Mới đây, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh diễn buổi họp mặt cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) và người tù kháng chiến tham gia chống Mỹ cứu nước nhằm tôn vinh, tri ân các thế hệ CCB, cựu TNXP và tiếp tục tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thế hệ trẻ kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc; phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ký ức hào hùng
Tại buổi họp mặt, Đại tá Nguyễn Lương- nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xúc động chia sẻ những ký ức hào hùng của một thời đồng cam cộng khổ, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu. Ông vẫn nhớ như in 15 năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, “lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày”, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, xây dựng công sự, đào hầm bí mật liên hoàn, chiến đấu trực diện với quân địch. Từ những trận đánh nhỏ “diệt ác phá kìm” đến những trận đánh to thắng lớn, tiểu đoàn luôn cơ động nhanh, chiến đấu giỏi, kiên cường bám trụ vùng ven, trên các trục lộ giao thông huyết mạch, đập tan âm mưu bình định và lấn chiếm của địch, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ác liệt nhất là giai đoạn từ năm 1969-1971. Thời điểm đó, Gò Dầu là vùng đông dân nhiều của, là ngã ba biên giới Việt Nam-Campuchia, là “cuống họng” nối liền Tây Ninh với Sài Gòn. Bởi vậy, địch cố chiếm lấy, còn ta quyết giữ cho bằng được.
Quyết tâm biến Gò Dầu thành “vùng trắng”, chia cắt cách mạng với nhân dân, lợi dụng mùa khô, nắng ráo, phía địch thả xăng bột hoặc bom na-pan để đốt cháy cỏ cây và gài mìn rồi dùng xe ủi ủi tróc địa hình, phát hiện hầm bí mật của ta. Nguy hiểm hơn, địch dùng chiến thuật biệt kích “nhả răng bừa”. Sau mỗi lần càn quét, chúng bí mật để lại một bộ phận theo dõi, phục kích cán bộ ta. Để phá vỡ chiến thuật của địch, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã thực hiện phương châm “bám đất, bám dân và bám địch để đánh”.
Đại tá Nguyễn Lương cho biết, phẩm chất quan trọng của người chiến sĩ cách mạng trước hết là phải có lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì đồng bào; luôn kiên cường, có lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và Nhân dân; đặc biệt, phải có tổ chức, có kỷ luật, được giao bất cứ nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành. Một điều quan trọng không kém là người chiến sĩ cách mạng phải thật sự gần gũi và tôn trọng nhân dân.
Ông Trần Minh Châu- cựu TNXP thuộc đơn vị C2311, Liên đội 5, Hoàng Lê Kha Tây Ninh kể lại những năm tháng gian khổ nhưng đầy khí phách của ông và đồng đội, ngày đêm vượt mưa bom, tải đạn, cáng thương trên nhiều cung đường ác liệt.
Ông kể, gia nhập lực lượng TNXP phải xa nhà, sống và chiến đấu trong điều kiện gian khổ, có nhiều thời điểm phải ăn chuối, lá rừng để cầm hơi, “một lon gạo phải chia thành 3 bữa ăn trong ngày…” nên những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi không tránh khỏi giây phút nhớ nhà, nhớ người thân. Thế nhưng, khi được giao nhiệm vụ, ròng rã mấy ngày đêm hành quân cõng trên vai súng đạn đưa đến chiến trường, ai nấy vẫn luôn giữ vững tinh thần, nhiệt huyết.
Lòng kiên trung của người nữ tù Côn Đảo
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh có nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tuyên án tử. Trong số các chiến sĩ tử tù là phụ nữ có bà Phan Thị Út, thường gọi Út Nghét- Đội trưởng, Bí thư Chi bộ Đội tự vệ mật huyện Toà Thánh (thị xã Hoà Thành ngày nay).
Sớm giác ngộ cách mạng khi mới 14-15 tuổi, bà Út Nghét cùng đồng đội đã có 11 trận đánh lớn nhỏ ở Trảng Bàng. Giữa năm 1969, bà Út Nghét cùng hai đồng đội là bà Út Coi và ông Bảy Đức được cấp trên điều động từ đơn vị biệt động huyện Trảng Bàng lên huyện Toà Thánh, thành lập Đội tự vệ mật, hoạt động trong vùng giặc tạm chiếm ở khu vực Toà Thánh - Long Hoa.
Sau một năm thực hiện nhiệm vụ “diệt ác” với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” ngay tại các cửa chợ Long Hoa, Trường Nông Lâm Súc ở Bến Kéo, tiêu diệt nhiều quân cảnh, thám báo, Đội tự vệ mật được Huyện uỷ Toà Thánh giao nhiệm vụ đặc biệt: tiêu diệt tên Trung tướng Nguyễn Văn Thành tại Toà thánh Cao Đài. Tiêu diệt được mục tiêu, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đội tự vệ mật huyện Toà Thánh không may bị bắt. Chúng đưa chiến sĩ ta ra Toà án quân sự Vùng 3, tuyên án tử hình đối với bà Út Nghét và ông Bảy Đức; tù chung thân đối với các đội viên Xê, Mỹ, Bé và 3 năm tù đối với hai đội viên khác. Năm đó, bà Út Nghét vừa tròn 27 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng.
Ngay sau khi các cán bộ chiến sĩ tự vệ mật bị bắt, Trung ương Cục miền Nam đưa tên tuổi họ vào danh sách tù binh tại bàn hội đàm Paris trước ngày ký kết hiệp định đình chiến không bao lâu, do vậy, kẻ địch không thể thi hành án đối với những người bị tuyên án tử hình. Nhưng chúng vẫn ngoan cố không chịu trao trả tù binh mà đưa họ đi đày tận Côn Đảo.
“Ra đến đảo, địch phát hiện tôi có thai nên đưa tôi về đất liền giam giữ. Tôi sinh đứa con duy nhất của mình trong nhà tù, con không một lần được thấy mặt cha, bởi chồng tôi cũng đã hy sinh trong một trận đánh”- bà Út Nghét ngậm ngùi nhớ lại.
Suốt những năm trong lao tù, bà Út Nghét và đồng đội của mình đã chịu không biết bao nhiêu đòn roi, tra tấn của địch. Nhưng bà quyết không khai, giữ vẹn tinh thần cách mạng của đảng viên cộng sản, phẩm chất trung trinh, tiết liệt của người phụ nữ Việt Nam.
Nghĩa tình đồng đội thiêng liêng
“Hồi đó, anh em chúng tôi thường ngủ chung võng, chia đôi điếu thuốc. Người nào bị thương là người khác sẵn sàng gánh vác công việc, không hề nề hà. Bữa cơm cũng chia đôi, món ngon được dân cho đều chia sẻ cùng nhau. Có thể nói là anh em sống chết có nhau”- Đại tá Nguyễn Lương chia sẻ.
Cựu TNXP Trần Minh Châu nghẹn ngào nói thêm, ở chung đội, vừa ngồi uống với nhau tách trà thì bị pháo kích, đơn vị được lệnh cấp tốc dời căn cứ. Với những đồng chí đã hy sinh, đội phải chôn vội vàng. Sau ngày giải phóng, có những đồng chí được tìm thấy hài cốt, nhưng có đồng chí vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Đau đớn nhất đó là có người hy sinh, vừa được chôn cất thì lại bị bom đạn của địch cày xới lên. Đến khi đồng đội quay lại, dù rất cố gắng để tìm kiếm thân xác đồng chí, đồng đội nhưng gần như chẳng còn gì.
Tiết mục văn nghệ tại chương trình
Đất nước hoà bình, các cựu TNXP còn sống luôn tìm về gia đình của những người đã mất, để được thắp nén nhang cho đồng chí, đồng đội; cùng ôn lại những kỷ niệm xưa của một thời gian khổ nhưng rất hào hùng. Niềm đau đáu nhất của những người lính còn sống hôm nay, đó chính là chưa tìm được hài cốt của đồng đội mình.
Những lời kể, ký ức sống động của các nhân chứng lịch sử không chỉ là lời nhắc nhớ về quá khứ hào hùng, mà còn là kỳ vọng và gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay.
Tự hào thay lá cờ Tổ quốc Việt Nam anh hùng