Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chính vì vậy, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tiễn, qua đó giúp nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy việc tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mãng cầu là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tây Ninh, được nhiều người biết đến với thương hiệu mãng cầu Bà Đen. Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.600 ha trồng mãng cầu và là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước. Thời gian qua, để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế, nhiều nông dân chủ động chuyển từ phương pháp trồng truyền thống sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Nhờ đó, sản lượng cung cấp ra thị trường ước đạt khoảng 80.000 tấn/năm. Năng suất bình quân đạt khoảng 150 tấn/ha và được nhiều thị trường lớn đón nhận.

HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung, tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân trồng mãng cầu quanh khu vực chân núi Bà Đen, với diện tích khoảng 600 ha.

Để đưa mãng cầu từng bước chinh phục thị trường lớn trên thế giới, những năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung chuyển dần sang sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ. Quy trình sản xuất chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phòng trị một số loài côn trùng gây hại trên cây trồng. Nhờ đó, mãng cầu của HTX được đưa vào các siêu thị lớn trong cả nước và xuất khẩu đến một số thị trường khó tính như Hàn Quốc, Canada…

HTX sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ được thị trường đón nhận tốt, thu nhập ổn định

HTX sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ được thị trường đón nhận tốt, thu nhập ổn định

Ông Lê Văn Đẹp, ngụ ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu là thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung. Từ khi tham gia vào HTX trồng mãng cầu, ông Đẹp đã từng bước chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Ông Đẹp và thành viên HTX được hướng dẫn kỹ thuật từ việc bao trái để hạn chế sâu bệnh, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn VietGAP nên đã hạn chế phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm chi phí sản xuất và sản phẩm trái mãng cầu bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra nông sản an toàn, chất lượng, không chỉ là xu hướng mà còn là “tiêu chí cốt lõi” để nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân. Các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 7.600 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, nâng luỹ kế tổng số diện tích cây trồng đã chuyển đổi toàn tỉnh đạt hơn 41.000 ha, gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên một héc-ta trồng trọt đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Dương Văn Lâm, ngụ tại khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu là thành viên của Tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ nông nghiệp thị trấn Gò Dầu hiện nay đang phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng dưa lưới trong hệ thống nhà màng. Trong đó, việc chăm sóc vườn dưa lưới của ông Lâm đã cơ bản được thực hiện tự động. Đặc biệt, với việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây, đã giúp ông Lâm chủ động cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây dưa, bình quân ngày tưới 12 lần, trong đó 11 lần tưới dinh dưỡng và lần cuối cùng tưới nước.

Với mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng giúp cho cây dưa sinh trưởng phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ít sâu bệnh hại, tiết kiệm công lao động hơn rất nhiều so với cách canh tác truyền thống.

Ông Lâm cho biết: “Khi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chi phí sản xuất giảm đi được 2/3 so với trước kia. Trong khi đó, giá trị kinh tế đem lại rất ổn định vì đầu ra và giá bán tương đối ổn định. Hiện nay, với diện tích khoảng 1.000m2 trồng dưa lưới, tôi có thể thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng”.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng tính ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hoá… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp các HTX, thành viên HTX chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

Để nâng cao giá trị trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua tỉnh đã rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP… Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết. Nhờ đó, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 130 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 35/130 HTX ứng dụng công nghệ cao; 85/130 HTX tham gia chuỗi liên kết. Doanh thu bình quân hằng năm của HTX nông nghiệp đạt 950 triệu đồng; lãi bình quân hằng năm của HTX nông nghiệp 350 triệu đồng và thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp đạt khoảng 60-70 triệu đồng/lao động/năm.

Có thể nhận thấy, hiệu quả từ công tác chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nhiều loại hình công nghệ được ứng dụng rộng rãi tại địa phương, hình thành tư duy sản xuất mới cho người dân mà còn giúp các HTX nông nghiệp từng bước phát triển, thu nhập của thành viên HTX được tăng lên qua các năm; đồng thời, đóng góp tích cực xây dựng NTM tại địa phương.

Bài, ảnh: Vũ Nguyệt
Thiết kế: Ngọc Trâm