.

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) trở thành “địa chỉ đỏ” được nhiều bạn trẻ lựa chọn đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Biệt động Sài Gòn - Gia Định: đội quân sinh ra từ nhân dân

Ra đời từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định với nhiệm vụ chủ yếu đánh vào các mục tiêu trọng yếu, đầu não chỉ huy, căn cứ, kho tàng chiến lược của địch. Cán bộ, chiến sĩ biệt động sống hợp pháp trong thành phố, được biên chế chặt chẽ và hết sức bí mật, được huấn luyện và trang bị vũ khí phù hợp với tác chiến trong nội đô. Đó là những chiến sĩ với ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, không hề khuất phục trước kẻ thù xâm lược dù cho phải bị đòn roi, tra tấn dã man, dù cho có phải hy sinh tính mạng. Lực lượng ấy đã tung hoành ngay giữa Sài Gòn, lập nên biết bao chiến công hiển hách.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Sài Gòn - Gia Định đã “đi trước” một bước, hoàn thành xuất sắc công tác chuẩn bị lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cho đến trước cuộc Tổng tiến công, riêng trong nội thành đã có 11 đội biệt động cấp Thành phố, 50 đội biệt động cấp quận, huyện và của các đoàn thể, nhiều tổ tự vệ, du kích mật.

Biệt động Sài Gòn - Gia Định là đội quân sinh ra từ nhân dân, điển hình của lực lượng vũ trang nhân dân. Các chiến sĩ biệt động và lực lượng tham gia công tác bảo đảm vốn xuất thân từ con em lao động, học sinh, sinh viên, những tiểu thương, nghệ sĩ, công chức, mang trong mình khát vọng độc lập tự do, tự nguyện hiến dâng cuộc sống của mình cho cách mạng. Tham gia vào biệt động tức là đối diện với cái chết, đối diện với tù ngục, nhưng các chiến sĩ vẫn một lòng sắt son theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn.

Trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dù phải chịu sự tổn thất to lớn, song các trận đánh vào cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh của địch do lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thực hiện đã gây tiếng vang lớn, làm rúng động cả thế giới, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, cổ vũ, thôi thúc khí thế chiến đấu của quân và dân ta.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định: Nơi lưu giữ ký ức của một thời hào hùng

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8.2023, là bảo tàng ngoài công lập ở TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Cờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được treo ở tầng 2 bảo tàng

Cờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được treo ở tầng 2 bảo tàng

Ngôi nhà tại số 145 Trần Quang Khải được xây dựng vào năm 1963, giữa thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn cam go. Từ đó, nơi đây không chỉ là một căn nhà ba tầng thông thường mà còn là điểm hội họp, trao đổi thông tin và triển khai các nhiệm vụ bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Ngôi nhà nằm trong hệ thống các cơ sở ngầm của lực lượng Biệt động, có vai trò hỗ trợ nhiều chiến dịch lớn, cung cấp tài liệu, tiền bạc, và nhu yếu phẩm để duy trì sức mạnh của quân đội tại chiến khu. Dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngôi nhà trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các chiến sĩ Biệt động - những người âm thầm chiến đấu vì tự do và độc lập của dân tộc.

Sau năm 1975, ngôi nhà trải qua nhiều biến động: nó được chia thành ba phần và bán lại cho nhiều người khác nhau. Tuy nhiên, gia đình ông Năm Lai đã nỗ lực để mua lại phần trệt và hai tầng còn lại nhằm giữ nguyên giá trị lịch sử của ngôi nhà.

Từ năm 2019, anh Trần Vũ Bình, con trai của ông Năm Lai cùng gia đình đã bắt tay vào việc thu thập hiện vật, phục dựng căn nhà nhằm tái hiện không gian và hình ảnh của một lực lượng đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến khốc liệt.

Với diện tích hơn 100 mét vuông, bảo tàng trưng bày hơn 100 hiện vật lịch sử, từ các đồ vật quen thuộc như bàn ghế, tủ kệ cho đến những tài liệu quý giá về Biệt động Sài Gòn.

Bước chân vào không gian Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bạn sẽ như được sống lại một phần lịch sử với những dấu ấn đầy tự hào của lực lượng Biệt động. Đó là chiếc thang máy kiểu cổ từ những năm 1960- một kiệt tác lưu giữ ký ức thời gian được chạm trổ hoa văn tinh xảo; là chiếc xe đạp Solex giúp nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ vượt qua nhiều đoạn đường nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ…; hay chiếc máy đánh chữ cũ kỹ từng được sử dụng để soạn thảo các tài liệu mật trong những năm kháng chiến.

Đó còn là những đồ vật tưởng chừng đơn giản, như lon sữa Guigoz rỗng được các chiến sĩ dùng để giấu tài liệu hoặc đồ vật nhỏ nhằm che mắt những kẻ giám sát mà không gây nghi ngờ. Những lon sữa này gợi lại một thời kỳ khó khăn nhưng đầy sáng tạo của người dân Sài Gòn, khi mỗi đồ vật bình thường đều có thể trở thành công cụ trong cuộc chiến vì tự do…

Hiếu Nhân- sinh viên Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em biết đến cụm từ “Biệt động Sài Gòn” khi được xem bộ phim nổi tiếng cùng tên của đạo diễn Long Vân. Tuy nhiên, thực sự rất khó hình dung cụ thể về Biệt động Sài Gòn - Gia Định, dù chúng em được nghe, được học lịch sử nói về lực lượng đặc biệt này. Vì vậy, khi biết có bảo tàng chuyên đề này, nhóm bạn em đã rủ nhau đến để tìm hiểu, tham quan”.

Thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định không chỉ là chuyến đi về quá khứ mà còn là hành trình khám phá và tôn vinh tinh thần bất khuất của dân tộc. Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi, mang đầy tính chất huyền thoại của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

“Những hiện vật, tư liệu trưng bày trong bảo tàng giúp em hình dung rõ nét hơn, cụ thể hơn về tài năng, mưu trí, sự quả cảm, hy sinh của các chiến sĩ biệt động năm xưa. Họ đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh để cống hiến cho cách mạng, cho khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”- một bạn trẻ đang tham quan bảo tàng cho biết.

Chiếc xe đạp Solex giúp nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ vượt qua nhiều đoạn đường nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ

Chiếc xe đạp Solex giúp nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ vượt qua nhiều đoạn đường nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ