Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lào Cai có 8 huyện, một thành phố tổng diện tích rừng che phủ trên 3.000km2. Nhờ có những lời thề giữ rừng truyền từ đời này sang đời khác, cộng với việc lãnh đạo huyện, xã luôn quán triệt và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân bảo vệ rừng...
Sinh sống gắn bó với rừng từ ngàn đời nay, mỗi độ Xuân về, đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai như Mông, Dao, Nùng, Phù Lá, Hà Nhì có phong tục tri ân bằng lễ "song nam," "nào sồng" hay "nhặn sồng," "gà ma do" (lễ cúng rừng) độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Tục lệ cúng rừng đầu năm của các dân tộc thiểu số Lào Cai thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng. Ðây là nét mới trong bảo vệ rừng ở vùng cao Lào Cai, được kết hợp giữa yếu tố tâm linh và nét văn hoá mới nên được nhân dân ủng hộ và đạt hiệu quả, đồng thời đang được tỉnh Lào Cai khuyến khích nhân rộng.
Những mâm sản vật dâng cúng rừng đầu năm ở Lào Cai. |
Đầu năm mới, đồng bào thường chọn ngày Dần, ngày Thìn để làm lễ cúng rừng. Ðể chuẩn bị cho buổi lễ, các gia đình trong bản dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, các thành viên trong gia đình đều mặc trang phục truyền thống chỉnh tề, tập trung ở khu rừng cấm của bản. Nhà nào cũng mang theo một ít lễ vật như xôi, bánh nếp mật, thịt gà hay lợn, rượu.
Khi mọi người đến đông đủ, dân làng bầu ra một người làm cái, tiếng người Dao gọi là "chẩu chiếu," tức là người đứng đầu trông coi rừng trong năm. Người "chẩu chiếu" phải có sức khoẻ, giỏi lý lẽ, hiểu biết lệ tục.
Sau khi được bầu, "chẩu chiếu" làm lễ cúng thần thổ địa "thủ ty," tức là vị thần cai quản cộng đồng làng. Nội dung các bài cúng xác nhận rừng cấm là chốn linh thiêng, không ai được xâm phạm, không ai được vào chặt cây, làm những điều ô uế...
Sau phần cúng lễ, "chẩu chiếu" trịnh trọng đọc quy ước của làng. Sau khi "chẩu chiếu" đọc xong một điều quy định, đại diện các gia đình thảo luận. Cuối cùng, "chẩu chiếu" tổng hợp các ý kiến thành quy ước riêng của bản về bảo vệ rừng, mọi người dân trong bản đều có trách nhiệm thực hiện.
Trong niềm vui thống nhất được quy ước, mọi người đều ăn chung một bữa ăn cộng đồng. Thịt, cơm bày ra lá rừng, rượu uống bằng ống bương, nhưng mọi người đều hân hoan trong niềm vui chung.
Lào Cai có 8 huyện, một thành phố tổng diện tích rừng che phủ trên 3.000km2. Nhờ có những lời thề giữ rừng truyền từ đời này sang đời khác, cộng với việc lãnh đạo huyện, xã luôn quán triệt và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân bảo vệ rừng mà gần đây mỗi năm rừng Lào Cai tăng 5%. Địa phương giữ rừng nguyên sinh tốt nhất là đồng bào Hà Nhì ở xã Ý Tý, huyện Bát Xát với 6.000ha rừng mấy trăm năm tuổi.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai, nhờ kết hợp tốt tục cúng rừng với Luật Bảo vệ và phát triển rừng mà số vụ cháy rừng hàng năm ở Lào Cai giảm, diện tích trồng rừng tăng bình quân 5% mỗi năm, đạt độ che phủ hơn 50%, ý thức bảo vệ rừng và khai thác rừng của người dân được nâng lên theo hướng thân thiện với rừng và môi trường sống
Theo TTXVN