.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn  học sinh thực hành lái xe trên máy mô phỏng

Cảnh sát giao thông hướng dẫn học sinh thực hành lái xe trên máy mô phỏng

Từ khi triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 578 trường hợp vi phạm về TTATGT bị xử phạt hành chính. Các lỗi chủ yếu là vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, chở hàng vượt quá tải trọng, chuyển hướng không có tín hiệu... Trong đó, có 69 trường hợp bị phạt tiền từ 6 triệu đồng trở lên.

Trật tự, kỷ cương và an toàn

Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 với nhiều điều chỉnh về mức phạt, đặc biệt tập trung vào các hành vi nguy hiểm là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn. Theo đó, có 3 nhóm hành vi tăng mức tiền xử phạt, đó là xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước (dùng biển số giả, che biển số); cố ý vi phạm, làm xấu văn hoá giao thông (vượt đèn đỏ, đi ngược chiều) và nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông. Đối với các vi phạm do vô ý thì mức phạt áp dụng không điều chỉnh tăng. Người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT.

Trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, đối với các trường hợp vi phạm TTATGT, trước khi ra quyết định xử phạt, lực lượng chức năng sẽ tra cứu lịch sử chấp hành trên hệ thống xử phạt vi phạm hành chính Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an để áp dụng hình thức xử phạt tăng nặng nếu như “tái phạm” đối với người điều khiển phương tiện.

 

Theo Thượng tá Phạm Đông Hưng- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, đơn vị đã tiếp nhận hệ thống camera giám sát TTATGT từ Công an thành phố Tây Ninh, từ ngày 1.1.2025. Thông qua hệ thống camera đã ghi nhận 64 trường hợp xe ô tô các loại vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, ra thông báo đối với chủ phương tiện. Đối với những trường hợp bị phạt nguội không chấp hành sẽ phải chịu các mức chế tài: chủ phương tiện bị cảnh báo trên hệ thống phạt nguội toàn quốc, hệ thống đăng kiểm, nếu đi đăng kiểm sẽ không thể thực hiện; chủ phương tiện không được làm thủ tục hành chính có liên quan trong công tác đăng ký xe.
Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát, Công an tỉnh phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về TTATGT trên địa bàn tỉnh”; đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông, ban, ngành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT.
Nỗ lực nâng cao nhận thức cho người dân
Ngay từ đầu năm, UBND huyện Gò Dầu chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2025, triển khai thực hiện Luật TTATGT đường bộ năm 2024 và Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Các đơn vị, địa phương tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, người lao động, cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT; tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức như: phổ biến tại các cuộc sinh hoạt hội, tổ dân cư tự quản, trên loa phát thanh, nhóm Zalo… UBND các xã, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông kết hợp tuần tra giải toả lấn chiếm lòng, lề đường, phối hợp với Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm bảo đảm theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
 

Phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân

Phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân

Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nâng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm là “nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông” đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và chủ phương tiện. Tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến rõ rệt. Quý I.2025, tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Gò Dầu giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ về số vụ, số người chết, số người bị thương.
Ông Đoàn Đức Duy- Phó trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Gò Dầu cho biết, trên địa bàn vẫn còn xảy ra tình trạng người dân buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, dọc các tuyến đường xung quanh khu vực chợ, Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời, hình thành các khu vực chợ tự phát gây mất ATGT cho người và phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Trước tình hình trên, UBND huyện Gò Dầu chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông và tuần tra giải toả lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là tại các điểm dọc tuyến ĐT 782, đường Nông Trường, QL22, QL22B, Hùng Vương, hương lộ 1, xung quanh khu vực chợ Gò Dầu, khu vực chợ trên địa bàn các xã, thị trấn.
 

Thiếu tá Lê Thanh Sử- Phó trưởng Công an xã Phước Đông, huyện Gò Dầu cho biết, Phước Đông là địa bàn có khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, người lao động tập trung di chuyển trên địa bàn tương đối đông và phức tạp hơn so với các xã lân cận. Đảng uỷ, UBND xã chỉ đạo Ban ATGT xã củng cố, kiện toàn ban và các tổ giúp việc, từ đó triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT trên địa bàn. Ban ATGT xã tham mưu UBND xã ban hành các kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật TTATGT đường bộ cũng như Nghị định 168/2024/NĐ-CP để người dân địa phương, người đang lưu trú làm công nhân trên địa bàn nắm được các điểm cơ bản và chấp hành tốt. Công an xã còn thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
Tại xã Phước Đông, người dân mua bán hai bên đường ĐT 782 (gần cổng khu công nghiệp) tương đối phức tạp, lấn chiếm lòng, lề đường. Địa phương đã thành lập tổ công tác xử lý, trả lại hành lang an toàn đường bộ. Qua 1 tháng triển khai thực hiện, đa số các hộ dân mua bán xung quanh trục đường đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng uỷ, UBND xã, kinh doanh đúng nơi quy định, không còn tình trạng tắc nghẽn cục bộ, nhất là giờ công nhân ra về.
Bà L.T.T (63 tuổi) bán trái cây trên tuyến đường ĐT 782 chia sẻ: “Tôi biết việc mua bán lấn chiếm lòng, lề đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông nhưng tất cả chỉ vì để mưu sinh. Sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động, tôi chấp hành tốt, bày hàng đúng nơi quy định”.
Để tiếp tục chung tay bảo đảm TTATGT trên địa bàn, UBND huyện Gò Dầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, đẩy mạnh tuyên truyền văn hoá giao thông trong toàn xã hội.
Lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông và tuần tra giải toả lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP; tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia giám sát, cung cấp thông tin, hình ảnh những trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông gửi đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Người dân liên hệ Phòng Cảnh sát giao thông để giải quyết vi phạm

Người dân liên hệ Phòng Cảnh sát giao thông để giải quyết vi phạm