Nhìn lại tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học chỉ ra, có ba xu hướng vận động chính ở ba thời kỳ phát triển của nền văn học. Từ đầu thế kỷ XX đến 1945, văn học vận động theo hướng hiện đại hoá, và đó là đặc điểm bao trùm toàn bộ nền văn học thời kỳ này, làm nên sự thay đổi cơ bản về phạm trù văn học từ trung đại sang hiện đại. Trong ba mươi năm tiếp theo từ 1945 đến 1975, có thể nói đại chúng hoá và cách mạng hoá là xu hướng vận động cơ bản của nền văn học cách mạng trong hoàn cảnh chiến tranh. Cũng từ sau năm 1975, nhất là từ giữa những năm 80 trở đi, dân chủ hoá là xu thế lớn của xã hội và trong đời sống tinh thần của con người, cũng đó trở thành xu hướng vận động bao trùm của nền văn học. Xu hướng tất yếu ấy của lịch sử đã được thể hiện trong đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), với tinh thần “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật” đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hoá trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ. Dân chủ hoá đã thấm sâu và được thể hiện ở nhiều cấp độ và bình diện của đời sống văn học, trên bình diện ý thức nghệ thuật đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hoá của các quan niệm về vai trò, vị trí, và chức năng của văn học, về nhà văn và quan niệm về hiện thực. Văn học trong giai đoạn trước chủ yếu được nhìn nhận như là vũ khí tư tưởng của cách mạng, phục vụ cho mục tiêu và đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Văn học thời nay cũng không hề từ bỏ vai trò vũ khí tinh thần - tư tưởng của nó, nhưng nó được nhấn mạnh trước hết ở sức mạnh khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, ở vai trò dự báo, dự cảm. Trong xu hướng dân chủ hoá của xã hội, văn học cũng là một phương tiện cần thiết để tự biểu hiện, bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của mỗi nghệ sĩ về xã hội và con người.
Văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng mà cũng có thể và cần phải là phát ngôn của mỗi cá nhân. Không chỉ kinh nghiệm cộng đồng mới được coi trọng mà cũng cần đến kinh nghiệm cá nhân để làm giàu thêm cho nhận thức của mỗi người và toàn xã hội. Trong một nền văn học hướng tới tinh thần dân chủ, đòi hỏi và có thể thừa nhận tư tưởng riêng, cái nhìn riêng của mỗi người thì người viết dù rất tin và muốn bênh vực cho những tín niệm của mình cũng không thể không biết đến những tư tưởng và quan niệm khác. Mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc cũng thay đổi theo hướng dân chủ hoá, bình đẳng hơn để người đọc thực sự được tôn trọng, được quyền làm chủ. Nhà văn không cũng là người độc quyền ban bố, phán truyền các chân lý không thể bàn cãi, bởi nó là tư tưởng chung, là mục tiêu cao cả của cả cộng đồng (nhưng cũng chính vì thế mà rất ít khi tư tưởng trong tác phẩm là tư tưởng riêng của nhà văn).
Cùng với những thay đổi trong quan niệm về nhà văn thì quan niệm về hiện thực như là đối tượng phản ánh, khám phá của văn học cũng được mở rộng và mang tính toàn diện. Hiện thực không chỉ là hiện thực cách mạng, các biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà đó cũng là hiện thực của đời sống hằng ngày với các quan hệ thế sự vốn dĩ đa đoan đa sự, phức tạp chằng chịt, đan dệt nên những mạch nổi, mạch ngầm của đời sống. Hiện thực đó cũng là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận, nhân cách, với khát vọng mọi mặt, cả hạnh phúc và bi kịch. Hiện thực đời sống trong tính toàn vẹn của nó đã mở ra những không gian vô tận cho văn học thoả sức chiếm lĩnh, khám phá, khai vì.
Một số tác phẩm văn học nổi tiếng sau năm 1975
Xu hướng dân chủ hoá của văn học không chỉ thể hiện ở các quan niệm, nó đã thâm nhập và được biểu hiện ra trên nhiều bình diện của sáng tác, từ hệ đề tài, các kiểu kết cấu và mô-típ chủ đề, cốt truyện, nhân vật cho đến giọng điệu và ngôn ngữ, nghệ thuật trần thuật. Xu hướng dân chủ hoá đã đưa đến sự nở rộ của các phong cách, bút pháp, bộc lộ hết mình các cá tính sáng tạo của nhà văn cùng với việc ra sức tìm kiếm, thử nghiệm nhiều hình thức và thủ pháp thể hiện mới kể cả tiếp thu và vận dụng những yếu tố của các trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây.
Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến tiếp liền sau đó đã khơi dậy và phát triển đến cao độ ý thức cộng đồng mà cốt lõi là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Nền văn học cách mạng suốt ba mươi năm từ 1945 đến 1975 đã được xây dựng và phát triển trên nền tảng tư tưởng ấy. Cảm hứng chủ đạo của nền văn học là chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ sau 1975, khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với nhiều vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biến động, đổi thay của xã hội. Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận.
Sự thức tỉnh trở lại ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm đổi thay quan niệm về con người. Văn học ngày càng đi tới một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người mà nền tảng triết học và hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng nhân bản. Con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Con người trong văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ: con người xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình gia tộc, con người với phong tục, với thiên nhiên, với những người khác với chính mình... Con người cũng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát.
Xu hướng dân chủ hoá và sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã đưa tới sự phát triển phong phú, sôi nổi đa dạng của văn học từ sau năm 1975, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới của đất nước. Sự đa dạng và phong phú được thể hiện trên nhiều bình diện của văn học: đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nhiều tìm tòi về thủ pháp nghệ thuật, đa dạng về phong cách và khuynh hướng thẩm mỹ. Khu vườn văn học ngày nay là một cảnh tượng rất đa sắc màu, hương vị, nhiều dáng vẻ thậm chí có cả những hiện tượng kỳ dị, lạ lùng. Nhưng sự phong phú, đa dạng cũng đi liền với tính phức tạp và không ổn định.
Nhiều khuynh hướng tìm tòi chỉ rộ lên trong một khoảng thời gian ngắn ngủi rồi tắt lịm, thị hiếu của công chúng không thuần nhất và cũng luôn biến động, các thể loại cũng thăng trầm trồi sụt khá bất thường. Sự phức tạp và không ổn định này là đặc điểm tất yếu của một giai đoạn văn học mang tính giao thời, nhưng cũng còn do một nguyên nhân rất cơ bản nữa, đó là sự chi phối của cơ chế thị trường. Văn học tất yếu phải thành một sản phẩm hàng hoá trong một nền kinh tế thị trường, điều đó vừa có tác động thúc đẩy sự phát triển văn học, vừa có nhiều tác động tiêu cực khó tránh khỏi đối với cả sáng tác lẫn xuất bản, phê bình và công chúng.
Trong xu thế hội nhập, sự giao lưu với đời sống văn hoá và văn học thế giới ngày càng mở rộng, cùng với những nhu cầu nội tại của đời sống văn hoá tinh thần trong nước, văn học đã ngày càng gia tăng tính hiện đại. Văn xuôi có nhiều đổi mới về nghệ thuật tự sự, từ sự thay đổi điểm nhìn trần thuật đến xây dựng nhân vật, độc thoại nội tâm và dòng ý thức, tính đa thanh và đa giọng điệu...
(còn tiếp)
Bài, ảnh: VIỆT ĐÔNG
Thiết kế: Ngọc Trâm