Phát biểu tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, làm việc gì cũng không vì bản thân mà luôn nghĩ đến lợi ích của cộng đồng.

Tư tưởng ấy không chỉ thể hiện giá trị cốt lõi của đạo Phật, mà còn mở ra một cách tiếp cận mới, xem Phật pháp như nền tảng đạo lý để ứng dụng trong điều hành xã hội, xây dựng con người.

Lan toả giá trị tốt đẹp

Phật giáo Tây Ninh không chỉ hiện diện trong các nghi lễ trang nghiêm mà còn hoà nhịp cùng đời sống cộng đồng bằng những hành động thiết thực, từ giáo lý đến an sinh, từ tinh thần đến hành động.

Từ đầu năm 2025, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo đã tích cực đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội, đóng góp hơn 20 tỷ đồng, song song với việc hướng dẫn tăng ni, phật tử thực hiện đúng pháp luật, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc. Theo Hoà thượng Thích Huệ Tâm- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: “Sự gắn kết giữa đạo pháp và cuộc sống không chỉ củng cố niềm tin trong lòng tín đồ mà còn lan toả tinh thần phụng sự, yêu thương trong toàn xã hội”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh- quyền Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu cung thỉnh xá lợi Đức Phật lên an trí tại đỉnh núi Bà Đen

Ông Nguyễn Hồng Thanh- quyền Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu cung thỉnh xá lợi Đức Phật lên an trí tại đỉnh núi Bà Đen

Đạo Phật còn đồng hành với đời sống bằng cách truyền tải những giá trị tinh thần tốt đẹp. Đại đức Thích Huệ Chơn- Trụ trì tịnh xá Ngọc Như (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Mỗi thời đại có những đặc điểm riêng, nên Giáo hội cũng tuỳ thuận theo dòng chảy xã hội. Không chỉ đổi mới trong tổ chức, các hoạt động hoằng pháp cũng được mở rộng theo hướng gần gũi, dễ tiếp cận”.

Theo Đại đức, nhiều chùa trên địa bàn sử dụng mạng xã hội để truyền tải giáo lý, đặc biệt là đến với người trẻ. Các buổi thuyết giảng còn được lồng ghép vào khoá tu định kỳ, giúp người học vừa tu tập vừa hiểu rõ giáo lý để hành trì đúng đắn. “Có người chỉ vô tình nghe được một bài giảng chạm đúng tâm trạng cũng đủ để chuyển hoá hành vi bất thiện. Đó là giá trị sâu sắc của giáo lý nhà Phật khi được truyền đạt đúng lúc, đúng người”- Đại đức Thích Huệ Chơn chia sẻ.

Tinh thần từ bi còn được thể hiện qua những hành động bền bỉ, âm thầm suốt nhiều năm. Đó là hoạt động tặng cơm từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh được Tịnh xá duy trì hơn mười năm qua, với trung bình mỗi tháng khoảng 200 suất. Ngoài ra, nhà chùa còn nhận hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, tặng quà trong các dịp lễ lớn như: Phật đản, Vu lan, cùng địa phương giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn.

Hoà thượng Thích Minh Thiện- Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cho biết, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, Vesak 2025 chọn chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hoà bình thế giới và phát triển bền vững” là rất ý nghĩa. Phật giáo không đứng ngoài dòng chảy cuộc đời, mà đồng hành cùng đời sống xã hội, khơi gợi lại những giá trị sống hài hoà, bao dung và trách nhiệm.

Hiện thực hoá triết lý ấy thành hành động cụ thể, trong khuôn khổ Vesak 2025 tại Việt Nam, Ban tổ chức đã thực hiện nhiều chương trình từ thiện hỗ trợ cộng đồng, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật, góp phần xây dựng xã hội nhân ái, đoàn kết và phát triển. Một hoạt động ý nghĩa khác diễn ra tại núi Bà Đen, đó là trồng 108 cây bồ đề trên đỉnh núi, mỗi cây gắn với tên của một vị cao tăng, một nhà hoạt động tôn giáo hoặc người phát tâm hướng thiện.

Phật ở trong tim, an lạc giữa đời

Không cần xuất gia hay sống trọn đời nơi cửa thiền, nhiều phật tử tại gia vẫn đang lặng lẽ thực hành giáo lý nhà Phật trong từng lựa chọn sống. Với họ, Phật pháp không nằm ở hình tướng mà là sự chuyển hoá từ bên trong. Lặng lẽ, bền bỉ và đầy nhân hậu.

Dương Phú Quí (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) là một trong những người trẻ chọn gắn bó với đạo Phật từ năm 18 tuổi, sau một lần đến chùa và cảm nhận được sự bình yên trong không gian thanh tịnh. “Từ đó, em bắt đầu đi chùa thường xuyên hơn, đồng thời, học cách sống nhẫn nhịn và tham gia thiện nguyện để lan toả lòng từ bi”- Phú Quí bộc bạch.

Từng là người sống khép kín khi gia đình có thời gian gặp nhiều khó khăn, biến cố, Phú Quí chia sẻ mình đã thay đổi rất nhiều nhờ Phật pháp, đặc biệt là khi hiểu được giá trị của chữ “buông”. Với chàng trai này, đó không phải là sự buông xuôi, mà là cách để sống an ổn trong xã hội nhiều áp lực và kỳ vọng. “Những khi công việc gặp trắc trở, em học cách hạ cái tôi, điều chỉnh mong cầu và bằng lòng với những gì đang có. Đạo Phật dạy em biết bằng lòng và sống đúng sức mình. Em vẫn cố gắng, nhưng không còn ép mình chạy theo thành công bằng mọi giá. Với em, sống thiện mới là thành công”, Phú Quí nói.

Hiện nay, mỗi năm Phú Quí đều đứng ra tổ chức ít nhất 3 chuyến thiện nguyện, trong đó, luôn có một chuyến ở quê nhà Tây Ninh. Từ chương trình tặng quà cho người nghèo đến những hoạt động như thăm hỏi, chăm sóc các cụ già neo đơn… mọi việc đều được Quí thực hiện bằng cả tấm lòng.

Chị Trương Thị Thu Hương (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) tìm đến Phật pháp từ năm 15 tuổi. Những năm gần đây, chị tu học theo đạo tràng Pháp Hoa và dành thời gian nhiều hơn cho việc trì tụng, nghe pháp và chiêm nghiệm giáo lý. Chị vừa cùng nhóm bạn thân vào TP. Hồ Chí Minh dự Đại lễ Vesak 2025 và đến Tây Ninh dự lễ tôn trí xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại đỉnh núi Bà Đen.

“Tôi đi như một chuyến hành hương. Có thể hai, ba năm mới sắp xếp được một lần, nhưng mỗi lần đi là một lần thấy mình sống chậm lại, tâm lắng hơn”- chị Hương nói và cho biết thêm, từ ngày học đạo sâu hơn, chị thấy trong tâm có một khoảng lặng. Những biến cố trong đời không còn làm chị lo lắng nhiều như trước. Càng học giáo lý, chị càng muốn sống tử tế, chia sẻ và nâng đỡ người khác. Có khi chỉ là hỏi thăm một người bệnh, phụ chút thuốc men, gọi điện cho ai đó đang buồn.

“Tôi không nghĩ mình làm gì lớn lao, chỉ thấy lòng mình trở nên ấm áp, nhẹ nhàng hơn mỗi khi làm việc thiện. Đó là điều Phật dạy, sống thiện, sống tử tế, từ cái tâm mà làm” - chị Hương bộc bạch.

Những người hướng về Phật pháp có thể không cùng tuổi tác, nghề nghiệp hay xuất thân, nhưng lại chung một điểm: chọn sống thiện lành giữa đời thường. Phật với họ không chỉ ở chùa, không chỉ trong kinh sách, mà còn ở trong cách sống hằng ngày, giữ tâm từ bi trong ứng xử và lấy trí tuệ làm điểm tựa trong suy nghĩ, hành động.

Như một hạt mầm an lạc được gieo vào đời sống.