Tây Ninh được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan tươi đẹp, giàu giá trị văn hoá, lịch sử, cùng nền ẩm thực đa dạng. Những năm gần đây, ngành du lịch của tỉnh nhà ngày càng phát triển, lượng khách không ngừng tăng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là đa số du khách chỉ đến tham quan rồi nhanh chóng rời đi trong ngày, ít khi lưu lại lâu để khám phá và trải nghiệm.

Dù lượng khách đến tham quan Tây Ninh liên tục tăng trong những năm qua, nhưng tỷ lệ ở lại qua đêm chỉ chiếm khoảng 30%. Điều này cho thấy vẫn còn những lý do khiến du khách chưa thật sự muốn kéo dài thời gian lưu trú. Việc nhận diện những nguyên nhân khiến du khách chưa muốn lưu trú dài ngày là điều hết sức cần thiết để du lịch Tây Ninh có thể bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Khi tiềm năng chưa thành lợi thế

Những năm gần đây, du lịch Tây Ninh có sự tăng trưởng đáng kể, trở thành một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách. Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), năm 2024, tỉnh nhà đón 5,6 triệu lượt khách, tăng 9,7% so với năm 2023, đem về doanh thu 2.520 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2023. Nhìn vào những con số này, có thể thấy Tây Ninh đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực và cả nước.

Thành phố Tây Ninh yên bình, trong lành

Thành phố Tây Ninh yên bình, trong lành

Lợi thế của Tây Ninh không chỉ nằm ở cảnh quan thiên nhiên đa dạng, nơi rừng, núi, sông, hồ hội tụ, mà còn ở chiều sâu văn hoá, lịch sử mang đậm dấu ấn riêng: núi Bà Đen- biểu tượng du lịch của tỉnh, hồ Dầu Tiếng- công trình thuỷ lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát - Vườn di sản ASEAN, cùng các di tích mang dấu ấn thời gian như Toà thánh Cao Đài, Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Tất cả tạo nên một Tây Ninh vừa có thiên nhiên tươi đẹp, vừa giàu giá trị lịch sử, tâm linh.

Không chỉ vậy, ẩm thực đặc sắc của Tây Ninh với bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trứ danh, nghệ thuật chế biến món chay độc đáo cùng nét đặc trưng của đờn ca tài tử... hoà quyện trong sự giao thoa văn hoá giữa các cộng đồng dân tộc, góp phần tạo nên một Tây Ninh đậm đà bản sắc.

Thế nhưng, dù có tiềm năng lớn, Tây Ninh vẫn chưa thực sự trở thành điểm dừng chân lâu dài của du khách. Theo thống kê, chưa tới một phần ba số du khách chọn ở lại qua đêm, chỉ tham quan các địa điểm nổi bật vào ban ngày rồi rời đi vào chiều tối.

Tháng 1.2025, Tây Ninh đón gần 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 473 tỷ đồng. Một con số ấn tượng. Tuy nhiên, những ai đã từng làm du lịch đều hiểu rằng số lượng khách đến chỉ là một phần của bài toán. Giá trị thực sự nằm ở thời gian lưu trú và mức chi tiêu của họ. Hiện tại, trung bình mức chi tiêu mỗi khách khi đến Tây Ninh chưa tới 500.000 đồng/người, thấp hơn rất nhiều so với các điểm đến như Đà Lạt, Đà Nẵng hay Phú Quốc- nơi con số này thường trên 2 triệu đồng.

Bà Bành Thu Thảo- Giám đốc Khu tổ hợp Sala (TP. Tây Ninh) và Khu vui chơi, công viên nước Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) nhận định: “Du khách đến Tây Ninh nhiều, nhưng mức chi tiêu trung bình thấp. Điều đó cho thấy họ chưa thực sự trải nghiệm sản phẩm du lịch tại đây, mà chỉ dùng các dịch vụ cơ bản như vé cáp treo, ăn trưa rồi về”.

Tháp cổ Chót Mạt (Tân Phong, Tân Biên) chứng tích của nền văn minh Óc-eo ngàn năm lịch sử

Tháp cổ Chót Mạt (Tân Phong, Tân Biên) chứng tích của nền văn minh Óc-eo ngàn năm lịch sử

Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Trí Thuần- Giám đốc Daisy Tour (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) bày tỏ: “Tây Ninh có cảnh đẹp, di sản văn hoá và ẩm thực đặc sắc, nhưng công tác quy hoạch và đầu tư chưa đồng bộ, thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng để phát huy những lợi thế này. Nhiều doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn khi muốn tổ chức các tour du lịch lưu trú dài ngày do thiếu các sản phẩm du lịch đa dạng”.

Tây Ninh vẫn chủ yếu khai thác thế mạnh du lịch tâm linh, đặc biệt tại núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài, chưa có nhiều sản phẩm bổ trợ để giữ chân du khách. Tình trạng “đến rồi đi ngay” không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu du lịch mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của ngành.

 

Núi Bà Đen thu hút nhiều du khách

Núi Bà Đen thu hút nhiều du khách

Toà thánh Cao Đài Tây Ninh- điểm đến hấp dẫn của các du khách

Toà thánh Cao Đài Tây Ninh- điểm đến hấp dẫn của các du khách

Bà Bành Thu Thảo chia sẻ: “Để biến Tây Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ trong ngày mà còn có sức hút dài lâu, cần có sự nhìn nhận và thay đổi chiến lược phát triển du lịch một cách bài bản, dài hạn và đồng bộ hơn”.

Đâu là nguyên nhân?

Hiện nay, du lịch Tây Ninh chủ yếu dựa vào các điểm đến tâm linh, lịch sử, di tích cách mạng. Đây là thế mạnh của tỉnh, nhưng nếu thiếu sản phẩm bổ trợ, du khách khó có lý do để kéo dài hành trình. Chẳng hạn, tại núi Bà Đen, dù đã có cáp treo hiện đại và tổ hợp du lịch Sun World Ba Den Mountain, nhưng khách đến đây chủ yếu để hành hương, vãng cảnh. 

Tương tự, hồ Dầu Tiếng mang trong mình nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng hiện nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cũng rơi vào tình cảnh tương tự, dù sở hữu hệ sinh thái rừng đa dạng, lý tưởng cho các hoạt động trekking, khám phá thiên nhiên hoang dã, nhưng các tour du lịch vẫn còn khá sơ sài, thiếu các dịch vụ chuyên nghiệp đi kèm.

Một vấn đề nữa cần nhìn nhận rõ là hạ tầng du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú ở Tây Ninh hiện nay phần lớn chỉ đáp ứng nhu cầu ngủ nghỉ, các khu nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm các dịch vụ giải trí chưa có nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối giữa Tây Ninh đi các tỉnh lân cận chưa thật sự thuận tiện. 

Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí ở Tây Ninh cũng chưa đa dạng. Các khu phố ẩm thực, chợ đêm hay các điểm vui chơi về đêm gần như vắng bóng. Đây chính là những nguyên nhân khiến du khách không có thêm lý do để nán lại lâu hơn.

Hồ Dầu Tiếng mùa nước cạn

Hồ Dầu Tiếng mùa nước cạn

“Tôi từng hỏi nhiều du khách, sao không ở lại Tây Ninh chơi và câu trả lời thường là tối không biết làm gì. Những chương trình tour tôi dẫn khách đến Tây Ninh hầu như chỉ gói gọn trong 1 ngày. Thỉnh thoảng cũng có những đoàn khách đi 2 ngày, nhưng chương trình tour khá tẻ nhạt. So với những điểm du lịch khác hầu như không cuốn hút bằng”, anh Võ Thanh Tú- hướng dẫn viên du lịch tự do tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.
Theo bà Bành Thu Thảo- Giám đốc Khu tổ hợp Sala (TP. Tây Ninh) và Khu vui chơi, công viên nước Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), có bốn lý do chính khiến khách không ở lại lâu tại Tây Ninh: thói quen du lịch ngắn ngày; thiếu hoạt động về đêm; dịch vụ lưu trú chưa đủ hấp dẫn; thiếu chuỗi trải nghiệm đồng bộ.
“Khách đến đông, nhưng nếu không có lý do để ở lại, họ sẽ vẫn rời đi nhanh chóng. Đây là bài toán Tây Ninh cần giải quyết sớm nếu muốn du lịch bứt phá”, bà Thảo cho biết thêm.