Với mục đích tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vị trí, phát huy vai trò của các hội viên, nông dân trong xây dựng và phát triển các mô hình THT, HTX, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh ký kết phối hợp Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho hội viên, nông dân về HTX; các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, nòng cốt là HTX. Hội còn tích cực hỗ trợ, tư vấn, động viên hội viên, nông dân thi đua phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống góp phần giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thực hiện theo Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hằng năm Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên nông dân tham gia phát triển KTTT. Trong thời gian qua, công tác vận động xây dựng KTTT trên địa bàn tỉnh do Hội Nông dân phối hợp cùng các ngành đã thực hiện khoảng 70 HTX, hơn 200 THT với khoảng 5.000 thành viên. Các mô hình THT và HTX hoạt động hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, nhiều HTX, THT sau khi được Hội Nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và các sản phẩm nông sản luôn đạt chất lượng, an toàn, đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP. Các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng. Nhiều hợp tác đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Nổi bật là HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh), HTX Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn…
Với mục tiêu hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất hàng hoá theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Ban Thường vụ Hội Nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp tại các xã, phường, thị trấn, làm cơ sở tiến tới hình thành THT, HTX trong những ngành nghề, lĩnh vực tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới để làm cơ sở trình diễn, học tập.
Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Đồn, huyện Gò Dầu cho biết, từ khi thành lập đến nay, HTX nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ của chính quyền địa phương như tham gia các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật của Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Về phía HTX cũng đã chủ động phối hợp tổ chức những buổi họp, nói chuyện, tập huấn của các cơ quan có thẩm quyền để người tham gia HTX được cập nhật thêm nhiều kiến thức sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, từng bước nâng cấp hình ảnh sản phẩm và quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn. Đồng thời, thành viên HTX cũng sẽ hiểu hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia HTX.
Hiện nay, các THT, HTX do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập trên địa bàn tỉnh hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn. Cụ thể như: nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt... Hoạt động của THT, HTX chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin, thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, thiết bị vật tư nông nghiệp, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sáng kiến, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cách thức lập dự án kinh doanh, thủ tục vay vốn và cách thức sử dụng hiệu quả vốn vay; tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng. Qua đó, giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhiều mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hoá, tạo ra vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững. Đồng thời góp phần nâng cao, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt Hội, tập hợp, thu hút hội viên tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp đã tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho việc hình thành các THT, HTX kiểu mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong hoạt động của Hội tại cơ sở, từng bước đa dạng hoá hình thức hoạt động, sinh hoạt của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực của hội viên.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh và Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với nhau chặt chẽ, thông qua chương trình phối hợp ký kết giữa 4 tổ chức chính trị - xã hội. Các đơn vị sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền và các cuộc hội thảo để hội viên nông dân là thành viên của HTX, THT có điều kiện giao lưu, học hỏi và được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ về vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó các cấp, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ trong công tác giới thiệu quảng bá sản phẩm thông qua các kênh thương mại như hội chợ, kênh thương mại điện tử.
“Để chương trình phối hợp giữa hai đơn vị đạt hiệu quả, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới. Trên cơ sở đó, vận động hội viên thành lập mới các HTX. Đồng thời phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh”- ông La Hữu Nghị, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết.
HTX cây ăn trái Bàu Đồn thu hoạch sầu riêng
Có thể khẳng định, mô hình KTTT thời gian qua đã có sự phát triển rõ rệt. Trong thời gian tới, để phát triển bền vững, các HTX cần phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hoá các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bài, ảnh: Vũ Nguyệt
Thiết kế: Ngọc Trâm