Tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh, Khoa Lão là khoa lâm sàng thực hiện điều trị bệnh cho người cao tuổi (NCT). Trong đó, Khoa điều trị nội khoa tích cực, toàn diện các bệnh cấp tính, mạn tính kết hợp Y học cổ truyền - Y học hiện đại và phục hồi chức năng, kiểm soát bệnh và nguy cơ liên quan; thực hiện tâm lý trị liệu, chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc cơ bản, tái hoà nhập cộng đồng.
Khoa còn thực hiện phục hồi chức năng để hạn chế sự tàn phế về thể chất, nhận thức và hành vi, đặc biệt là sau giai đoạn cấp, phục hồi chức năng di chứng sau tai biến ngăn chặn tình trạng phụ thuộc; duy trì hoặc khôi phục lại khả năng sống độc lập, sự hoà nhập xã hội của NCT, nâng cao công tác phòng bệnh cho NCT.
Bên cạnh đó, Khoa nghiên cứu khoa học, ứng dụng nghiên cứu khoa học vào công tác phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng; tiếp cận và đánh giá người bệnh một cách toàn diện để bảo đảm người bệnh được chăm sóc điều trị đa bệnh lý, vừa điều trị vừa hướng dẫn về chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Đối tượng điều trị tại khoa là NCT mắc nhiều bệnh mạn tính cần điều trị cùng lúc, có các hội chứng lão khoa đặc trưng như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, nguy cơ tai biến; người bệnh cao tuổi cần chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc và điều trị các di chứng bệnh.
Theo bác sĩ CKII Võ Thanh Long- Giám đốc Bệnh viện, tiền thân của Khoa Lão là Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực. Nhưng do đặc thù của bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh mạn tính nên nhu cầu về cấp cứu không cao, Khoa Hồi sức cấp cứu không hiệu quả với mô hình hoạt động của bệnh viện nên được thu hẹp lại thành Phòng cấp cứu để thực hiện nhiệm vụ khi có bệnh trở nặng, chuyển bệnh. Khoa Lão được thành lập và hoạt động với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Y tế.
Theo bác sĩ Võ Thanh Long, bệnh nhân đến bệnh viện thường điều trị phục hồi chức năng là chủ yếu, trong đó có nhiều bệnh nhân lớn tuổi nên việc thành lập Khoa Lão là đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Trước đây, những bệnh nhân lớn tuổi được tiếp nhận và nằm điều trị ở buồng bệnh cho NCT tại các khoa lâm sàng, tất nhiên, như vậy sẽ không được tập trung điều trị tốt.
Khi mới thành lập, Khoa lão Bệnh viện Y dược cổ truyền có 20 giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân, có 3 bác sĩ phụ trách và được tập trung các thiết bị y tế để phục vụ chuyên khoa.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Luật Người cao tuổi, chính sách đối với NCT năm 2024, Bệnh viện Y dược cổ truyền đã tiếp nhận 214 lượt người nhập viện với tổng số hơn 4.300 ngày điều trị. Bệnh viện thực hiện hơn 2.500 lượt châm cứu và hơn 8.300 lượt phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và các phương pháp y học cổ truyền. Khoa Lão Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho NCT bằng các phương pháp y học cổ truyền như: châm cứu, phục hồi chức năng và vật lý trị liệu. Trong quý I năm 2025, Khoa thực hiện đạt trên 200% các chỉ tiêu đề ra về số lượt châm cứu và số lượt phục hồi chức năng, vật lý trị liệu.
Ông Vũ Nghị, 77 tuổi, ngụ xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, điều trị tại Khoa Lão Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh được một tháng cho biết, trước khi vào viện ông không đi lại được, sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân. Đến nay, sau một tháng điều trị, dùng thuốc bắc, châm cứu và tập vật lý trị liệu, ông có thể sinh hoạt cá nhân, ăn uống, đi lại được.
Hơn một năm nay, ông Nguyễn Thành Tâm, 75 tuổi, ngụ thị xã Trảng Bàng gần như đã coi bệnh viện, Khoa Lão là nhà. Ông Tâm bị viêm đa khớp thời gian dài, nhờ người quen giới thiệu, ông đến bệnh viện để điều trị. Đến nay, ông Tâm đã xem đây như là ngôi nhà thứ hai vì không gian thoải mái và luôn được chăm sóc ân cần, chu đáo.
Là những người trực tiếp chăm sóc cho NCT tại khoa, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng luôn tận tâm, hết mình vì bệnh nhân. Bác sĩ CKI Nội tổng quát Đặng Kim Nhung- Trưởng Khoa Lão chia sẻ, vì người lớn tuổi sẽ khó tính hơn nên mọi người luôn mềm mỏng, nhẹ nhàng với bệnh nhân khi tiếp cận thực hiện điều trị. Để đáp ứng công tác, bác sĩ Nhung cũng như những nhân viên của Khoa thường xuyên được tập huấn nâng cao chuyên môn, học thêm về phục hồi chức năng để phục vụ bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Võ Danh Y- công tác tại khoa nói: “Mới đây, có một bệnh nhân bị biến chứng bệnh đái tháo đường gây sụp mi mắt, mắt không mở lên được. Theo nhận định của chúng tôi, bệnh này cần điều trị trong một thời gian dài từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, mới gần hai tháng điều trị tại Khoa thì bệnh cải thiện nhanh chóng, bệnh nhân mở được mắt nên vui lắm. Với chúng tôi, việc điều trị để bệnh nhân mau khỏi bệnh, phục hồi và cải thiện tốt, sớm đi lại được là niềm vui lớn”.
Bài, ảnh: Ngô Tuyết
Thiết kế: Ngọc Trâm