Trong giới văn nghệ sĩ Tây Ninh, có thể nói hai nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông, Nguyễn Quốc Tây là cặp anh em có bề dày thành tích sáng tác, với nhiều giải thưởng danh giá của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nếu như nhạc sĩ Quốc Tây nổi tiếng với các ca khúc vui tươi viết về thiếu nhi, thì nhạc sĩ Quốc Đông lại chọn hướng sáng tác lấy cảm hứng từ quê hương, cùng những bài phân tích âm nhạc sâu sắc, đầy tính chuyên môn.

 

Quê hương nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tác

 

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông sinh năm 1956. Quê hương Tây Ninh đã nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tác của ông, thể hiện cảm xúc dạt dào trong từng ca khúc. Đó là dòng sông Vàm Cỏ Đông hiền hoà, yên ả; núi Bà Đen sừng sững, uy nghi; Toà thánh Cao Đài nguy nga, bí ẩn…

Mỗi góc phố, con đường hay địa danh trên mảnh đất này đều được khắc hoạ đong đầy nỗi nhớ qua các tác phẩm của nhạc sĩ Quốc Đông: “Ai về Tây Ninh quê tôi qua chiếc cầu Quan trên sông phố xá dập dìu. Vàm Cỏ êm trôi mênh mang lục bình hoa tím. Kìa núi quê hương hiên ngang cùng năm tháng...” (Thương về Tây Ninh).

Trở lại với những ngày đầu sáng tác- những năm 1970, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông có duyên thọ giáo bộ môn guitar classic với nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao. Đây cũng là nền tảng để ông bắt đầu viết các ca khúc phổ thơ và dần có những sáng tác đầu tay ghi được dấu ấn. Bằng kinh nghiệm của giáo viên Ngữ văn, nhạc sĩ Quốc Đông vô cùng tỉ mỉ trong việc chọn lọc ca từ mượt mà, trau chuốt, mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho từng tác phẩm.

Quê hương trong nỗi nhớ của người nhạc sĩ - thầy giáo này còn là những tháng ngày gian lao của thời chiến tranh biên giới Tây Nam ác liệt, phải vừa dạy học, vừa đào hầm trốn pháo kích. Những tháng ngày khó nhọc nhưng chan hoà tình thầy trò thân thương, ông đã sáng tác ra các tác phẩm: Ngày trên Châu Thành và Quê hương em...

Tính đến nay, nhạc sĩ Quốc Đông đã có 3 CD và 4 tuyển tập nhạc: Tên em là dòng suối, Miền ký ức, Nồng nàn một dòng sông và Nỗi nhớ Tây Ninh. Ông dành nhiều tình cảm cho quê hương, cảm xúc được giãi bày qua tuyển tập nhạc “Nỗi nhớ Tây Ninh” với 31 bài hát về tình yêu quê hương, đất nước; những gian khổ, khó nhọc của lực lượng tuyến đầu trong mặt trận chống dịch Covid-19; những chiến sĩ đang kiên cường canh giữ biển đảo quê hương.

Tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2023, ca khúc “Huyền thoại núi Bà” của nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông đã đạt giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nói về duyên sáng tác những ca khúc quê hương Tây Ninh, nhạc sĩ Quốc Đông cho biết, mong muốn của ông là có thể giúp lớp trẻ hiểu hơn về truyền thống cách mạng của cha ông. Mỗi tác phẩm cũng là lời tri ân với quê hương- nơi đã nuôi dưỡng trong ông mạch nguồn sáng tác không bao giờ vơi cạn; qua đó, đóng góp chất nhạc, làm đẹp hơn, giàu hơn đời sống tinh thần của quê nhà.

Gần 70 tuổi, nhạc sĩ Quốc Đông vẫn luôn yêu đời và tràn đầy sức sáng tạo dành cho nghệ thuật. Ông thường xuyên tham gia các trại sáng tác âm nhạc, chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động của giới văn nghệ sĩ Tây Ninh.

Tuổi càng cao, khả năng phân tích, lý luận của ông trong âm nhạc càng sâu sắc. Ông còn là cây bút phê bình lý luận âm nhạc trên các tạp chí, tờ báo và từng đạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở thể loại này suốt 3 năm liên tiếp (2018-2020). Tạp bút “Nghĩ và viết” - tập hợp nhiều bài viết những năm gần đây của ông về đề tài âm nhạc được mọi người quan tâm, trong đó có thể kể ra một số bài nổi bật như: Nhạc thịnh hành là gì? Thế nào là nhạc sến? Thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ; hay bài viết nói về hoàn cảnh ra đời các bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Phạm Duy, Hoàng Hiệp…

Nói về âm nhạc Tây Ninh, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông cho biết: “Dòng chảy âm nhạc của mảnh đất thiêng vùng Đông Nam bộ được kế thừa từ một nền truyền thống cách mạng lâu đời. Niềm tự hào với truyền thống âm nhạc qua nhiều thời kỳ trở thành động lực sáng tác cho các lứa thế hệ nhạc sĩ. Tiếp nối truyền thống quý báu trên và hoà cùng sự phát triển của nền âm nhạc đất nước, các anh em nhạc sĩ địa phương có điều kiện và thời gian cũng như phương tiện để trau dồi kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ, đã có nhiều ca khúc ngợi ca quê hương Tây Ninh, con người trung dũng kiên cường của Tây Ninh trong những năm qua ghi được dấu ấn trong lòng khán giả”.

 

Những nốt nhạc yêu thương

 

Sáng tác âm nhạc từ khi còn đi học, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây (sinh năm 1959) gặt hái được nhiều thành công với dòng nhạc thiếu nhi. Ông để lại ấn tượng trong lòng công chúng qua những album: “Quà của ba”, “Quà 8.3”… Nhiều ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Quốc Tây còn đạt được các giải thưởng của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tiêu biểu như: “Khi cháu nhìn ảnh Bác”, “Ngôi trường thân thiện”, “Bạn trong nhà”, “Mái ấm gia đình”, “Giữ xanh mái nhà chung”…

Nhạc sĩ Quốc Tây bộc bạch: “Mỗi sáng tác đều là một kỷ niệm, khoảnh khắc trong cuộc sống đối với tôi. Thông qua những bài hát, tôi mong muốn các em thiếu nhi có thể cảm nhận được thế giới xung quanh một cách gần gũi, trong sáng đúng như lứa tuổi của các em”.

Lấy cảm hứng từ những chất liệu đời thường, cùng ca từ mộc mạc, gần gũi là phong cách thường thấy trong các sáng tác của nhạc sĩ Quốc Tây. Những điều rất bình dị, tự nhiên được ông thuật lại bằng ngôn ngữ âm nhạc dưới góc nhìn trong sáng của trẻ thơ, để khi các em thể hiện ca khúc đó có thể hiểu được trọn vẹn những gì mình đang hát và thể hiện cảm xúc chân thật nhất. Như trong bài hát “Bàn tay cô giáo”, ông viết: “Ôi bàn tay diệu kỳ, đau bụng hay nhức đầu, tay cô xoa dầu là hết đau lập tức”, hay với ca khúc “Bạn trong nhà”: “Nhà em còn có chú mèo nhỏ xinh xinh, hay nằm co ro một mình, mèo miu bạn của em…”.

Các tác phẩm còn thường được ông nhắn gửi vào đấy thông điệp sâu sắc: “Học tập lời Bác, cháu cùng bạn trồng cây. Mọi người cùng chung tay, giữ sạch trái đất này” (Giữ xanh mái nhà chung). Những lời ca còn giúp các em thêm yêu quê hương và ghi nhớ địa danh ở quê mình: “Quê hương em có núi Bà Đen. Dòng sông Vàm Cỏ mát xanh hiền hoà…” (Tây Ninh quê em).

Là một người cha, người ông mẫu mực, nhạc sĩ Quốc Tây cũng dành nhiều tâm tư cho những ca khúc về gia đình đầy ấm áp, thân thương. “Ngày của cha” là một trong số đó, bài hát có ca từ đơn giản, gần gũi nhưng mang thông điệp sâu sắc: “Mai sau lớn khôn rồi con mới biết, nhớ ơn mẹ cha đâu chỉ có một ngày”.

So với các đề tài khác, nhạc thiếu nhi là mảng sáng tác không dễ sáng tạo và cũng có ít nhạc sĩ lựa chọn theo đuổi. “Theo tôi, sáng tác cho thiếu nhi tưởng dễ nhưng không dễ. Nhạc sĩ phải nhập tâm vào tâm hồn trẻ thơ, nhìn mọi thứ xung quanh bằng con mắt của các em. Ca từ trong nhạc thiếu nhi đơn giản, dễ hiểu nhưng cũng phải thể hiện được những thông điệp nhân văn. Một ca khúc thiếu nhi thành công là khi trẻ con nghe qua bài hát và có thể nhớ được để ngân nga” - nhạc sĩ Quốc Tây bày tỏ.

Vì vậy, để sáng tác đến được với đông đảo các bạn nhỏ và lan toả ngoài thị trường, đòi hỏi người nhạc sĩ ngoài kiến thức chuyên môn trong hoà âm, giai điệu, ca từ dễ nhớ, dễ thuộc còn phải sáng tác bằng tình yêu thương đối với trẻ thơ.

Chia sẻ góc nhìn về thị trường âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay, nhạc sĩ Quốc Tây cho rằng: “Số lượng ca khúc bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là phổ biến được hay không. Tôi thấy các sáng tác thiếu nhi trong thời gian gần đây có nhiều khởi sắc về số lượng lẫn chất lượng, tuy nhiên, các ca khúc có thể tạo được sự lan toả và có đời sống riêng vẫn còn hạn chế. Để các ca khúc mới tiếp cận được với đông đảo các em nhỏ, cần vai trò của các cấp, ngành, đơn vị quản lý âm nhạc”.

Không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi, ở các mảng đề tài khác, nhạc sĩ Quốc Tây cũng gặt hái không ít “trái ngọt”. Năm 2023, tác phẩm “Chào mùa xuân” của ông đạt giải B Liên hoan Âm nhạc toàn quốc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Song song với việc tập trung sáng tạo tác phẩm, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây còn dành nhiều tâm huyết đẩy mạnh phong trào sáng tác, gắn kết đội ngũ nghệ sĩ tại địa phương, để hoà nhập chung vào nền âm nhạc cả nước. Các nhạc sĩ trong Chi hội đã có những sáng tác kịp thời để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Chi hội thường xuyên tổ chức các trại sáng tác, tập huấn, thực tế sáng tác và các buổi họp mặt văn nghệ sĩ; tích cực quảng bá tác phẩm hội viên; phục vụ lễ hội của các địa phương; tham gia các cuộc liên hoan, hội thi nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng…

Cùng với thành tích đáng ghi nhận của các hội viên, chi hội, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây còn đóng góp nhiều tác phẩm, tham dự và đạt nhiều giải thưởng âm nhạc, liên hoan âm nhạc hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được UBND tỉnh trao tặng nhiều bằng khen, bằng chứng nhận về những thành tích xuất sắc trong sáng tác âm nhạc.

Bài, ảnh: HOÀ KHANG

Thiết kế: HỮU NHÂN