(BTNO) - Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trảng Bàng không chỉ là một trong những “cái nôi” của phong trào cách mạng mà còn là nơi bị đánh phá khốc liệt.

Các vị lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh dự buổi họp mặt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Trảng Bàng (29.4.1975 – 29.4.2025)

Các vị lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh dự buổi họp mặt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Trảng Bàng (29.4.1975 – 29.4.2025)

Toạ lạc ở vị trí đặc biệt quan trọng, Trảng Bàng không chỉ là vùng đất cửa ngõ của Tây Ninh mà còn là cửa ngõ nối liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ với nước bạn Campuchia. Từ thế kỷ XIX, khi Pháp chiếm đất Trảng Bàng, lập cứ điểm quân sự, người Trảng Bàng đã nổi lên đánh giặc ngoại xâm, tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa của các ông Thống Thi, Đốc Tám và Đội Lý ở An Tịnh; cuộc phản kháng của Lãnh binh Tòng ở Gia Lộc. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ánh sáng cách mạng nhanh chóng lan toả mạnh mẽ ở Tây Ninh. Sau các cơ sở Đảng ở Giồng Nần (1930), Quán Cơm (1934-1935), đến tháng 8.1938, cơ sở Đảng ở Phước Chỉ, Trảng Bàng được hình thành, lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo các mục tiêu do Đảng đề ra, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh để giải phóng mình, giành lại quyền sống, quyền tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mùa thu tháng Tám năm 1945, cán bộ, chiến sĩ, quân và dân Trảng Bàng cùng với Nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Chẳng bao lâu sau khi giành độc lập, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Một lần nữa cán bộ, chiến sĩ, quân và dân đất Trảng tiếp tục đứng lên kháng chiến, lập được chiến công vang dội tại mặt trận Suối Sâu vào rạng sáng ngày 8.11.1945.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Trảng Bàng kiên cường vượt qua bao mất mát, hy sinh. Trong đó, căn cứ Bời Lời được Mỹ nguỵ xem là trọng điểm cần tập trung đánh phá. Đây là địa bàn đứng chân, vành đai bảo vệ, tuyến giao thông liên lạc quan trọng của liên tỉnh miền Đông, của Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định, Trung ương Cục và của Tỉnh uỷ Tây Ninh. Từ đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nhận định: “Bời Lời còn, Sài Gòn mất” nên tập trung mọi hỏa lực đánh phá, huỷ diệt Bời Lời. Địch đã áp dụng hầu hết các chiến lược, chiến thuật như xây dựng hệ thống ấp chiến lược khắp vùng nông thôn Trảng Bàng, lập nên bộ máy tề xã, ấp tay sai với mục tiêu kìm kẹp Nhân dân, cướp đất, dồn dân vào các khu tập trung, ra sức càn quét, ném bom, thả chất độc hoá học, hòng dập tắt phong trào cách mạng.

Ngày 8.6.1968, giặc Mỹ ném bom vào một ngôi làng của Trảng Bàng khiến nhiều người chết và bị thương.

Ngày 8.6.1968, giặc Mỹ ném bom vào một ngôi làng của Trảng Bàng khiến nhiều người chết và bị thương.

Quân dân Trảng Bàng không lùi bước. Các lực lượng vũ trang, các đội du kích xã, ấp, các bà mẹ, các chị, các em học sinh đều trở thành chiến sĩ kiên cường trên mặt trận chiến đấu và mặt trận hậu cần. Bao thế hệ con em Trảng Bàng đã lên đường ra trận, diệt ác, phá kìm. Phong trào nổi dậy của Nhân dân Trảng Bàng vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho các trận tiến công lớn, từng bước mở rộng vùng giải phóng nối liền với căn cứ Bời Lời – Trung ương Cục miền Nam, góp phần làm nên những chiến công vang dội trên khắp chiến trường miền Nam. 16 giờ ngày 29.4.1975, quân và dân Trảng Bàng cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh quận trưởng nguỵ ở Trảng Bàng, trở thành huyện thứ hai của Tây Ninh sớm giải phóng trước ngày giải phóng tỉnh Tây Ninh và giải phóng miền Nam 30.4.1975.

Sau ngày giải phóng, Trảng Bàng bị tàn phá nặng nề, đời sống các tầng lớp Nhân dân vô cùng thiếu thốn. Bằng nỗ lực và quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trảng Bàng phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực từng bước khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Ông Trần Tương Quốc- Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, nhìn lại 50 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh, sự thống nhất ý chí của tập thể Đảng bộ, sự chung tay, chia sẻ của toàn thể Nhân dân, Trảng Bàng đã vươn mình mạnh mẽ. Từ một huyện thuần nông, Trảng Bàng trở thành một trong những thị xã năng động phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đến nay, Trảng Bàng là một trong 9 huyện, thị xã, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất tỉnh. Các nơi này thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng, tạo việc làm ổn định cho lao động Trảng Bàng nói riêng, trong và ngoài tỉnh Tây Ninh nói chung. Cơ sở hạ tầng được quan tâm, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư kết nối. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Trảng Bàng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3. Tiềm năng, thế mạnh của Trảng Bàng ngày càng được khai thông, trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, tạo hiệu ứng lan toả, đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các vị lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo thị xã Trảng Bàng.

Các vị lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo thị xã Trảng Bàng.

Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết thêm, đi đôi với phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hoá - xã hội, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn luôn được chú trọng. Khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn Thị xã không ngừng được củng cố, tăng cường. Hệ thống cơ sở giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đạt kết quả toàn diện. Hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng được nâng cao. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước tiếp tục được nâng lên, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng ông Trần Tương Quốc cho biết Trảng Bàng không bằng lòng với hiện tại. Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, đòi hỏi Trảng Bàng tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung cao độ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đặc biệt là thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo đúng chỉ đạo của tỉnh, Trung ương; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, sáng tạo, tận dụng tốt các nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm năng lực, trình độ để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững, xây dựng quê hương Trảng Bàng anh hùng ngày càng giàu mạnh, ấm no, trở thành một trung tâm công nghiệp của tỉnh.

Thị xã Trảng Bàng ngày nay có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất tỉnh.

Thị xã Trảng Bàng ngày nay có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất tỉnh.

Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng khẳng định, trước chặng đường của kỷ nguyên mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã Trảng Bàng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với bản hùng ca bất tận, được viết bằng máu, mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh, cống hiến lặng thầm của biết bao thế hệ, xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trảng Bàng cùng với tỉnh Tây Ninh và cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài, ảnh: Đại Dương
Thiết kế: Ngọc Trâm