Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.
Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Trong kỷ nguyên mới, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là thực hiện thành công hai mục tiêu 100 năm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, để xây dựng một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. |
Với tinh thần độc lập và tâm thế tự lực, tự cường, tự tin và tự hào dân tộc, toàn thể 100 triệu người Việt Nam và hơn 6 triệu đồng bào ở nước ngoài quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi là là xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai các cường quốc năm châu”. |
Kỷ nguyên thường được hiểu là một thời kỳ lịch sử trong tiến trình phát triển của quốc gia dân tộc mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được hoàn thành, được đánh dấu bằng những sự kiện tạo ra bước ngoặt vận động, mở ra trang sử mới. Mỗi kỷ nguyên, trước hết, do các yếu tố trong nước quyết định; đồng thời, chịu sự tác động của các chuyển động mang tính thời đại diễn ra trên thế giới.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc
Một kỷ nguyên mới của Việt Nam đã mở ra năm 1945.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khắc họa kỷ nguyên mới huy hoàng của dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vạch rõ.
Từ một thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới, một chế độ phong kiến lạc hậu ở phương Đông, Việt Nam tuyên ngôn với toàn thế giới vị thế là quốc gia độc lập có chủ quyền, một chế độ của nhân dân lao động.
Để giữ vững độc lập, tự do trong kỷ nguyên mới, quân và dân Việt Nam đã phải tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, chiến đấu gian khổ, hy sinh to lớn và thắng lợi vẻ vang trước các thế lực thực dân, đế quốc đầu sỏ và phản động quốc tế; đồng thời, phải nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
Mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của kỷ nguyên độc lập, tự do đã được hoàn thành trọn vẹn. Thắng lợi của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa vĩ đại đối với quốc gia dân tộc, mà còn mang tầm vóc thời đại cao cả, thời đại của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986 tại Hà Nội. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học. Phát biểu tại Đại hội VI sau khi được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh Đại hội lần này đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình kế thừa và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng. Không một trở lực nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta về phía trước. Ảnh: TTXVN
Tổ máy số 4 Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại chính thức phát điện từ cuối năm 1986, Ảnh: TTXVN
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng đường lối và ngay sau đó là công cuộc đổi mới đất nước nhằm khắc phục những hạn chế, sai lầm cả về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội và đưa đất nước đi lên. Với dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng quy luật khách quan, bám sát điều kiện cụ thể, hàng loạt chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đúng đắn, phù hợp đã được ban hành và đi vào cuộc sống.
Cảng Sài Gòn ngày nay
Nhờ vậy, chỉ sau 10 năm (1986 - 1996), Việt Nam đã khắc phục được khủng hoảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa và bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngay trong bối cảnh không còn Liên Xô, không còn hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới như trước.
Đến năm 2010, với thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 1.000 USD/năm, Việt Nam ra khỏi tình trạng chậm phát triển, đứng vào danh sách các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Sự kiện này chấm dứt hàng trăm, hàng nghìn năm nghèo nàn, lạc hậu, mở ra trang sử mới về chất cho quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Tái hiện cảnh các tầng lớp nhân dân chào đón đoàn quân chiến thắng trở về tại Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô Hà Nội
Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, một trong 20 thị trường ngoại thương lớn nhất toàn cầu, quốc gia hàng đầu về Chỉ số phát triển con người (HDI), về đổi mới sáng tạo… trong nhóm các nước cùng trình độ phát triển kinh tế; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động trong cộng đồng quốc tế; đã trở thành dẫn chứng không thể thiếu trên nhiều lĩnh vực phát triển của thế giới ngày nay.
Chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, vị thế, sức mạnh và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại New York (Mỹ), chiều tối 24/9/2024 (giờ địa phương, rạng sáng 25/9/2024 theo giờ Việt Nam), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá cao vai trò, vị thế và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ông António Guterres cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ quan quan trọng, cũng như trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Liên hợp quốc, nhất là về gìn giữ hòa bình, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng. |
Thành tựu mang tầm vóc thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của kỷ nguyên đổi mới và phát triển tạo ra tiền đề vững chắc cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã vạch ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Việc vạch ra mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao là có đầy đủ căn cứ. Đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia được tạo ra từ các thời kỳ trước, nhất là trong quá trình đổi mới. Đó là kinh nghiệm của các nước đi trước, chỉ trong vòng 2-3 thập kỷ công nghiệp hóa thành công họ đều trở thành các quốc gia phát triển. Đó là cơ hội mới do bước ngoặt vận động của thế giới đem lại cho các nước đi sau có thể về đích sớm. Đó là động lực tinh thần to lớn của hơn 100 triệu người Việt Nam quyết tâm thực hiện khát vọng Hồ Chí Minh xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”…
Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, gần nhất là lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930, toàn Đảng, toàn dân rất đỗi tự hào về những thắng lợi vẻ vang, trong đó có không ít kỳ tích vươn mình, biến điều tưởng như không thể trở thành có thể.
Thế giới ngày nay vừa khâm phục Việt Nam Anh hùng trong chiến tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới; vừa trân trọng Việt Nam đổi mới thành công, đem lại cho quốc gia dân tộc nhiều bước tiến vượt bậc, trở thành dẫn chứng sinh động cho các quốc gia đang phát triển vươn lên những tầm cao mới. Phía trước, có nhiều thuận lợi, cơ hội cùng những khó khăn, thách thức đan xen, nhưng một kỷ nguyên mới đã mở ra, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Oxford Economics (một trong những công ty tư vấn độc lập hàng đầu trên thế giới, chuyên cung cấp những báo cáo, dự đoán và phân tích về xu hướng thị trường tại 200 quốc gia, 100 khu công nghiệp và hơn 4.000 địa điểm khác) dự báo GDP năm 2024 tăng 5,6%, trong khi Ngân hàng United Oversea - UOB (Singapore) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6% trong năm 2024 và 6,4% vào năm 2025. Thực tế, nước ta có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn. |
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khi các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa hoạt động trong khu vực.
Việt Nam với tư cách là điểm đến thu hút FDI ở Đông Nam Á nhờ lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn ngày càng cao và có tính cạnh tranh, điều này sẽ giúp duy trì sự phát triển trong dài hạn.
Chính những thành công tiền đề trên cho phép chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tham gia nhiệm vụ của Liên hợp quốc
Nguồn Báo Hải Dương