Trưa ngày 15.4, hàng trăm người dân từ khắp nơi tập trung về chùa Khedol (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) tưng bừng đón mừng năm mới với dân tộc anh em.
Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ diễn ra vào tháng 4 hằng năm, nhưng theo lịch Khmer là tháng đầu tiên trong năm. Đây là giai đoạn mùa khô, lúa đã thu hoạch xong, các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng để chờ mùa mưa. Vì vậy, thời điểm này là giai đoạn nông nhàn nên rất phù hợp để tổ chức mừng năm mới.
Tết Chol Chnam Thmay là dịp để đồng bào dân tộc Khmer tưởng nhớ tổ tiên quá vãng, thể hiện ước vọng năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Trước đây, Tết năm mới kéo dài từ 10 – 15 ngày. Thời gian gần đây, lễ hội được đơn giản hoá, chỉ còn 3 ngày. Trong đó có nhiều nghi thức quan trọng như: tắm gội sạch sẽ, đến chùa thỉnh Đại lịch đem về nhà sử dụng trong năm, dâng cơm cho các sư trong chùa, đắp núi cát, tắm Phật, tắm sư... Sau nghi thức tắm Phật, tắm sư là các hoạt động té nước chọi bột vào nhau để gột rửa, xua đi những điều không may mắn và đón nhận những điều tốt lành trong năm mới.
Năm nay mưa thuận gió hoà, mùa lúa bội thu, Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer dường như diễn ra tưng bừng, rộn rã hơn những năm trước. Vào ngày Tết thứ hai- chưa diễn ra nghi thức tắm Phật, tắm sư, hàng trăm người dân Khmer và nhiều du khách tập trung hát múa xung quanh bàn trái cây trên nền nhạc Khmer.
Trong tưng bừng điệu nhạc, các nam thanh nữ tú dùng đủ dụng cụ để té nước, làm ướt đối phương. Để thêm phần hào hứng, nhiều người còn ném bột lên nhau. Trong ngày vui của dân tộc Khmer, dù cả người bị ướt, quần áo lấm lem, mặt mày đầy bột nhưng không ai giận hờn, bực bội mà ngược lại, tất cả đều vô cùng thích thú, phấn khích.
Buổi chiều cùng ngày là nghi thức đắp núi cát xung quanh chùa Khedol. Người dân Khmer di chuyển đến một gò đất cao gần chân núi Phụng (thuộc quần thể núi Bà Đen)- cách chùa Khedol khoảng 300 mét. Ở đó có ngôi miếu nhỏ, bàn thờ vọng thiên, một đống cát và nhiều chậu hoa vạn thọ. Người dân cắm hoa, thắp nhang quỳ lạy trước đống cát và ngồi xung quanh. Ông Sa-Phát, người dân tộc Khmer ở Khedol giải thích: “Nơi này là vị trí của chùa Khedol cũ. Hằng năm, bà con đều đến đây lấy cát đem về ngôi chùa mới”.
Sau khi tụng kinh, niệm Phật, các sư sãi chùa Khedol và người dân lấy cát đem về chùa. Đến nơi, các sư sãi và người dân đi ba vòng quanh ngôi chùa rồi đắp thành núi cát. Núi cát này tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng trời thứ 3- là nơi cất giữ tóc của Đức Phật Thích Ca đã cắt bỏ để đi tu.
Là người tham gia tất cả các hoạt động lễ hội nêu trên, bà Thi–Shnát, dân tộc Khmer, ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân chia sẻ: “Tết năm nay vui lắm”. Bà cũng cầu nguyện năm mới mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc.
Ông Nguyễn Phú Mừng, dân tộc Kinh, ngụ huyện Tân Biên, đưa cả gia đình đến chung vui với đồng bào dân tộc Khmer ở chùa Khedol, cho biết hầu như năm nào gia đình cũng đến đây mừng năm mới với bà con. Du khách này cảm nhận năm nay Tết Chol Chnam Thmay được tổ chức rất vui và ấm áp. “Tôi rất thích các hoạt động hát múa, té nước của bà con dân tộc Khmer. Đây là văn hoá truyền thống của dân tộc Khmer. Tỉnh ta nên duy trì, bảo tồn, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá các dân tộc”- ông Mừng nói thêm.
Bài, ảnh: ĐẠI DƯƠNG
Thiết kế: HỮU NHÂN