Ngày 30.4.1975, Tây Ninh hoàn toàn giải phóng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau ngày giải phóng, kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh bắt đầu gầy dựng lại gần như từ con số 0. Trong đó, nông nghiệp được đặt mục tiêu trước hết là giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do hậu quả chiến tranh.

Từ gian khó vươn lên, 50 năm sau, Tây Ninh có bước phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Những năm gần đây, Tây Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Vừa qua, Tây Ninh là một trong 15 tỉnh, thành phố hoàn thành sớm đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát so với tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về xoá nhà tạm, nhà dột nát.

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1976, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh quyết tâm cùng cả nước bắt đầu thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội hướng về hai mục tiêu vừa cơ bản, vừa cấp bách mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12.1976) đề ra là “bảo đảm nhu cầu của đời sống nhân dân, tích luỹ để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Dân số Tây Ninh lúc ấy ước khoảng 65,5 vạn người; mật độ dân cư khoảng 163 người/km2. Kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ bắt đầu gần như từ con số 0. Đời sống nhân dân những năm đầu sau ngày giải phóng khó khăn, thiếu đói.

Năm 1986, Tây Ninh cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đến năm 1990, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh mới thực sự tập trung mọi nguồn lực thực hiện công cuộc đổi mới, hoà nhịp chung với cả nước, bắt đầu có những thành tựu nhất định về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ và từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh.

50 năm xây dựng, phát triển và vươn lên, Tây Ninh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đạt nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo của tỉnh có rất nhiều thay đổi từ nông thôn đến thành thị trên các mặt của đời sống xã hội. Kinh tế phát triển năng động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Vùng và của đất nước. Năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) thực hiện đạt trên 64.900 tỷ đồng, tăng 8,45% so cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; xuất khẩu xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố… Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI năm 2024 xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAPI 2024 đứng thứ hai trong cả nước, chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.

Những căn nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh hoàn thành, bàn giao cho các hộ dân trước ngày 30.4.2025

Những căn nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh hoàn thành, bàn giao cho các hộ dân trước ngày 30.4.2025

Đặc biệt, sau 15 năm xây dựng nông thôn mới (từ năm 2010 đến nay), đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68/71 xã đạt chuẩn NTM. Kế hoạch năm 2025, tỉnh tiếp tục duy trì và phấn đấu thêm 3 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 71/71 xã; huyện Bến Cầu đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM lên 4 đơn vị. Thành phố Tây Ninh đạt chuẩn đô thị loại II, thị xã Trảng Bàng và Hoà Thành đạt chuẩn đô thị loại III.

Nếu như năm 1998, toàn tỉnh còn trên 22.700 hộ sống dưới mức nghèo khổ (theo tiêu chuẩn địa phương), chiếm tỷ lệ 11,29% số hộ toàn tỉnh, trong có 56 hộ đói, gần 6.300 hộ quá nghèo (theo tiêu chuẩn Trung ương) và gần 16.500 hộ nghèo (theo tiêu chuẩn địa phương) thì tới cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn chiếm 0,46% tổng số hộ. Tây Ninh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước và tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, xoá hết hộ nghèo Trung ương (tương ứng 334 hộ) trên toàn tỉnh.

Những năm qua, bên cạnh triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững về hỗ trợ sinh kế, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Tây Ninh quan tâm, xác định là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 42 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước, Tây Ninh đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh và các địa phương về xoá nhà tạm, nhà dột nát; ban hành hai đề án về sửa chữa, xây dựng nhà cho hộ gia đình chính sách và đề án xây và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện là 58,7 tỷ đồng. Trong đó, đề án sửa chữa và xây dựng nhà cho gia đình chính sách là 172 nhà (xây mới 56 nhà, sửa chữa 116 nhà, tổng kinh phí 17,1 tỷ đồng); đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 525 nhà (xây mới 412 nhà, sửa chữa 113 nhà, tổng kinh phí 41,6 tỷ đồng).

Bí thư Thị uỷ Hoà Thành Trần Văn Khải tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Long Thành Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Bí thư Thị uỷ Hoà Thành Trần Văn Khải tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Long Thành Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Cùng với nguồn ngân sách, Ban Chỉ đạo tỉnh đã phát động phong trào thi đua xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Qua lễ phát động đã có 183 đơn vị, cá nhân ủng hộ số tiền 50,27 tỷ đồng và phát động đợt thi đua hoàn thành hai đề án này trước ngày 30.4.2025. Về cách làm, đối với những hộ không có đất, Tây Ninh sử dụng quỹ đất công để hình thành nên các khu dân cư mới với hạ tầng đồng bộ về giao thông, thoát nước, điện, nước sạch. Tỉnh cũng đã nâng diện tích mỗi căn nhà xây mới là 42m2 (tiêu chuẩn của Trung ương là 32m2/căn) và khi bàn giao nhà, mỗi hộ đều được tặng thêm nhiều đồ dùng thiết yếu: tivi, quạt máy, nồi cơm điện, bồn chứa nước sạch, hệ thống xử lý nước sạch...

Sau 4 tháng triển khai, tính đến ngày 25.4.2025, Tây Ninh đã thực hiện hoàn thành hai đề án và bàn giao nhà cho các hộ thụ hưởng. Tây Ninh là một trong 15 tỉnh hoàn thành sớm Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước - một dấu mốc rất ý nghĩa. Mỗi căn nhà là một món quà, một tình thương, một mái ấm ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào và tinh thần trách nhiệm sẻ chia của cả cộng đồng.

Niềm vui của những người dân được trao tặng nhà đại đoàn kết tại khu dân cư tập trung trên địa bàn xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành

Niềm vui của những người dân được trao tặng nhà đại đoàn kết tại khu dân cư tập trung trên địa bàn xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành

Trong căn nhà mới khang trang vừa được bàn giao cùng nhiều thiết bị thiết yếu cho gia đình được doanh nghiệp tặng, bà Nguyễn Thị Gái, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành xúc động nói: “Trước giờ tôi ở căn nhà chật chội, trên nền đất thấp. Cứ mưa tới là nhà dột, nước ngập tới nửa đầu gối, đứng nấu cơm mà rớt nước mắt. Chồng tôi mất sớm, tôi đi làm mướn bẻ ớt, chặt củ mì, chặt mía… cho người ta, thu nhập bấp bênh, rủi lúc ốm đau gần như không kiếm được đồng nào. Để xây được căn nhà như thế này chắc chỉ có trong mơ thôi…”.

Còn đối với thương binh Nguyễn Thanh Tuyền (ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu), căn nhà tình nghĩa là món quà vô cùng ý nghĩa để vợ chồng ông yên tâm sinh sống trong những năm cuối đời. “Tôi vô cùng cảm ơn Đảng, Nhà nước. Đất nước phát triển, đời sống người dân cũng đi lên. Những hộ được Nhà nước quan tâm xây nhà mới như chúng tôi thì vui rồi, nhưng trong dân vẫn còn nhiều hộ khó khăn. Tôi mong tới đây địa phương tiếp tục rà soát để hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn, giúp họ có chỗ ở ổn định, an toàn, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Tuyền nói.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THUÝ
Thiết kế: Ngọc Trâm