Sản xuất xanh hay xanh hoá sản xuất đang là mô hình được các doanh nghiệp quan tâm xây dựng, áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

     Việc thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội, bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ tương lai.

     Để hướng tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh đã đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo từ pin năng lượng mặt trời. Sau khi đầu tư, lượng điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của công ty. Ngoài ra, công ty còn sử dụng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; đưa nguồn nước sau khi xử lý sử dụng lại giảm khai thác tài nguyên nước, giảm ô nhiễm môi trường; thay thế hệ thống sấy dầu DO bằng hệ thống “dầu truyền nhiệt” tránh việc sử dụng và phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.

     Ông Phạm Văn Tiến- Phó Giám đốc sản xuất Nhà máy cao su Liên Anh cho biết, để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính, công ty sử dụng nguồn nguyên liệu phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, sản xuất và quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế.

     Ngoài ra, công ty phát triển các sản phẩm FSC và EUDR đáp ứng các tiêu chuẩn về chống phá rừng và bảo vệ môi trường; nghiên cứu và triển khai các nội dung liên quan đến tín chỉ carbon…; tuyên truyền đến nông hộ cung ứng nguyên liệu nhận thức việc bảo vệ môi trường, chống phá rừng, cùng phát triển; tích cực hưởng ứng, ủng hộ các chính sách của địa phương.

    

Công nhân vận chuyển hàng thành phẩm tại nhà máy sản xuất Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh

Công nhân vận chuyển hàng thành phẩm tại nhà máy sản xuất Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh

      Thực tế, ngành cao su phát triển đồng bộ chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững đã mang lại nhiều lợi ích lớn hơn trong sản xuất và kinh doanh như: giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đầu tư và mở rộng thị trường trong điều kiện bảo vệ môi trường, chống phá rừng và biến đổi khí hậu đang trở nên cấp thiết; tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động (giảm bớt các công việc thủ công, tăng năng suất lao động); đóng góp chung vào sự phát triển xã hội.

     Ông Phạm Văn Tiến chia sẻ, trở ngại của doanh nghiệp phải đối mặt khi chuyển đổi xanh là chi phí đầu tư ban đầu. Việc áp dụng công nghệ xanh, thay đổi quy trình sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mới, đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Các thiết bị tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý chất thải hiệu quả thường có giá thành cao.

     “Rõ ràng phát triển xanh, bền vững tốn chi phí khá lớn, nhưng đây là những hoạt động đầu tư cho tương lai và đơn vị cũng xác định dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn. Thậm chí, đây cũng là tiêu chí chấm chọn của những khách hàng lớn là nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế đến từ EU, Mỹ… Các tiêu chí này là bắt buộc, nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ có nguy cơ bị mất thị trường”- ông Phạm Văn Tiến khẳng định.

     Bên cạnh đó, việc thiếu hụt về các nguồn vốn ưu đãi, các khoản vay lãi suất thấp và các hỗ trợ tài chính khác vẫn là một thực tế khó khăn. Doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn này, do thiếu thông tin hoặc không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe. Công ty đặt ra các tiêu chí sản xuất xanh cho các tiểu điền sản xuất để có thể trở thành chuỗi liên kết bền vững. Hiện tại và trong tương lai, công ty sẽ hỗ trợ để đồng thực hiện tốt các tiêu chí xanh này.

     Ông Phạm Văn Tiến cho biết thêm, để mô hình sản xuất xanh được lan toả rộng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty luôn tuyên truyền đến người lao động chấp hành tốt các quy định về sản xuất xanh của doanh nghiệp; bảo đảm không rác, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để dọn thực vật như cỏ, cây leo trong vườn. Đối với hệ thống nước, sau khi qua xử lý được tái sử dụng cho các hoạt động tiếp theo trong khuôn viên nhà máy. Việc đặt hệ thống quan trắc tự động, cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vận hành.

     Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất xanh thường tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí năng lượng và nước, từ đó giảm chi phí vận hành trong dài hạn. Việc cam kết sản xuất xanh giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó thu hút khách hàng và nhà đầu tư.

 

     Việc thay đổi từ tư duy đến hành động hướng đến xanh hoá trong sản xuất là cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với thị trường người tiêu dùng toàn cầu.

     Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh cho biết, xu hướng tiêu dùng toàn cầu đang chuyển dần sang ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Do đó, doanh nghiệp sản xuất xanh có cơ hội mở rộng thị phần trong các thị trường có tiêu chuẩn môi trường cao, như châu Âu và Bắc Mỹ.

     Ông Đặng Khánh Duy- Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên cho biết, hiện tại Công ty sử dụng năng lượng tái tạo (biogas) để vận hành nhà máy; tận dụng phụ phế phẩm bán cho các ngành khác tạo sản phẩm giá trị gia tăng và giảm thiểu chất thải.

Công ty TNHH Tân Nhiên bước đầu chuyển mình sang sản xuất xanh luôn đặt tiêu chí  môi trường xanh lên hàng đầu

Công ty TNHH Tân Nhiên bước đầu chuyển mình sang sản xuất xanh luôn đặt tiêu chí môi trường xanh lên hàng đầu

     Ông Đặng Khánh Duy chia sẻ, trong quá trình sản xuất, đơn vị luôn đặt tiêu chí môi trường xanh lên hàng đầu. Chính vì vậy, Công ty tối ưu hoá quy trình sản xuất để giảm tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu. Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế FSSC 22000, FDA, Halal để bảo đảm quá trình sản xuất thân thiện với môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Công ty đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch, hiện đại. Sử dụng các phần mềm quản lý sản xuất để theo dõi và kiểm soát quá trình sản xuất.

     Ông Đặng Khánh Duy cho biết thêm, đơn vị đã đưa ra thị trường sản phẩm đạt uy tín chất lượng như: bánh tráng siêu mỏng – không nhúng nước. Đây là sản phẩm tiện lợi và vệ sinh hơn trong quá trình khách hàng sử dụng. Đây cũng là sản phẩm chủ lực. Công ty cũng đã  đưa ra thị trường ở những quốc gia khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Sắp tới, Công ty mong muốn có cơ hội tiếp cận một số thị trường Trung Đông. Khi áp dụng sản xuất xanh, Công ty Tân Nhiên nhận rất nhiều phản hồi tích cực. Việc áp dụng sản xuất xanh giúp đơn vị tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

     Ông Đặng Khánh Duy chia sẻ thêm:

     Để khắc phục những khó khăn, Tân Nhiên hy vọng có thể được sự hỗ trợ từ Nhà nước như các chính sách ưu đãi về thuế, tín. Đồng thời, Công ty luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế, các công nghệ từ các tổ chức quốc tế. Công ty mong nhận được sự hỗ trợ về tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sản xuất xanh. Công ty sẽ đa dạng hoá sản phẩm, phát triển các sản phẩm xanh mới, bao bì thân thiện, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

     Công ty cũng rất mong tỉnh hỗ trợ về tài chính, cấp vốn ưu đãi và hỗ trợ lãi suất để đầu tư vào các dự án sản xuất xanh. Tham gia các các khoá đào tạo về sản xuất xanh, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để mở rộng thị trường cũng là ước muốn của công ty.

     Bà Trịnh Ngọc Lan – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh cho biết, Hiệp hội khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên, tái chế và tái sử dụng nguyên liệu giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm.

     Hiệp hội sẽ tìm kiếm và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về sản xuất xanh để đưa công nghệ, nguồn vốn về Việt Nam, từ đó giúp các doanh nghiệp địa phương phát triển bền vững. Việc kết hợp sản xuất xanh với chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm tài nguyên, theo kịp xu hướng công nghệ trong sản xuất và kinh doanh.

     Những giải pháp và định hướng này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hoá và yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao.

Bài, ảnh: Nhi Trần

Thiết kế: Ngọc Trâm