vào hủ bại.
Cấp thiết tổng kết và phát triển các quy luật lãnh đạo, cầm quyền song hành kiến tạo đội ngũ chính trị gia - chiến lược gia - kỹ trị trị gia - doanh gia thật sự ngang tầm kỷ nguyên mới. Định vị vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và toàn hệ thống chính trị hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật; nêu gương giữ vững vị trí thượng tôn và uy nghiêm của luật pháp. Cần nắm chắc pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền, bảo đảm song hành giữa đức trị và pháp trị, phát triển văn minh và đạo đức của Đảng. Tiên phong đổi mới thể chế bầu cử, bảo vệ liêm chính, trung tâm là thể chế kiểm soát quyền lực.
Nhà nước không cải cách quy mô hệ thống hành pháp cùng với tái cấu trúc bên trong mỗi bộ máy và phương thức hoạt động của Nhà nước, nhất là dọn sạch những “lô cốt” quan liêu, tham nhũng, lãng phí đủ loại, nhất định không có “nhà nước nhỏ” mạnh mẽ thực thi quản trị hiệu quả “xã hội lớn” trên nền tảng pháp luật thống nhất theo đường lối chính trị của Đảng.
Nhà nước nắm lấy quản trị bởi pháp luật và đạo đức mang tầm kiến tạo và phát triển thay vì chỉ bằng mệnh lệnh và can thiệp chủ quan (lại chưa hoàn thiện); chuyển từ quản lý hành chính, khuôn theo lãnh thổ sang phân cấp, phân quyền, trách nhiệm và phụng sự, với đột phá cải cách toàn diện thể chế nền hành chính quốc gia. Quốc hội không thể mạnh mẽ nếu không chuyển từ kiêm nhiệm sang chuyên nghiệp hoá; chuyển từ báo cáo sang giải trình minh bạch; chuyển từ diễn giải, độc thoại sang chất vấn, đối thoại, tranh luận, phản biện; chuyển từ trách nhiệm tập thể chung chung, khó định lượng sang cá thể hoá trách nhiệm cơ quan trình và tuổi thọ của luật… Việc xây dựng và ban hành luật pháp phải chấm dứt tình trạng “vừa soạn thảo vừa thực thi” luật pháp - mầm mống của “lợi ích nhóm” và các nhóm lợi ích trong công tác lập pháp, tạo nên sự cát cứ hoặc khoanh vùng pháp luật, phá vỡ tính chỉnh thể và quyền uy của pháp luật. Để quản trị tốt quốc gia, Chính phủ chuyển từ tư duy quản trị sang tư duy phục vụ Nhân dân, đặc biệt việc hiện thực hoá pháp luật và ban hành chính sách phải nhằm phát triển thể chế, công phá lợi ích cục bộ, lấp kín sơ hở về chính sách, ngăn chặn nạn lạm dụng quyền lực công để mưu lợi riêng, phá vỡ tính thống nhất của pháp luật. Không có và không vì Nhân dân, mọi bộ máy sẽ trở nên cục bộ, bản vị, thoái bộ, tự hủ bại và nguy cơ cản trở, thậm chí làm suy tàn đất nước.
Đổi mới hệ thống chính quyền theo hướng sắp xếp và giảm đầu mối các tỉnh, thành phố, quận, huyện và tương đương theo tiêu chí không gian tương đồng hệ giá trị kinh tế và văn hoá - cơ sở căn bản và phân định hành chính theo hệ thống hạ tầng giao thông tổng thể.
Trong tổng thể, đến lượt mình, mỗi thành viên, theo chức năng, nhiệm vụ, tái cấu trúc đội ngũ theo hướng tinh gọn hoá, trí thức hoá, trách nhiệm hoá và đo lường hiệu quả quản trị của từng bộ máy. Đột phá mạnh mẽ chiến lược phát triển nhân tài: chính trị gia, chiến lược gia, kỹ trị gia và doanh gia xứng đáng; trong sạch hoá, văn hoá hoá đội ngũ bằng hoàn thiện nền pháp chế và định vị công vụ; bằng cá thể hoá trách nhiệm và thể chế kiểm soát quyền lực; bằng thể chế bảo đảm quản trị quốc gia hành chính với phát triển đạo đức và văn hoá; bằng đo lường trách nhiệm và hiệu quả công vụ, thông qua khảo khoá định kỳ và bất thường; bằng tuyển trạch qua mọi con đường, trước hết bằng thi tuyển, tiến tuyển, cổ vũ vượt cấp; bằng cải cách chế độ đối đãi xứng đáng và kỷ luật nghiêm khắc, nếu không muốn rơi vào trì trệ, hủ bại… Không có đội ngũ hiền tài xứng đáng nhất định không có thành công nào như mong đợi. Luật hoá và thực thi cơ chế tuyển chọn và sử dụng nhân tài mang tầm chiến lược.
Gìn giữ và phát huy dân chủ - kỷ luật - đoàn kết thống nhất trong mỗi bộ máy và toàn bộ hệ thống chính trị.
Vì, cái làm chìm con thuyền không phải nước ở đại dương mà là nước ở ngay trong chính con thuyền.
Lịch sử đang hối thúc nhưng cũng đang chuẩn bị vận hội và lực lượng cho dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Không cuộc cách mạng hay cải cách về bộ máy dù ở trong bất cứ thời điểm nào không gặp khó khăn, thậm chí cả bất trắc và hy sinh.
Trước thềm kỷ nguyên mới, đây thực sự là thách thức nghiệt ngã, thậm chí cả sự hy sinh to lớn đối với các tổ chức của hệ thống chính trị, mệnh hệ tới từng con người, đang chấn động toàn xã hội.
Nhưng, không thể không làm một cách tổng thể, sáng tạo và dũng cảm, nếu đất nước không muốn tụt hậu, Tổ quốc không muốn phát triển.
Trên phương diện nóng bỏng này, cần thiết phải thấu triệt, nếu không soát xét tổng thể và cấu trúc lại các bộ máy của hệ thống chính trị, trước hết là bộ máy của Đảng và bộ máy hành pháp theo hướng không song trùng, không trung gian, không cơ học thuần tuý trong lượng hoá đầu mối cần thiết và phù hợp của toàn hệ thống; đồng thời, cấu trúc lại từ bên trong mỗi bộ máy trên cơ sở định rõ chức năng, nhiệm vụ theo hướng hội tụ đa ngành, đa chức năng, cá thể hoá trách nhiệm trong chỉnh thể hệ thống; tinh gọn, tinh nhuệ, liên thông và hiện đại nhằm tinh hoa hoá trong mỗi bộ máy thì nhất định không có sự tinh giản theo hướng tinh gọn hoá và tinh hoa hoá nào như mong muốn; và, càng nhất định không có bộ máy nào gọn nhẹ, phù hợp với đòi hỏi phát triển của thực tiễn với sức mạnh tổng thể của bộ máy xứng tầm thực tiễn kỷ nguyên mới cả.
Trong rất nhiều trọng sự, tiếp tục cần thấu triệt và hành động đồng bộ, thống nhất, cụ thể và hiệu quả, có thể đo lường, mấy việc cấp bách:
Trước hết, về mục tiêu và quan điểm.
- Xuất phát từ nhiệm vụ để cơ cấu lại hệ thống bộ máy các cấp và nội bộ từng bộ máy.
- Tinh giản hoá - Tinh hoa hoá - Hiệu quả hoá.
- Cải cách để phát triển một cách ổn định và đó là thước đo hiệu quả của bộ máy cải cách và vị thế, trách nhiệm người đứng đầu các bộ máy trong chỉnh thể hệ thống chính trị.
- Tổng thể bộ máy chỉnh thể gọn nhẹ, tinh thông, hiện đại, phù hợp và hiệu lực, hiệu quả; tinh giản tối thiểu 25% - 30% số lượng người trong mỗi bộ máy.
Thứ hai, về nguyên tắc. Nhìn tổng thể, cần nắm chắc 6 phương diện:
- Định vị các bộ máy, định rõ chức năng và nhiệm vụ, định lượng đúng và trúng cán bộ, công chức.
- Tổng thể - Liên thông - Độc lập tương đối.
- Quyền lực - Trách nhiệm.
- Gọn nhẹ - Linh hoạt - Trọng dụng nhân tài.
- Dân chủ - công minh - phù hợp.
- Kiểm soát một cách tổng thể hệ thống và cụ thể từng bộ máy và con người trực thuộc.
Thứ ba, về phương châm. Trên cơ sở các nguyên tắc chỉ đạo, cầm nắm chắc tối thiểu 5 phương châm thực thi một cách mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo:
- Vừa cấu trúc lại vừa chỉnh đốn mang tính chỉnh thể nhưng cụ thể.
- Ưu tiên tổng thể, nắm lấy mắt xích cơ bản.
- Không cơ học, không áp đặt, không cào bằng.
- Không cục bộ, không cô lập, không mâu thuẫn.
- Không “mang thúng úp voi” - Không “đánh trống bỏ dùi” - Không “bắt cóc bỏ đĩa”.
Thứ tư, về lộ trình và bước đi. Có thể hình dung 3 vấn đề căn bản:
- Hoàn thành bước khởi đầu trước Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở.
- Vừa sắp xếp thực thi các bộ máy cụ thể vừa bảo đảm chỉnh thể hệ thống hoạt động một cách toàn diện.
- Không chờ đợi - Không do dự - Không cầu toàn.
Thứ năm, về các giải pháp lớn. Tuỳ theo từng bộ máy cụ thể, từng điều kiện phong phú và thực lực để lựa chọn giải pháp cụ thể và phù hợp.
- Tổng rà soát và đánh giá tổng thể bộ máy. Trái thế, tất thiển cận.
- Định vị lại chức năng, nhiệm vụ mỗi bộ máy trong chỉnh thể hệ thống chính trị sau cơ cấu lại, sau tinh giản hoá và tinh hoa hoá. Trái thế, tất bất minh.
- Định lượng hoá các nhân tố cấu thành bộ máy trong chỉnh thể hệ thống bộ máy. Trái thế, tất bất ổn.
- Soát xét, sắp xếp người phù hợp vị trí theo khả năng mỗi cán bộ, mỗi bộ máy. Trái thế, tất bất hoạt.
- Hoạch định chính sách phù hợp và kịp thời trong mỗi bước đi, với từng loại cụ thể trong và sau thực thi tinh giản hoá. Trái thế, tất hậu hoạ.
- Nêu cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ lãnh đạo từng bộ máy, trước hết là người đứng đầu. Trái thế, tất bất thành.
- Soát xét, rút kinh nghiệm và sửa sai kịp thời. Trái thế, tất mù quáng.
- Thưởng phạt công minh, kịp thời. Trái thế, tất bấn loạn.
Trước thềm kỷ nguyên mới, mỗi bộ máy trong chỉnh thể hệ thống, mỗi người trong bộ máy, ở thời điểm khắc nghiệt này, nếu chưa thể làm những điều vĩ đại thì, dù là những việc dù nhỏ, phải được làm bằng sự dũng cảm, danh dự và trách nhiệm vĩ đại.
Đó chính là thể hiện trách nhiệm vì quốc gia phồn vinh, nhịp bước cùng thời đại, nhân dân hạnh phúc và vì phẩm giá, danh dự và trách nhiệm của chính mình.