BTN - Tây Ninh buổi đầu còn là vùng đất hoang vu, rừng núi hiểm trở, bọn giặc từ bên kia biên giới thường sang quấy nhiễu khắp nơi. Chúng giết người, cướp bóc tài sản của nhân dân.

Theo các thư tịch và tài liệu về lai lịch các ngài Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ của Ban Cúng tế miếu Quan lớn Trà Vong (ấp Thái Vĩnh Đông, xã Thái Hiệp Thạnh trước năm 1975), nhà nghiên cứu Dương Công Đức đã nhận định trong sách “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam” (tr.98) rằng vào thời bấy giờ, có một vị quan tên là Trần Công Thắng, chỉ huy một cơ lính triều Nguyễn đóng quân ở đồn Quang Hoá và tử tiết tại đây trong một trận đánh với người Khmer khoảng năm 1826.

Còn theo truyền miệng dân gian, sau khi ổn định được an ninh vùng biên giới, nhân dân được thái bình, có vị quan khuyết danh lui về ở ẩn. Ông đến thôn Cẩm Giang đốn cây rừng, dọn một khoảnh đất nhỏ bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, cất một cái am tranh rồi ở đó tu hành. Ông đặt hiệu chùa là “Cẩm Phong”, nhưng cư dân địa phương quen gọi là “chùa Quan Huế”. Hiện nay, ngôi chùa toạ lạc tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Trong lần điền dã trên mảnh đất Tây Ninh, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh đã đến thăm chùa Cẩm Phong và hầu chuyện với Hoà thượng Thiện Lạc, những lời kể của hoà thượng được ông ghi chép trong sách “Tây Ninh xưa và nay” (1972). Trong đó, Hoà thượng Thiện Lạc có nhắc đến việc triều đình cử năm vị quan đàng cựu vào Tây Ninh lo vãn hồi an ninh cho dân chúng. Nhiệm vụ hoàn thành, một trong hai vị quan khuyết danh đến thôn Cẩm Giang lập chùa Cẩm Phong bên cạnh sông Vàm Cỏ Đông sớm mõ chiều chuông. Dân chúng địa phương nghe danh vị quan tu hành như vậy đều hết lòng mến mộ.

Từ xưa đến nay, vẫn chưa ai rõ hay có tài liệu nào ghi chép về tên hay pháp danh của vị tổ khai sơn chùa Cẩm Phong mà chỉ biết đến chùa do một vị quan Huế lập nên.

Trong bài viết của nhà nghiên cứu Trần Văn Rạng trên tạp chí “Xưa và nay” (số tháng 6.2001) chuyên khảo về Tây Ninh cho biết tên hai vị quan Huế khuyết danh là Lê Ngọc Báu, Lê Ngọc Đức. Nhưng đây cũng chỉ là truyền khẩu.

Đền thờ Quan lớn Huỳnh Công Thắng

Đền thờ Quan lớn Huỳnh Công Thắng

Nhiều lần đến nghiên cứu tại chùa Cẩm Phong, nơi bàn thờ tổ ở chùa, chúng tôi không thấy thờ bài vị tổ khai sơn. Năm 2023, trong lần đến dự lễ kỷ niệm tại đền thờ Quan lớn Huỳnh (Trần?) Công Thắng- đối diện với chùa Cẩm Phong, chúng tôi được Ban Quý tế đền thờ cho chụp ảnh để làm tư liệu nghiên cứu.

Nơi bàn thờ Hội đồng ở dinh thờ có 3 bài vị bằng chữ Hán Nôm, trong đó, bài vị được đặt trang trọng ở giữa có nội dung: “Cung thỉnh Cẩm Phong tự Đại đức Hoà thượng khai cơ Thích Bửu Đạt giác linh”, tức bài vị của Hoà thượng Thích Bửu Đạt- vị tổ xây dựng chùa Cẩm Phong.

Chưa rõ vì sao bài vị của Hoà thượng Bửu Đạt được thờ tại đền thờ Quan lớn Huỳnh (Trần?) Công Thắng. Chúng tôi đoán định rằng do Hoà thượng là vị quan cùng thời với đức ngài nên khi xưa mỗi lần cúng đức ông, Ban Quý tế cung thỉnh bài vị Hoà thượng từ chùa về đền thờ để đồng lai phối hưởng; hoặc bài vị vốn từ xưa được thờ tại đền thờ nhưng danh tánh của vị quan Huế được viết theo lối của Phật giáo.

Trong sách “Tây Ninh xưa và nay”, tác giả Huỳnh Minh ghi lại lời kể của Hoà thượng Thiện Lạc rằng sau khi quan Huế viên tịch, các vị Hoà thượng Minh Lộc - Phước Khánh, An Cửu, Thiện Lạc kế thế trụ trì. Cũng trong sách này, Huỳnh Minh có nhắc đến 3 ngôi tháp của các vị tổ sư. Hiện nay, chùa Cẩm Phong do Thượng toạ Thích Định Tánh trụ trì.

Năm 2019, đến nghiên cứu chùa Cẩm Phong, chúng tôi nhận thấy nơi bàn thờ tổ có 3 long vị truyền thừa theo dòng Lâm tế bổn nguơn thờ Hoà thượng Tiên Giác - Hải Tịnh (đời thứ 37) - vị danh tăng của Phật giáo Nam bộ, Đại sư Minh Lộc - Phước Khánh (đời thứ 38), Hoà thượng Như Trường - An Cửu (đời thứ 39) và trong 4 di ảnh có di ảnh đề tên Hoà thượng Thích Thiện Lạc. Nơi vườn tháp ở chùa, ngoài 3 ngôi tháp được Huỳnh Minh nhắc đến nay có thêm ngôi tháp của Hoà thượng Thiện Lạc, các ngôi tháp còn lại của Hoà thượng Minh Lộc, Hoà thượng Như Trường, Đại sư Bửu Đạt - Hồng Cảm (? - chưa xác định rõ chữ này do bia tháp bị mờ).

Trên bia tháp của Đại sư Bửu Đạt cho biết, Đại sư Bửu Đạt - Hồng Cảm nối đời thứ 40 dòng Lâm tế chánh tông, sanh năm Đinh Sửu, tịch năm Đinh Hợi, thọ 70 tuổi. Chúng tôi đoán định năm Đinh Sửu này dương lịch 1757, năm Đinh Hợi dương lịch 1827 và liên quan đến bài vị Đại đức Hoà thượng Thích Bửu Đạt đang thờ tại đền thờ Quan lớn Huỳnh (Trần?) Công Thắng. Có thể đây là ngôi tháp, bài vị của vị quan Huế tổ sư khai sơn chùa Cẩm Phong và việc truyền thừa từ vị quan Huế đến các đời sau không được liền mạch.

Từ việc nghiên cứu thư tịch, bài vị, bia tháp ở các di tích xưa trên mảnh đất Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) dẫn dắt chúng tôi tìm về vị quan Huế và đoán định rằng Hoà thượng Thích Bửu Đạt là tổ khai sơn, người lập nên ngôi chùa Cẩm Phong từ những di sản tài liệu Hán Nôm.

Bài nghiên cứu này sẽ là tiền đề để gợi mở nghiên cứu sâu hơn về lịch sử chùa Cẩm Phong - một trong những ngôi cổ tự danh tiếng của Tây Ninh mọi người đều biết đến.

Bài, ảnh:Phí Thành Phát
Thiết kế: Ngọc Trâm