.

Du lịch Tây Ninh đang đứng trước yêu cầu phải chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là cần một tầm nhìn dài hạn, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái du lịch “xanh”, bền vững.

 Một cánh én không làm nên mùa xuân

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra, nhiều giải pháp đã được ngành chức năng đề xuất và từng bước triển khai: từ thu hút đầu tư vào hệ thống khách sạn 3-5 sao, khu nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm mua sắm, giải trí đến phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng, sinh thái, nông nghiệp… Tỉnh còn tập trung xây dựng các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, sản phẩm du lịch đêm có quy mô và chiều sâu, hướng đến mục tiêu giữ chân du khách qua đêm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu bình quân.

Du khách tham quan vườn mãng cầu sạch ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu

Du khách tham quan vườn mãng cầu sạch ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu

“Từ năm 2024, ngành du lịch tỉnh nhà đã có nhiều động thái mới. 26 chương trình du lịch được xây dựng và khai thác, gắn với 10 nhóm sản phẩm đặc trưng, trong đó có du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống và các điểm tham quan làng nghề, mua sắm sản phẩm OCOP. Những tour liên kết với Bình Phước theo chủ đề “Một cung đường - Hai điểm đến” cũng đã khởi động, mở ra hướng đi mới trong kết nối du lịch vùng. Nhờ hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, Tây Ninh thu hút hơn 6.000 khách du lịch trong, ngoài tỉnh và khoảng 200 lượt khách du lịch quốc tế đến tham gia các chương trình du lịch này trong năm 2024”, bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết.

Để thay đổi quan niệm Tây Ninh chỉ có núi Bà, Toà thánh, hồ Dầu Tiếng; tăng cường quảng bá làng nghề truyền thống, di tích cổ hàng ngàn năm tuổi, sản phẩm nông nghiệp sạch mang đậm bản sắc địa phương… rất cần sự đồng lòng của cả cơ quan chức năng lẫn người dân. Và, quan trọng hơn là một cuộc chuyển biến từ nhận thức đến hành động để Tây Ninh hiện lên trong mắt du khách như một điểm đến đầy cuốn hút.

Theo bà Lê Thị Như Oanh- Phó Giám đốc Công ty du lịch Hương Sen Việt (TP. Tây Ninh), thay vì tập trung vào các điểm đã quá quen thuộc như núi Bà Đen, đơn vị lữ hành của bà chú trọng đa dạng hoá sản phẩm bằng cách đưa làng nghề, di sản văn hoá, tín ngưỡng vào tour, tuyến. Những tour khám phá nghề làm bánh tráng phơi sương kết hợp ẩm thực và tham quan chùa cổ, tháp cổ ở Trảng Bàng; tìm hiểu nghề làm muối ớt, làm nhang truyền thống tại các xã vùng ven… đã bước đầu cho thấy hiệu ứng tích cực từ du khách.

Còn ông Huỳnh Vương Trung- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, trăn trở lớn nhất hiện nay là Tây Ninh có quá ít những khu vui chơi vệ tinh có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. Trong đó, trở ngại của những người muốn đầu tư cho du lịch là việc thiếu quỹ đất. Nếu có sự vào cuộc, hỗ trợ từ chính quyền trong công tác quy hoạch và điều phối quỹ đất, việc xây dựng các khu vệ tinh du lịch, kết nối giữa trung tâm và vùng ven sẽ trở nên khả thi hơn rất nhiều.

 Kể câu chuyện đặc sản quê mình

Trong bối cảnh du lịch toàn cầu ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững và thân thiện với môi trường, Tây Ninh đang định hình trở thành một điểm đến “xanh” hấp dẫn. Với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và văn hoá bản địa đặc sắc, tỉnh nhà xác định chiến lược phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường và phát huy giá trị cộng đồng.​

Đời sống và văn hoá đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh là tiềm năng phát triển du lịch

Đời sống và văn hoá đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh là tiềm năng phát triển du lịch

Từ cách nghĩ mới về nông nghiệp sạch, một mô hình ở Tân Châu có thể xem như định hình trong việc tiếp cận “du lịch xanh” tại Tây Ninh. Đó là vườn dâu tằm Ba Phong của ông Nguyễn Thanh Vũ- áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, trồng hơn 1.000 gốc dâu tằm cùng nhiều loại cây ăn trái, tạo nên một môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn.

Không chỉ có vườn Ba Phong, tại nhiều huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, canh tác sạch, kết hợp dịch vụ tham quan, trải nghiệm như: vườn nho rừng, trang trại dưa lưới, trồng nấm… Đây là những “vệ tinh” đầy tiềm năng nếu được đầu tư đúng hướng, có thể trở thành những điểm đến sinh thái độc đáo, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch và định vị rõ hơn hình ảnh một Tây Ninh xanh, thân thiện và đáng nhớ trong lòng du khách.

Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin các điểm đến tỉnh Tây Ninh

Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin các điểm đến tỉnh Tây Ninh

“Muốn Tây Ninh trở thành “điểm đến xanh”, phải cụ thể hoá từng không gian, từng sản phẩm, từng trải nghiệm. Từ quy hoạch homestay, farmstay, các khu sinh thái đến cách làm truyền thông, tổ chức tour, tất cả phải cùng chung một định hướng. Sự thay đổi trong đầu tư có thể làm cho du khách phải ngạc nhiên vì thích thú, thu hút họ quay trở lại nhiều lần hơn nữa”, bà Lê Thị Như Oanh- Phó Giám đốc Công ty Hương Sen Việt (TP. Tây Ninh) bày tỏ.

Ở Tây Ninh, những làng nghề như làm bánh tráng phơi sương, muối ớt, làm nhang hay các di sản văn hoá phi vật thể (múa trống Chhay-dăm, đờn ca tài tử, nghệ thuật chế biến món chay…) không chỉ là tài nguyên mà còn là hồn cốt của địa phương. Và những giá trị đó chỉ thật sự được “kích hoạt” khi người dân trở thành “người kể chuyện”, giới thiệu những nét đặc sắc nhất của quê hương mình, mang lại cho du khách những trải nghiệm khi hoà vào nếp sống của cư dân địa phương. Đây mới chính là điều khiến bước chân du khách quay trở lại.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động gắn kết cộng đồng và phát huy bản sắc địa phương thông qua việc thành lập nhiều câu lạc bộ chuyên môn như: hướng dẫn viên du lịch, đờn ca tài tử cải lương, ẩm thực, múa trống Chhay-dăm, múa gáo dừa, đàn ngũ âm; đồng thời mời gọi các KOL, YouTuber, TikToker cùng tham gia nhằm tăng cường hoạt động truyền thông du lịch trên nền tảng số… Đặc biệt, các CLB tiếng Anh và tiếng Trung cũng sẽ được triển khai để hỗ trợ đón tiếp khách quốc tế. Song song đó, Hiệp hội cũng đang xây dựng bộ Cẩm nang du lịch Tây Ninh với nội dung phong phú về con người, văn hoá, ẩm thực và đặc biệt là tín ngưỡng đạo Cao Đài để góp phần định hình những câu chuyện du lịch riêng có của tỉnh nhà.

Với Tây Ninh, hướng đi này không chỉ phù hợp với tiềm năng giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân, từ đó, trở thành điểm đến hấp dẫn và phát triển du lịch một cách bền vững.

Kiến trúc Toà thánh Cao Đài Tây Ninh là nét độc đáo thu hút du khách

Kiến trúc Toà thánh Cao Đài Tây Ninh là nét độc đáo thu hút du khách