Thực ra, nhận định của các chuyên gia trong, ngoài nước hoàn toàn không có gì sai. Vì lẽ, không nói gì xa xưa, mới ở thời điểm họ đến lập quy hoạch, phía trong các đường phố đẹp đẽ, sung túc như 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thái Học, Hoàng Lê Kha… vẫn còn lõm bõm mấy khoảnh rừng chồi, vườn cao su, nhà thôn dã xen lẫn những nấm mộ cũ. Tình trạng này trong bản Quy hoạch được gọi là “hiệu ứng bánh rán” khi các đường phố mới được thi công ở các đô thị đang phát triển nhưng không đồng bộ.
Điều này cũng không có gì lạ khi nhìn lại quá khứ, và nhìn rộng ra một chút, không chỉ ở Tây Ninh mà ở cả “lục tỉnh Nam kỳ” thời Pháp thuộc. Ở toàn cõi Đông Dương, toàn lãnh thổ Nam kỳ - thuộc địa “Pháp quốc hải ngoại”, chỉ có duy nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh là Tây Ninh không có đô thị tỉnh lỵ. Vì mãi đến năm 1942, chính quyền thuộc Pháp mới cho tách một khu vực “thị tứ nhất” của ba “làng lâm phần” Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh để thành lập xã Thái Hiệp Thạnh, nơi thực dân Pháp đã có xây dựng một vài công thự như toà bố, thành săng-đá để các công chức chính quyền làm việc, binh lính đóng quân và một chiếc cầu bê tông gọi là cầu Quan bắc qua rạch Tây Ninh mà cả trăm năm, từ thời Pháp thuộc sang thời Mỹ xâm lược, mặc nhiên được xem như hình ảnh biểu tượng của “thị xã” Tây Ninh. Tuy vậy, cho đến ngày nay, vẫn không ai tìm thấy một tài liệu nào cho biết thực trạng đời sống kinh tế - xã hội của “vùng thị tứ” Thái Hiệp Thạnh khi mới thành lập, chỉ thấy một con số còn ghi trong lịch sử thành phố Tây Ninh trước năm 1942, trong thập niên 1930 dân số khu vực này là 3.700 người.
Thực sự trong suốt thời gian tỉnh Tây Ninh bị tạm chiếm, chính quyền chế độ cũ chưa bao giờ thành lập một thị xã làm tỉnh lỵ ở Tây Ninh. Chỉ có chính quyền cách mạng, tức cơ quan hành chính kháng chiến của tỉnh thời chống thực dân, đế quốc thành lập “thị xã Tây Ninh” vào năm 1950 một thời gian ngắn, đến 1954 mới thành lập lại Thị xã với bộ máy chính quyền, đơn vị quân sự đóng căn cứ trong rừng, bên ngoài vùng thị tứ, để chỉ đạo phong trào nội thị ở xã Thái Hiệp Thạnh, thuộc quận Châu Thành, sau đổi tên thành quận Phú Khương của chế độ cũ vào năm 1959. Sau ngày giải phóng 30.4.1975, chính quyền cách mạng tiến vào “quân quản” thị xã Tây Ninh nhưng vẫn giữ cơ cấu hành chính như thời chiến gồm 3 vùng (1, 2, 3) cùng với 1 xã vùng ven (Bình Minh) với dân số khoảng 15.000 người. Dân cư thị xã lúc này chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ và làm nông với một ít ruộng, rẫy ở vùng ven; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gần như không có gì ngoài một “nhà đèn” và một xí nghiệp cấp thuỷ dùng nước ngầm với công suất “nhỏ xíu”.
Bước sang năm đầu thế kỷ 21, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2001/NĐ-CP ngày 10.8.2001 về việc điều chỉnh địa giới huyện Hoà Thành để mở rộng thị xã Tây Ninh, thành lập phường thuộc Thị xã. Theo đó, các xã Tân Bình, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Hiệp Ninh và một phần xã Hiệp Tân được tách khỏi huyện Hoà Thành, sáp nhập vào địa giới thị xã Tây Ninh, đồng thời thành lập phường Hiệp Ninh và phường IV. Từ đây, thị xã Tây Ninh được mở rộng diện tích tự nhiên lên đến 13.992 ha với 112.893 nhân khẩu, gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc là 5 phường và 5 xã. Đến năm 2013, sau khi được nâng loại đô thị từ loại IV lên loại III trong năm 2012, thị xã Tây Ninh trở thành thành phố thuộc tỉnh, cùng với đó, các xã Ninh Sơn, Ninh Thạnh được nâng lên thành phường, tăng số đơn vị hành chính thuộc thành phố Tây Ninh lên 7 phường, 3 xã. Về dân số sau 10 năm cư dân đô thị đã tăng lên đến trên 257.000 người, tỷ lệ tăng dân số trung bình là 1,86%, kể cả tăng tự nhiên, tăng cơ học và dân số quy đổi.
Đi đôi với việc đô thị hoá về mặt hành chính, thành phố Tây Ninh cũng tăng tốc phát triển đô thị và gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội quan trọng. Trong đó với lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp, Thành phố đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm trên 6,5%- kể cả những năm đại dịch Covid. Trên địa bàn Thành phố từ chỗ công nghiệp gần như con số 0 đến nay đã có khoảng 900 doanh nghiệp, 171 tổ hợp tác liên kết sản xuất, 14 hợp tác xã, 4 quỹ tín dụng nhân dân, nhiều siêu thị, chợ truyền thống cùng đồng hành hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương; năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 98,2 triệu đồng, vượt hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước… Tất cả góp phần để đến năm 2023 thành phố cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II và năm 2024 đã hoàn thiện thủ tục đề nghị Trung ương công nhận là đô thị loại II. Như vậy có thể nói, Tây Ninh khởi sự tiến trình đô thị hoá rất muộn, từ giữa thế kỷ 20, nhưng đã có những bước tăng tốc phát triển khá nhanh để có được một đô thị trung tâm của tỉnh tươi đẹp và đầy tiềm năng giàu mạnh như ngày nay.
Đó là vùng đô thị đặc biệt nằm kề cận thành phố tỉnh lỵ Tây Ninh, thường được gọi là vùng Toà Thánh - Long Hoa, tức thị xã Hoà Thành. Tên gọi địa phương này xuất phát từ việc ghép hai chữ cuối trong tên gọi hai xã Trường Hoà và Long Thành, khi Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 143-CP, ngày 14.3.1979, đổi tên huyện Phú Khương (cũ) thành huyện Hoà Thành. Tuy nhiên, những người yêu mến, gắn bó với vùng đất này lại thích giải thích ý nghĩa tên mới của huyện là: “Thành tựu của Hoà bình”.
Trong Quy hoạch tổng thể thị xã Tây Ninh năm 2013, trước khi Thị xã được nâng lên thành thành phố thuộc tỉnh và sau mười ba năm Thị xã được mở rộng từ việc sáp nhập 5 xã phía Bắc huyện Hoà Thành, các chuyên gia quy hoạch thiết kế đô thị nước ngoài đã nhận định (mục 3.2, Phần 3: Thị xã Tây Ninh ngày nay): “Thị xã Tây Ninh không phải là trung tâm đô thị lớn nhất ở tỉnh; cũng không phải là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất… Huyện đang tăng trưởng nhanh nhất là huyện Hoà Thành. Hoà Thành là một vùng đô thị hoá cao ngay phía Nam của thị xã Tây Ninh. Hầu như các đô thị của Hoà Thành và Tây Ninh có chức năng như một hệ thống đô thị đơn mà trong đó dân cư tự do di chuyển qua ranh giới thị xã và các huyện để tiếp cận nguồn hàng hoá và dịch vụ cũng như công ăn việc làm”.
Nhận định này thật ra cũng có căn cứ và phản ánh thực tế khách quan. Đối chiếu với lịch sử hình thành và phát triển của thị xã, nay là thành phố Tây Ninh nêu ở phần trên cho thấy, địa bàn Thành phố ban đầu chỉ là một phần thị tứ của xã Thái Hiệp Thạnh thuộc quận Phú Khương cũ (nay là thị xã Hoà Thành) sau lại được sáp nhập thêm phân nửa phía Bắc địa giới huyện Hoà Thành. Do vậy, tình hình dân cư thị xã Tây Ninh và huyện Hoà Thành tự do qua lại là hiện thực lịch sử đã có từ lâu đời. Dẫn tới tình hình hoạt động kinh tế xã hội hiện nay của thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tác động tích cực lẫn nhau cũng là điều bình thường. Điều đặc biệt ở đây chính là chỗ xuất phát của quá trình hình thành vùng tập trung dân cư để hình thành khu đô thị “đang tăng trưởng nhanh nhất” theo nhận định trên.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, chủ yếu là của tôn giáo Cao Đài, địa bàn huyện Hoà Thành cũ (bao gồm phần địa giới chia tách cho thành phố Tây Ninh hiện nay) hình thành khu dân cư từ trước khi xã Thái Hiệp Thạnh được thành lập để hình thành “vùng thị tứ” tỉnh lỵ Tây Ninh (năm 1942). Theo một vị tiền bối khai sáng nền đạo nội sinh tại vùng này- Nữ Đầu sư Hương Hiếu viết trong bộ Đạo sử toàn tập (Hội thánh Cao Đài xuất bản năm 1959), gần 100 năm trước, ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (nhằm ngày 19.11.1926), tôn giáo Cao Đài chính thức “Khai minh Đại đạo” tại chùa Gò Kén, tức Từ Lâm tự, tại ấp Long Trung, làng Long Thành, quận Châu Thành (nay là phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành), tỉnh Tây Ninh. Ngôi chùa này do vị sư trụ trì là Hoà thượng Như Nhãn cho Hội thánh Cao Đài mượn tạm để khai đạo. Mấy tháng sau, vào đầu năm 1927, đạo Cao Đài di dời về địa điểm mới là một khu rừng già rộng 96 ha, cũng thuộc làng Long Thành, giáp ranh làng Hiệp Ninh để xây dựng Tổ đình là khu nội ô Toà thánh Tây Ninh hiện nay. Khu vực này do một “quan kiểm lâm” người Pháp làm chủ. Cùng với khu rừng làm nơi xây dựng Toà thánh, người cúng hiến tiền để mua đất xây chùa là vợ chồng ông Đầu sư Thái Thơ Thanh và bà Nữ Đầu sư Lâm Hương Thanh còn bỏ tiền ra mua thêm 100 ha rừng cũng của kiểm lâm Tây, tại vị trí từ ngã ba Mít Một chạy vào đến khu nội ô Toà Thánh hiện nay để thiết kế xây dựng khu Cực Lạc Cảnh, nay thuộc địa bàn phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành.
Hai khu vực rừng rậm được các vị khai sáng đạo Cao Đài mua từ tay người Pháp vốn không có dân cư. Các con đường từ tỉnh lỵ Tây Ninh và từ ngã ba Mít Một chạy vào khu nội ô Toà thánh là những con “đường sứ”, đường thuộc địa chạy xuyên rừng, rất hoang vu vắng vẻ. Chỉ từ khi có các vị chức sắc, tín đồ người Việt từ “lục tỉnh Nam kỳ” theo đạo lên Tây Ninh, cùng những tín đồ là đồng bào dân tộc Khmer, tộc người Tà Mun từ các phum sóc xa xôi trên vùng biên giới phía Tây, phía Bắc Tây Ninh đánh xe bò xuống khu nội ô Toà thánh góp sức xây chùa, nơi đây mới có bóng người qua lại.
Sau khi đạo Cao Đài khai sáng, lập Tổ đình và mở mang “vùng thánh địa” tại Tây Ninh, đông đảo người có đạo ở miền Tây, miền Đông Nam bộ, kể cả ở Trung bộ, cao nguyên miền Trung chuyển đến cư ngụ rất đông ở các khu vực chung quanh khu nội ô Toà thánh toả ra các nơi với bán kính khá lớn.
Quá trình đô thị hoá vùng Toà Thánh - Long Hoa bắt đầu từ đó và cũng chính các bậc tiền bối của đạo, người thiết kế ngôi Đền thánh trong nội ô Toà thánh cũng là người quy hoạch, thiết kế đô thị vùng “châu thành thánh địa” tức khu vực các phường Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn của thành phố Tây Ninh và toàn địa bàn thị xã Hoà Thành ngày nay, với mật độ đường sá dày đặc đan nhau như ô bàn cờ.
Đặc biệt là việc quy hoạch, thiết kế đô thị vùng Long Hoa, trung tâm thị xã Hoà Thành ngày nay với hệ thống đường sá bố trí theo hình “bát quái đồ”, đồng quy vào trung tâm là ngôi chợ Long Hoa, nay là trung tâm thương mại Long Hoa.
Theo chân những người di dân, những làng nghề tiểu, thủ công nghiệp cũng hình thành tại thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh như nghề đan lát tre trúc, làm bánh tráng, bánh canh, muối ớt, muối tôm đến từ Trảng Bàng, Gò Dầu; nghề làm đồ mộc, nghề kim hoàn đến từ miền Tây; nghề nung gạch, ngói từ miền Đông Nam bộ; nghề chằm nón lá, nghề đúc gang, đúc đồng đến từ miền Trung… Đặc biệt, do dân cư tập trung đông đúc, những người làm nông thiếu đất sản xuất đã “bung ra” đi khẩn đất làm ruộng rẫy ở các địa bàn vùng Tân Biên, Tân Châu ngày nay, dần dần họ trở thành những “đại gia” chuyên canh tác, chế biến mía, mì cao su… góp phần làm giàu cho tỉnh Tây Ninh đến tận ngày nay.
Giai đoạn phát triển trong kỷ nguyên mới, sau khi đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với khát vọng vươn lên và những biểu tượng đặc trưng của tuyến “công nghiệp không khói” tại tam giác “Núi Bà Đen - Thành phố Tây Ninh - Toà thánh Cao Đài”, nhân dân vùng trung tâm đô thị thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành chắc chắn sẽ càng có nhiều cống hiến tâm huyết, trí tuệ, công sức để góp phần xây dựng bản sắc thiêng liêng cho quê hương ngày càng tươi sáng, mạnh giàu hơn nữa.
Bài, ảnh: NGUYỄN TẤN HÙNG
Thiết kế: Ngọc Trâm