Thế giới Bồ Đề viên trên đỉnh núi Bà Đen. Đây là vườn Bồ Đề độc nhất của Việt Nam
Trên đỉnh núi Bà Đen, 108 cây bồ đề được trồng tại Thế giới Bồ Đề viên, mỗi cây được đánh số riêng, gắn liền với tên một quốc gia tham dự Ðại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam. Nghi lễ trồng bồ đề được thực hiện bởi các cao tăng, lãnh đạo các phái đoàn Phật giáo từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Ðây là vườn bồ đề đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam.
Trong văn hoá Phật giáo, cây bồ đề chính là loài cây Pipphala linh thiêng của người Ấn Ðộ. Dưới bóng cây Pipphala, vào đêm trăng tròn tháng Vesakha, tại khu rừng Uruvela bên bờ sông Ni Liên Thiền (Naranjana)- một dòng sông quan trọng trong truyền thuyết Phật giáo, nơi Đức Phật ngồi thiền trong suốt 49 ngày đêm và đã thành đạo, chứng quả vị Phật. Ngày nay, con sông này có tên là Lilajan, rộng hơn 1km, khô cạn vào mùa nắng và chảy mạnh vào mùa mưa.
Trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, cây bồ đề vẫn vững chãi tồn tại và phát triển ngay phía sau tháp Ðại Giác cao 51m tại Bồ Ðề đạo tràng, được dựng từ thế kỷ I Công nguyên.
Tại Thế giới Bồ Đề viên, 108 cây bồ đề được thỉnh từ Bồ Ðề đạo tràng được trang trọng trồng xuống, như biểu tượng của sứ giả hoà bình, trí tuệ và tỉnh thức, kết nối các quốc gia. Đây cũng là dấu ấn của Ðại lễ Vesak 2025.
Tham dự lễ trồng cây, Hoà thượng Thích Minh Thiện- Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An chia sẻ: “Chúng ta nên hiểu, trồng cây bồ đề ở đỉnh núi Bà Đen là để gửi đến mọi người khi về tham quan, chiêm bái sẽ nhớ hướng về cái tâm, nhớ về lịch sử của Đức Phật. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một vườn trồng 108 cây bồ đề của 85 quốc gia, vùng lãnh thổ”.
Ông chia sẻ thêm, 108 cây bồ đề được vun trồng bởi những vị cao tăng, những vị lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới với tất cả lòng hiếu kính. Chủ đề của Vesak 2025 là tôn trọng nhân phẩm, mọi người phát huy tinh thần từ bi và trí tuệ. Do đó, 108 cây bồ đề như đại diện cho ước nguyện mọi người phải cùng thương yêu lấy nhau, hãy bảo vệ lấy nhau và hãy xây dựng hạnh phúc bằng từ bi và trí tuệ.
Tại Tây Ninh, trên “nóc nhà Nam bộ”, không gian của quảng trường Tây Bổ Đà Sơn lung linh, huyền diệu bởi nghi thức tâm linh ý nghĩa. Hơn 2.000 hoa đăng được thắp sáng vào tối 8.5, cùng những lời nguyện cầu tốt đẹp, sự kết nối kỳ diệu giữa tâm linh và lòng nhân ái, để cùng lan toả thông điệp hoà bình và từ bi, hoà hợp, bao dung, không ai bị bỏ lại phía sau.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chọn núi Bà Đen là một trong những điểm đến của Vesak 2025. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung”, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu- Uỷ viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định.
Nhận lời mời từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đến tham dự Đại lễ Vesak 2025, thay mặt phái đoàn của chư tôn Liên minh Phật giáo nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Hoà thượng Maha Veth Masaenai- Phó Chủ tịch Thường trực chia sẻ: “Tôi thật vinh dự khi được cung nghinh xá lợi Đức Phật và tôn trí nơi núi Bà Đen, để bà con thập phương đến chiêm bái. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong lòng phật tử, núi Bà Đen có một năng lượng rất tốt, không khí trong lành”.
So sánh cảm nhận khi đến núi Bà Đen- Tây Ninh, Tiến sĩ Arunjyoti Bhikkhu cho biết núi Bà Đen rất giống với khu vực Rajgir, gần Nalanda của Ấn Độ, với ngôi chùa về Hoà Bình (Buddha's Peace Pagoda). “Nơi đây sẽ là điểm đến Phật giáo nổi tiếng và chúng tôi rất vinh hạnh khi được đến nơi này. Cầu mong tất cả người Việt Nam và người dân tỉnh Tây Ninh luôn được hạnh phúc”.
Giữa không gian của ngọn núi thiêng, ánh sáng huyền diệu của hàng ngàn ngọn nến là lời kinh cầu nguyện trầm ấm, tạo nên một năng lượng cộng hưởng mạnh mẽ, lan toả thông điệp hoà bình, đoàn kết và yêu thương. Đây không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là một sự kiện văn hoá mang đậm tính nhân văn, thể hiện khát vọng hoà bình của người dân Việt Nam và phật tử trên toàn thế giới.
Thay mặt cho Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak, Hoà thượng GS.TS Phra Brahmapundit trân trọng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn đại biểu hội tụ tại đỉnh núi Bà Đen. “Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 thành công, thể hiện thiện chí, tinh thần nghiêm túc trong việc đăng cai tổ chức của Việt Nam. Núi Bà Đen Tây Ninh là một điểm hẹn ý nghĩa, nơi chúng ta tìm thấy sự an lạc về xã hội, kinh tế, môi trường, tinh thần và tình bằng hữu, các quan hệ hợp tác”- Hoà thượng GS.TS Phra Brahmapundit (Thái Lan)- Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) nhận định.
Đông đảo tăng ni, phật tử và người dân đã có mặt dưới chân tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn chờ tới giờ chiêm bái xá lợi Phật. Ảnh: Châu Tâm