Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh, do chương trình tiếng Chăm được biên dịch từ sách giáo khoa cải cách giáo dục của tiếng Việt nên nhiều nội dung đến nay không còn phù hợp nữa. Vì thế, đã đến lúc cần có một bộ sách mới về tiếng Chăm Nam bộ. Sở đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo sớm chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ việc tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa tiếng Chăm Nam bộ riêng cho cộng đồng người Chăm các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương…
Học sinh dân tộc Chăm tặng hoa cho thầy giáo Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.
Như tin đã đưa, ngày 17.12, tại Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh, ngành giáo dục hai tỉnh Tây Ninh và An Giang tổ chức tổng kết việc dạy tiếng Chăm Nam bộ trong nhà trường.
Theo thông tin từ hội nghị này, đề tài khoa học “Phát triển giáo dục và đào tạo cho đồng bào Chăm” của Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh đã được Hội đồng khoa học tỉnh thông qua vào năm 1994. Sau đó, đề tài được điều chỉnh thành “Biên soạn sách song ngữ Việt - Chăm Nam bộ” và được biên soạn bằng ba thứ chữ: chữ Việt, chữ Chăm Nam bộ và La tinh hoá. Phần La tinh hoá được đánh giá là hết sức quan trọng, bởi nó là chiếc cầu nối để giáo viên có thể hướng dẫn, giảng dạy, tạo thuận lợi cho người Chăm học tiếng Việt và người Việt học tiếng Chăm.
Sau khi đề tài được nghiệm thu, in thành sách, Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh cho tiến hành giảng dạy trong năm học 1997 - 1998 tại Trường tiểu học Tân Hưng A, huyện Tân Châu. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn về quy trình giảng dạy các bước thực hiện của từng bài, từng chủ đề, chủ điểm. Vì thế, một yêu cầu đặt ra là phải có bộ sách hướng dẫn dành cho giáo viên.
Theo tờ trình của Sở Giáo dục - Đào tạo, ngày 8.1.2002, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định 02/QĐ-CT về việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ mà cụ thể là đề tài “Biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy sách song ngữ Việt - Chăm Nam bộ”. Sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu, biên soạn, tổ biên soạn gồm năm người do ông Issa Sen - Hiệu trưởng Trường tiểu học D - Khánh Hoà, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang làm tổ trưởng đã hoàn thành công việc. Bộ tài liệu hướng dẫn giảng dạy tiếng Chăm Nam bộ được Hội đồng Khoa học thẩm định và cho phép triển khai.
Theo đánh giá, bộ tài liệu hướng dẫn giảng dạy được biên soạn hết sức khoa học, cụ thể và dễ hiểu, dễ tiếp thu. Toàn bộ công trình nghiên cứu gồm có 6 tập, chia thành 3 lớp gồm lớp 1, lớp 2 và lớp 3, mỗi lớp 2 tập. Mỗi trang chia thành hai cột, cột bên trái viết bằng chữ Chăm, cột bên phải phiên âm bằng chữ tiếng Việt.
Cách trình bày này mang tính khoa học cao, tạo điều kiện cho người đọc dễ dàng so sánh đối chiếu giữa chữ Chăm với nội dung tiếng Việt. Với phương châm “qua chữ để dạy người”, nhóm tác giả đã xếp các bài đồng dạng, các bài cùng chủ đề, chủ điểm, như chủ đề về Đảng và Bác Hồ, các gương anh hùng trong sản xuất và chiến đấu, chủ đề về đồng bào dân tộc…
Tài liệu hướng dẫn giảng dạy song ngữ Việt - Chăm ISLAM đã bám sát sách giáo khoa tiếng Việt và sách giáo viên nhưng mang đặc thù hướng dẫn giảng dạy sách song ngữ đặc trưng của dân tộc Chăm Nam bộ từ phong tục tập quán, ngữ điệu, tiếng nói cho đến chữ viết.
Để thực hiện việc dạy và học sách song ngữ Việt - Chăm Nam bộ, Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh đã mở 2 lớp bồi dưỡng cho giáo viên. Lớp thứ nhất được tổ chức tại thánh đường Thái Vĩnh Đông, phường 1 (TP. Tây Ninh) trong 20 ngày với 17 người theo học; người hướng dẫn là ông giáo cả Musa Haji. Lớp thứ hai đặt tại Trường tiểu học Kim Đồng có 9 giáo viên theo học, thời gian bồi dưỡng là 15 ngày do tổ trưởng biên soạn Issa Sen và một trợ lý trực tiếp phụ trách.
Sách song ngữ Việt - Chăm Nam bộ và tài liệu hướng dẫn ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng và mong muốn của đồng bào Chăm Nam bộ. Từ năm 1997, Tây Ninh bắt đầu triển khai giảng dạy tại Trường tiểu học Tân Hưng A, huyện Tân Châu.
Theo đánh giá, sau 17 năm sử dụng và triển khai thử nghiệm, chương trình dạy học theo sách song ngữ Việt - Chăm Nam bộ đã tạo được sức hút đối với học sinh, tỷ lệ học sinh Chăm đến trường ngày càng cao trong khi số bỏ học ngày càng giảm. Các số liệu về kết quả thực hiện của tỉnh Tây Ninh qua 17 năm và tỉnh An Giang (nơi có đông người Chăm sinh sống) qua 16 năm đã minh chứng cho tính hiệu quả của việc dạy và học song ngữ Việt - Chăm Nam bộ.
Sau khi học xong chương trình sách song ngữ Việt – Chăm Nam bộ, học sinh cơ bản đọc được sách và viết được các từ thông dụng trong giao tiếp bằng tiếng dân tộc Chăm. Từ việc biết chữ dân tộc mình, các em học sinh người Chăm cũng hiểu rõ hơn từ ngữ tiếng Việt và có thêm cơ sở để học tốt chương trình phổ thông. Sự chênh lệch về trình độ giữa học sinh người Kinh và người Chăm ngày một thu hẹp. Phụ huynh người Chăm cũng tỏ ra phấn khởi về việc con em mình được học ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Tuy vậy, theo Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh, do chương trình tiếng Chăm được biên dịch từ sách giáo khoa cải cách giáo dục của tiếng Việt nên nhiều nội dung đến nay không còn phù hợp nữa. Vì thế, đã đến lúc cần có một bộ sách mới về tiếng Chăm Nam bộ. Sở đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo sớm chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ việc tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa tiếng Chăm Nam bộ riêng cho cộng đồng người Chăm các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương…
Về lâu dài, các trường sư phạm có thể có thể nghiên cứu đào tạo giáo viên dạy tiếng Chăm. Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục dân tộc thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong lúc chưa có chương trình và sách giáo khoa tiếng Chăm mới thì có thể chỉnh sửa, bổ sung vào bộ tài liệu hiện tại để nâng cao chất lượng dạy và học.
VIỆT ĐÔNG
Hiện nay việc dạy tiếng Chăm trong nhà trường do giáo viên người Chăm hoặc những người không phải là giáo viên nhưng có trình độ đảm nhiệm. Trước kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 13, khoá VIII vừa kết thúc cách nay ít ngày, một số cử tri đề nghị tăng cường dạy tiếng Chăm, văn hoá Chăm cho học sinh là con em người dân tộc Chăm. |