Nhìn vào sự phát triển du lịch của Tây Ninh những năm qua, không ai có thể phủ nhận sức hút ngày càng lớn của vùng đất thánh. Thế nhưng, nếu chỉ nhìn vào số lượt khách mà không quan tâm đến thời gian lưu trú hay mức chi tiêu, Tây Ninh sẽ mãi “giậm chân tại chỗ”, là điểm đến tham quan chớp nhoáng.
Cần tạo không gian trải nghiệm
Muốn giữ chân du khách, việc cần làm không chỉ đơn thuần là nâng cấp hạ tầng, tạo sản phẩm mới hay cải thiện dịch vụ; quan trọng hơn là phải tạo ra một không gian trải nghiệm đủ hấp dẫn, nơi du khách không chỉ tham quan mà còn muốn hoà mình vào nhịp sống, văn hoá và thiên nhiên Tây Ninh.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố Tây Ninh
Lâu nay, du lịch Tây Ninh vẫn thường xoay quanh các sản phẩm truyền thống như hành hương tâm linh, tham quan di tích lịch sử... Để biến “khách tham quan” thành “khách lưu trú dài ngày”, Tây Ninh cần tạo ra những trải nghiệm “chạm” đúng cảm xúc, sở thích của từng nhóm đối tượng.
“Tôi từng đi rừng Nam Cát Tiên và khi đến Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tôi ngạc nhiên vì cảnh quan không hề thua kém. Đường mòn xuyên rừng đẹp, cảm giác rất hoang sơ, nhưng đáng tiếc là không có nhiều chương trình khám phá chuyên sâu, tạo thêm trải nghiệm cho du khách. Các dịch vụ đi kèm cũng còn thiếu, nếu được đầu tư bài bản, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nhiều”- chị Ngô Thị Thảo Vân (TP. Hồ Chí Minh) - một du khách từng tham gia trekking tại đây chia sẻ.
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có tất cả những điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, nhưng dường như “nàng công chúa” vẫn cứ đang “ngủ yên”, bởi thiếu những sản phẩm đủ sức níu chân du khách. Nếu chỉ dừng lại ở những con đường mòn, vài điểm dừng chân quan sát rừng cây thì đâu có gì khác biệt so với một buổi dã ngoại thông thường? Trong khi nơi đây sở hữu hệ sinh thái phong phú với cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm, hệ động thực vật đa dạng và bầu không khí trong lành.
Nghệ nhân trình diễn nghề tráng bánh tráng
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với hồ Dầu Tiếng. Nhiều du khách trước khi đến đây đều háo hức, tưởng tượng về một điểm đến thơ mộng với hoạt động du lịch nhộn nhịp trên mặt hồ. Nhưng thực tế lại khiến họ có phần hụt hẫng. Anh Nguyễn Thanh Nhàn- hướng dẫn viên Công ty TNHH King Tour (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khách du lịch khi đến nơi chỉ thấy một mặt hồ mênh mông, không có gì ngoài phong cảnh tĩnh lặng. Chụp vài tấm hình kỷ niệm xong là họ muốn rời đi. Nếu có các tour trải nghiệm chèo thuyền, hoặc khám phá cuộc sống của ngư dân trên hồ, chắc chắn hồ Dầu Tiếng sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều”.
Hồ Dầu Tiếng và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đều là những viên ngọc quý của du lịch Tây Ninh, nhưng nếu không có chiến lược khai thác phù hợp, chúng sẽ mãi chỉ là những điểm dừng chân thoáng qua, thay vì trở thành điểm đến đáng nhớ đầy trải nghiệm. Đã đến lúc cần những bước đi mạnh mẽ hơn để đánh thức tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ, để du khách không chỉ đến một lần rồi thôi mà muốn quay lại và khám phá nhiều lần hơn.
Ngoài ra, sông Vàm Cỏ cũng là một tài nguyên du lịch quan trọng nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Đến nay, việc phát triển du lịch sông nước chỉ dừng lại ở... khảo sát. Nếu tập trung khai thác du lịch sinh thái kết hợp văn hoá bản địa, chắc chắn đây sẽ là một điểm nhấn giúp Tây Ninh hút khách.
Việc phát triển khu nghỉ dưỡng sinh thái, homestay gắn với trải nghiệm nông nghiệp là hướng đi phù hợp với xu hướng hiện nay. Du lịch nông nghiệp hay farmstay, hay làng nghề truyền thống là mô hình đầy hứa hẹn mà Tây Ninh chưa tận dụng hết tiềm năng.
Thăm các điểm farmstay, trang trại, vườn nông nghiệp như: vườn dâu tằm, trang trại dưa lưới, vườn mãng cầu sạch… có thể nhận thấy bước khởi đầu tích cực của loại hình du lịch này. Một số điểm đã bắt đầu thu hút du khách với mô hình tham quan trang trại kết hợp trải nghiệm thu hoạch nông sản, thưởng thức đặc sản tươi sạch ngay tại vườn. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư bài bản để trở thành sản phẩm du lịch chuyên nghiệp. Nhiều nơi chưa có các dịch vụ đi kèm như khu lưu trú tiện nghi, hoạt động trải nghiệm phong phú hay chương trình tương tác đặc sắc để giữ chân du khách lâu hơn.
Trong khi đó, các làng nghề truyền thống vẫn chưa được đưa vào khai thác hiệu quả theo hướng du lịch trải nghiệm, nơi du khách không chỉ đến xem mà còn có thể tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất, từ tráng bánh tráng, làm nhang, làm muối tôm, cho đến chế biến món ăn chay đặc trưng của Tây Ninh.
“Tây Ninh có lợi thế về nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên, tại sao chúng ta không quy hoạch những khu du lịch tiếp đón khách theo phong cách miệt vườn, thôn dã với không gian, món ăn miền quê để thu hút khách. Chúng ta phải ngồi lại cùng nhau xem xét quy hoạch khu vực nào, Nhà nước hỗ trợ được gì, người dân đầu tư những gì. Và phải có lộ trình quy hoạch cụ thể, trong thời gian 5-10 năm tới sẽ đạt những con số, kết quả ra sao. Chúng ta cần làm đồng loạt. Người dân muốn thực hiện và Nhà nước hướng dẫn, có quy hoạch để cùng làm. Hiện nay, đa phần người dân tự làm và vì thế vướng rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Trí Thuần- Giám đốc Daisy Tour (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) góp ý.
Lấp đầy mảnh ghép còn thiếu
Sức hút của một điểm du lịch không chỉ nằm ở ban ngày, mà còn được đo bằng nhịp sống sôi động khi màn đêm buông xuống. Hội An có phố cổ lung linh ánh đèn lồng, Đà Nẵng có những show trình diễn ánh sáng, TP. Hồ Chí Minh có phố Tây Bùi Viện, Hà Nội có phố đi bộ Hồ Gươm… Trong khi đó, Tây Ninh gần như... chẳng có gì.
Thực tế đã cho thấy, các mô hình kinh tế đêm như phố đi bộ, chợ đêm tại nhiều thành phố du lịch không chỉ giúp kéo dài thời gian lưu trú mà còn mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Tây Ninh hoàn toàn có thể học hỏi và xây dựng mô hình riêng, vừa phù hợp với bản sắc văn hoá, vừa tạo điểm nhấn đặc trưng cho du lịch tỉnh nhà.
Tuy nhiên, đến nay, tỉnh vẫn chưa có nhiều lựa chọn vui chơi, giải trí về đêm. Du khách sau khi tham quan các điểm đến chính hầu như không biết đi đâu, làm gì vào buổi tối. Một số mô hình đã được triển khai như chợ đêm thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành đều không đạt như kỳ vọng, chưa đủ hấp dẫn để trở thành điểm đến thực thụ.
Đờn ca tài tử cải lương Tây Ninh sẽ là loại hình nghệ thuật đầy tiềm năng để đưa vào khai thác du lịch
Theo bà Lê Thị Như Oanh- Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hương Sen Việt (TP. Tây Ninh), Tây Ninh buổi tối có thể kết hợp những tour du lịch buổi chiều muộn để đưa du khách tham quan Toà thánh, chùa Thiền Lâm - Gò Kén. Hoặc cho khách sinh hoạt tự do, dạo chơi ở khu vực rạch Tây Ninh để tham quan nhà cổ hơn 120 năm, ngắm hoàng hôn và thưởng thức ẩm thực, hàng quán vỉa hè. Nếu khách lưu trú 2 đêm, đêm thứ 2 sẽ bố trí chơi lửa trại với bữa tiệc nướng ngoài trời.
Muốn kinh tế đêm thực sự phát huy hiệu quả, cần quy hoạch bài bản hơn, biến các khu phố đi bộ, chợ đêm thành không gian giao thoa văn hoá, nơi du khách có thể thưởng thức ẩm thực Tây Ninh, xem biểu diễn nghệ thuật đường phố, các loại hình di sản như đờn ca tài tử, múa trống Chhay-dăm... Phải có một khu phố ẩm thực chuyên nghiệp, một chợ đêm bài bản hay một sân khấu ngoài trời với các chương trình văn hoá đặc sắc mới đủ sức níu chân du khách.
Người dân và du khách đều đang mong chờ một không gian Tây Ninh thực sự sôi động về đêm, được đầu tư chỉn chu, bài bản. Một khi kinh tế đêm phát triển đúng hướng, Tây Ninh sẽ không chỉ thu hút bởi cảnh quan ban ngày mà còn hấp dẫn du khách ở lại tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm vào ban đêm.