BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghĩa tình từ những “Chuyến xe cứu thương 0 đồng” 

Cập nhật ngày: 15/04/2020 - 18:20

BTNO - Chỉ cần gọi hotline: 0823.999.115, chuyến xe cứu thương tình nguyện sẽ đưa đón bệnh nhân về các tỉnh, thành chỉ với giá “0 đồng”.

“Xe cứu thương miễn phí”

Anh tên Hải, họ Nguyễn, 43 tuổi, nhà ở Cầy Xiêng (huyện Châu Thành).

Hơn 7 năm nay, đội xe cứu thương do anh Nguyễn Hải khởi xướng đã đưa đón hàng ngàn gia đình nghèo, người neo đơn, thậm chí “người chết” về tận các vùng miền quê xa xôi, hẻo lánh chỉ với giá… 0 đồng.

 Quả là không dễ để có một buổi chuyện trò với người đàn ông này, chúng tôi đã liên tục điện thoại và xin “cái hẹn gặp trực tiếp”. Bởi vì anh vừa điều hành tài xế xe cứu thương, vừa chạy xe cứu thương, mà còn kiêm công việc “ngoại giao” với các chủ cây xăng, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Khi nhắc tới anh, người ta chỉ biết mỗi số điện thoại và chuyến xe anh chạy, còn mặt mũi anh như thế nào, ít ai nhớ tới.

Anh Nguyễn Hải bên chiếc xe cứu thương tình nguyện “0 đồng” vừa được DN Trần Quốc hỗ trợ.

Cuộc trò chuyện với anh diễn ra tại hàng rào trong nội ô Tòa thánh Tây Ninh sau Chỉ thị “giãn cách toàn xã hội” để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Sau lớp khẩu trang y tế, anh cười khi nói về lý do ra đời chuyến xe 0 đồng. Nghề chính của anh là dạy lái xe ô tô tại Trường Dạy nghề Thành Đạt (Tây Ninh) và kiêm thêm nghề bắt mạch Đông y.

Ban đầu, nhờ trợ hỗ trợ của các mạnh thường quân, anh thành lập một nhóm nhỏ khoảng chục người đi trao quà hàng tháng cho người nghèo khó, bệnh tật. “Hễ làm có chút ít thì anh em cùng góp lại đi trao cho người ta. Đó chỉ là để chia sẻ cho người khó hơn mình”- anh Hải cười nói.

Đội cứu hộ tình nguyện Tây Ninh có khoảng 30 người. Tất cả đều tự nguyện tham gia, đóng góp. “Chúng tôi là anh em của nhau. Không ai chỉ đạo hay điều hành ai, mà tất cả đều bình đẳng. Ai cũng có việc phần của người đó. Khi có cuộc gọi chuyển bệnh, người nào sắp xếp được thì lấy xe đi thôi. Nhưng cái chính là, anh em không được nhận tiền của người bệnh hay gia đình người bệnh”- anh Hải nói.

Anh cho biết thêm, khi thành lập, các mạnh thường quân giấu tên đã tặng cho đội 2 xe cứu thương được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu bên trong. Một chiếc mang biển số TP.HCM, một chiếc mang biển số tỉnh An Giang. “Tuy xe không mới hoàn toàn, nhưng chúng tôi “cưng” xe lắm.

Về là xịt rửa sạch sẽ, coi sóc máy móc, châm nhớt động cơ đầy đủ. Có như vậy, người tặng xe thấy mà an tâm. Chưa kể, còn có những mạnh thường quân khác cấp luôn cả xăng để anh em chúng tôi đưa rước người bệnh”- anh Hải cười nói.

Bên trong mỗi chiếc xe cứu thương đều được trang bị thiết bị, phương tiện cấp cứu để hỗ trợ bệnh nhân.

Khoảng 20 năm trong nghề dạy lái xe, hơn 5 năm ôm vô lăng đưa đón người bệnh từ bệnh viện này tới bệnh viện khác, từ bệnh viện tới nhà và ngược lại, chứng kiến nhiều cảnh đời khốn cùng, nên anh đã tự nhủ, chỉ dùng xe để cấp cứu những bệnh nhân nghèo, khó khăn khi họ cần.

“Họ cần nên họ gọi chúng tôi. Nhiều năm nay, chúng tôi đưa đi rước về nhiều đến nỗi, các bệnh viện, nhất là nhân viên BV Chợ Rẫy, họ biết mặt chúng tôi. Còn chúng tôi lại không thể nhớ hết được mình đã đưa đón bao nhiêu bệnh nhân nữa”- anh Hải nói.

Nghĩa tình từ chuyến xe “0 đồng”

Việc ra đời của chuyến xe cứu thương “0 đồng” cũng không khác gì mấy so với xe cứu thương “miễn phí”. Nhưng đối với anh Hải, hai chữ “0 đồng” thật ý nghĩa. “Nói miễn phí nhiều người hay ngại. Nhưng nói “0 đồng”, họ nghĩ ngay tới việc “có làm có trả” dù ít nhiều thì đó cũng là một cái ơn”.

Anh giải thích thêm: “Thật sự chúng tôi chỉ làm vì niềm vui của mình. Vì khi mình vui, người khác cũng vui mà. Nói là “0 đồng” để người ta bớt ngại, vì nếu có trả tiền, chúng tôi cũng không nhận. Còn “miễn phí” thì nhiều người họ ngại khi gọi đến chúng tôi. Giống như đi ăn một bữa cơm miễn phí, hay dự một bữa tiệc 0 đồng vậy. Miễn phí, họ nhận rồi lại bỏ đi luôn, không nhớ gì hết. Còn 0 đồng, người ta còn nhắc nhau về cái tình, cái nghĩa”.

Anh kể, cách đây khoảng 3-4 năm, anh nhận cuộc gọi của một giọng nữ, nói run run, nhờ anh đưa xác từ BV Chợ Rẫy vì không còn tiền thuê xe đưa thi thể chồng về Vĩnh Long. Anh nhận lời ngay. Vậy là chuyến xe xuyên đêm hú còi đưa đôi vợ chồng tội nghiệp về huyện Long Hồ.

Để đưa được thi thể người chồng về đến quê nhà, đội phải đi qua mấy đồng bưng, mương nước chằng chịt, ruộng đồng hoang vắng. “Nhà họ nghèo, quá nghèo. Bốn, năm con người ta mà ở trong một căn nhà lá xơ xác, nền đất ọp ẹp. Thấy xác con trai được đưa về nhà, ông bà già ở nhà rơi nước mắt”- anh Hải ngậm ngùi.

Anh tâm sự, trên đời còn có những cảnh khổ đến như vậy. Trong nhà trống rỗng, thi thể người chết nằm dưới nền đất lạnh, chỉ có mỗi chiếc chiếu lót, tấm mền đắp lại. Tôi cầm tiền nhờ anh em trong đội đi tìm mua một chiếc giường tre, gối và mùng, mền. Khi ấy là nửa đêm, đường đi lại khó, kiếm một chiếc giường cũng không phải dễ.

Anh em đã cố gắng hết sức mình. Cuối cùng, người chết cũng có được một chiếc giường nằm đàng hoàng. Tội nghiệp bà mẹ, bà móc trong túi mình ra một sấp tiền lẻ, dúi vào tay tôi, 127 ngàn đồng, nói bà chỉ có chừng này để trả tiền xe, còn lại bao nhiêu sáng mai bà sẽ đi vay mượn trả cho đủ. Vậy đó, tôi lòng nào mà cầm tiền ấy. Trời khi đó cũng gần sáng, anh em chúng tôi phụ lo cho gia đình tang gia đàng hoàng rồi quay xe ngược về Long Hoa (nay là phường Long Hoa, TX. Hòa Thành).

Xe cứu thương “0 đồng” hoạt động liên tục trong tuần để đưa đón bệnh nhân.

“Nhiều gia đình xuất viện không còn tiền để gọi xe cấp cứu nên đã nhờ đến chuyến xe của chúng tôi. Còn chúng tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản, là “giúp người” trong mọi hoàn cảnh và xem đó như là nhà của mình. Đến bây giờ, thỉnh thoảng gia đình ở Vĩnh Long vẫn còn gọi điện chúng tôi để thăm hỏi sức khỏe và cảm ơn”- anh Hải cho biết.

Anh tiếp lời: “Có 2 chiếc xe cứu thương thật không thể nào đủ. Trung bình mỗi chiếc chạy quay đầu 20- 24 tiếng là chuyện bình thường. Cứ mỗi xe có hai tài xế thay phiên nhau. Đi đường gần chừng 300km đổ lại thì một người. Xa hơn thì phải hai người. Có những ca, chúng tôi phải chạy xuyên đêm để đưa bệnh nhân về tới nhà rồi quay ngược về nhà. “Có những lúc mệt quá, chúng tôi dừng tạm xe ở các cây xăng, anh em ngủ trong xe chừng vài giờ cho lại sức rồi tiếp tục về Tây Ninh”- anh chia sẻ.

Mới đây, ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Giám đốc Công ty TNHH TM-DV- Vận tải- XNK Trần Quốc hỗ trợ cho đội một chiếc xe 16 chỗ, trang bị thêm các thiết bị cứu thương trong xe để tăng cường đưa đón các bệnh nhân từ các nơi khi nhận cuộc gọi. “Hồi tết, hai chiếc xe cứu thương bị hư hỏng nhiều, thấy anh em phải chạy lo nhiều việc nên tôi mới ngỏ lời với anh Quốc hỗ trợ thêm một chiếc xe cứu thương cho đội. Anh Quốc đồng ý. Vừa rồi chúng tôi nhận được xe, vừa “khởi động” được vài ngày. Xe chạy êm lắm. Như vậy khi chuyển bệnh mới không bị dằn xóc”- anh Hải khoe.

Đến nay, anh không thể nhớ hết bao nhiêu gia đình bệnh nhân nghèo được chở về quê. Ngoài 3 chiếc xe cứu thương “0 đồng”, đội anh Hải còn được các mạnh thường quân tại TX Hòa Thành, TP.Tây Ninh hỗ trợ xăng để đưa đón người bệnh, chuyển thi thể đến các tỉnh, thành, đặc biệt tại phía Nam.

Người đàn ông 43 tuổi này trải lòng: “Khi chúng ta ra đời chỉ với đôi bàn tay trắng, đến khi chết đi cũng không đem theo được gì. Tất cả tiền tài, vật chất chỉ là hư vô. Cuộc sống chúng ta là cõi tạm. Vậy, tại sao khi chúng ta còn khỏe mạnh thì cùng chung sức giúp đỡ nhau? Có như vậy, con người sống với nhau mới trọn tình, trọn nghĩa”.

Tâm Giang