BAOTAYNINH.VN trên Google News

40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam:

“Nhà giáo là trái tim của hệ thống giáo dục” 

Cập nhật ngày: 19/11/2022 - 00:36

BTN - Sáng 18.11, Sở GD&ĐT tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2022). Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng ngành Giáo dục Tây Ninh.

Nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nhận khen thưởng của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải ôn lại truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam nói chung, truyền thống ngành Giáo dục Tây Ninh nói riêng.

Khái quát lịch sử ngành Giáo dục Tây Ninh, ông Phạm Ngọc Hải cho biết, năm 1947, Ty Giáo dục Tây Ninh được thành lập tại Căn cứ Trà Vong. Lúc đó Ty Giáo dục gồm có các ông Nguyễn Văn Xoài, Dương Văn Chánh, Nguyễn Văn Cù, Đỗ Văn Nguyện, ông Sáu Điều và ông Bốn Mẫn do ông Sáu Điều làm Trưởng ty. Tuy lực lượng còn ít và trong điều kiện chiến tranh nhưng mạng lưới giáo dục vẫn phát triển mạnh trong vùng giải phóng. Từ xã Bến Sỏi, Cây Cầy đến xóm Mía, xóm Chò, Suối Đá, Bời Lời đều có trường học, lớp học.

Kế thừa sự nghiệp giáo dục cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự nghiệp giáo dục cách mạng ở Tây Ninh đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

Tháng 10.1962, Trường phổ thông nội trú Hoàng Lê Kha được thành lập do Tiểu ban Giáo dục trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ phụ trách. Từ 12 cháu của Đội ca múa thiếu nhi, đến năm 1968 đã phát triển lên 250 học sinh, bao gồm cả cấp I và cấp II.

Phong trào bổ túc văn hoá phát triển mạnh mẽ trong các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân. Hầu hết các vùng giải phóng trong tỉnh đều có trường lớp cho con em nhân dân học tập. Ngay cả một số vùng tạm chiếm như Thanh Phước, Rỗng Tượng Tròn... đều có trường lớp do cách mạng tổ chức.

Ngoài Trường Hoàng Lê Kha do tỉnh quản lý, Trường phổ thông nội trú Nguyễn Văn Trỗi do Trung ương Cục quản lý cũng đặt trên đất Tây Ninh. Đến tháng 9.1971, Trung ương Cục chủ trương đưa một số học sinh thuộc 2 trường này ra miền Bắc học tập văn hoá và đào tạo nghiệp vụ.

Vừa học tập, vừa tập trung sản xuất và sẵn sàng đánh giặc, thầy trò Trường Hoàng Lê Kha tham gia hàng chục trận đánh càn, như trận càn Junction City 1967 và đã lập công lớn. Nhiều người trong số họ đã hy sinh. Mọi hoạt động của trường được duy trì cho đến ngày đất nước được hoà bình thắng lợi. Nhiều lớp người đã được nuôi dưỡng và trưởng thành từ cái nôi đặc biệt ấy. Hầu hết học sinh Trường Hoàng Lê Kha hiện nay đều thành đạt, trưởng thành và đang giữ những chức vụ chủ chốt ở một số ngành của tỉnh, Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Đoàn công tác do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Trường Chính trị. Ảnh: Tâm Giang

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, miền Bắc cũng dốc lòng cùng miền Nam đánh giặc. Hàng ngàn thầy cô giáo đã cùng đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đội ngũ ấy, các nhà giáo Lê Hà Châu, Bùi Ngọc Khuông, Hoàng Thị Mơ, Hoàng Công Phớ, Phạm Ngọc Nhĩ… đã có mặt tại Tây Ninh cùng phát triển sự nghiệp giáo dục cách mạng…

Trong giai đoạn đổi mới và phát triển, tháng 12.1997, Bộ GD&ĐT đã công nhận Tây Ninh đạt chuẩn quốc gia về công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, hoàn thành trước 3 năm so với yêu cầu chung của Uỷ ban Chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học quốc gia. Năm 2006, toàn tỉnh được công nhận hoàn thành công tác phổ cập trung học cơ sở, vượt thời gian 3 năm so với chỉ tiêu quốc gia. Năm 2017, Tây Ninh được Bộ GD&ĐT công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

 Hơn bốn mươi năm xây dựng và phát triển, ngành Giáo dục Tây Ninh đạt được thành tích: Chủ tịch nước tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động, Thủ tướng Chính phủ khen tặng nhiều bằng khen, Tây Ninh có 63 thầy cô giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, hơn 10.000 thầy cô giáo được tặng huy chương, kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục…

Nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nhận khen thưởng của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT.

“Người thầy luôn là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh, là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá đưa các thế hệ học trò tìm đến những chân trời tri thức mới, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến trong các em, là những tấm gương sáng để các em noi theo.

Thầy cô chính là trái tim của hệ thống giáo dục, có mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Có mấy ai trưởng thành mà không phải ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy cô giảng bài. Làm sao có thể lớn lên mà không có thầy cô ở bên dạy dỗ, dẫn đưa.

Thầy cô là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng giúp ta định vị, tìm hướng khi lầm đường, lạc lối. Thầy cô giống như ngọn lửa ấm áp, dìu dắt chúng ta trước những vấp ngã của cuộc đời. Những chuyến đò vẫn sang sông, những mầm xanh vẫn tiếp tục đâm chồi, khôn lớn để rồi mang cho đời những quả ngọt, hoa thơm.

Ở nơi đó, những người đang làm giáo dục, những “người gieo mầm xanh” đã và sẽ tiếp tục tự hào viết nên những câu chuyện ý nghĩa trong từng phút giây, từng hơi thở về nghề “trồng người””- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong bày tỏ cảm xúc với đội ngũ làm công tác giáo dục nhân ngày truyền thống của ngành.

Việt Đông