BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những người giữ “lửa” 

Cập nhật ngày: 14/08/2019 - 00:10

BTN - Họ là những người đã sống hết mình với đam mê, có trách nhiệm với nghề nghiệp. Theo năm tháng, họ trở thành những người giữ lửa, truyền nghề, như những con tằm luôn mãi nhả tơ…

Ông Sáu Long dạy đàn cho học trò.

Theo đuổi đam mê

Gần 20 năm qua, căn nhà nhỏ ở ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người yêu thích đờn ca tài tử. Căn nhà này ngày nào cũng vang lên tiếng đờn lời ca làm say đắm lòng người, níu chân người đến. Nơi đây, người đã và đang miệt mài giữ lửa đờn ca tài tử, truyền và khơi dậy tình yêu âm nhạc dân tộc trong cộng đồng chính là ông Lê Văn Lập. Mọi người quen gọi ông bằng nghệ danh Đức Lập.

Vừa nghe học trò đờn hát, ông Lập vừa vui vẻ nói: “Những ai yêu đờn ca tài tử là phải tập luyện thường xuyên. Người đờn người hát, được đờn được hát là niềm hạnh phúc”. Ông Lập hào hứng kể về cái duyên đờn ca tài tử của mình. Ông nói, niềm đam mê đờn ca tài tử đến với ông rất tình cờ. Năm 17 tuổi, nghe thấy bạn bè, bà con trong xóm chơi đờn ca tài tử, ông cảm thấy thích thú vô cùng. Càng nghe những tiếng đờn, ông càng mê mẩn, đôi tay cứ muốn được khảy đờn. Từ những lần đến nghe đờn, ông bắt đầu “mon men” học lỏm, rồi cũng biết được vài ngón đờn.

Năm 1976, ông Lập theo học đàn một người thầy nổi tiếng ở huyện Gò Dầu. Sau 3 năm cần mẫn theo học, ông Lập sử dụng thành thạo được nhiều loại nhạc cụ. Cứ càng học ông lại càng mê, càng thêm yêu đờn ca tài tử, nó như đã ngấm vào máu của ông. Để thoả niềm đam mê, ông đi theo đờn cho các đoàn cải lương ở An Giang, Long An, Tây Ninh. Ông vừa đàn vừa học thêm.

Năm tháng trôi qua, tài nghệ của ông nuôi dưỡng và nâng tầm, trở thành những tay đờn có tiếng trong các đoàn cải lương những năm ấy. Ông biểu diễn điêu luyện 20 bài bản tổ, cách nhấn nhá từng cung bậc cũng như nắm vững kỹ thuật của 7 bài lễ. Ông Lập còn tham gia đào tạo hàng trăm tài tử đờn, tài tử ca ở địa phương. Từ sự truyền dạy của ông, nhiều học trò đã thành danh như Phan Tấn Đạt, Thanh Tâm, Hoài Vương….

Một nghệ nhân đờn ca có tiếng ở tỉnh với ông Lập là ông Nguyễn Văn Long (ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, Hoà Thành). Ông Long được nhiều người quen gọi là Sáu Long. Ông Long có gần 50 năm gắn với nghiệp đàn. Ở tuổi ngoài 60, ông Sáu Long vẫn nhớ rõ cảm giác mê mẩn lần đầu tiên vô tình nghe được tiếng đàn, điệu nhạc trong một thánh thất Cao Đài ở Đà Lạt. Những tiếng đàn này đã đưa cậu trai trẻ một mình rời quê Lâm Đồng vào thánh địa Cao Đài để học về nhạc lễ. Theo thời gian, ông Long học và sử dụng thành thạo tất cả nhạc cụ trong bộ nhạc lễ và tài tử dân tộc cổ truyền.

Ông Đức Lập với đam mê đờn ca tài tử.

Từ năm 1972, ông Sáu Long bắt đầu hướng dẫn nhạc lễ cổ truyền và từ năm 1976 đến nay ông mở các lớp truyền dạy nhạc lễ và tài tử. Người đến, người đi nhiều vô số kể, trong đó có không ít người thành tài tiếp tục trở thành người truyền dạy nghề cho những người khác. Đây chính là điều ông Sáu Long cảm thấy vui với công việc của mình.

Gần hai mươi năm nay, ông Long mở lớp tại nhà, dạy miễn phí cho người yêu đàn hát, đào tạo những người có năng khiếu cho đạo. Có lúc học viên của ông lên đến hai ba chục người. Những ngày hè này, trong căn nhà gần cùng hẻm nhỏ của ông Long luôn vang lên tiếng cười trẻ thơ hoà lẫn tiếng đàn. Học viên của ông có rất nhiều em thiếu nhi. Lớp học đơn sơ nhưng luôn ấm áp bởi sự chỉ dạy tận tình của người thầy tâm huyết.

Ngoài truyền dạy trực tiếp, gần 10 năm nay, ông Sáu Long còn được sự hỗ trợ của những bạn trẻ rành công nghệ quay các video về những bài nhạc lễ, bài bản tài tử để đăng trên kênh youtube. Qua đó góp phần lan toả những niềm đam mê âm nhạc cổ truyền đến với nhiều người. Ông Sáu Long cho biết, từ những video trên mạng có thêm nhiều người là Việt kiều đã trực tiếp hoặc qua mạng xin thọ giáo những ngón đàn của ông, trong đó có một người Nhật đam mê đờn ca tài tử đã đến nhờ ông giảng dạy.

  Ở một lĩnh vực khác, bà Phạm Thị Đương, ngụ khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng được biết đến như là một “nghệ sĩ” trong nghề tráng bánh phơi sương. Hơn 40 năm gắn với nghề, tay nghề, kỹ thuật của bà Đương khiến người xem phải trầm trồ. Nhà bà Đương chính là điểm đến cho nhiều du khách đến tìm hiểu về làng nghề tráng bánh phơi sương xứ Trảng nổi tiếng này.

Để có được những kỹ thuật hiện tại, bà Đương trải qua những năm tháng miệt mài tráng bánh từ thuở đôi mươi cho đến bây giờ. Ở tuổi 60, bà Đương vẫn còn rất khéo léo khi tráng từng chiếc bánh. Điều đó xuất phát từ chính cái tâm của một người con xứ Trảng yêu nghề, cho dù nghề này đầy thăng trầm. Dẫu hiện tại nghề tráng bánh không còn phát triển như xưa nhưng bà Đương và gia đình vẫn duy trì lửa lò cũng như chính ngọn lửa nghề.

Và trên thực tế, tinh tuý của nghề tráng bánh- di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia được bà Đương giữ gìn đã làm cầu nối với du khách xa gần, trong và ngoài nước. Hiện tại, thế hệ thứ tư trong gia đình bà Đương tiếp tục nối nghiệp. Đó là niềm vui, niềm an ủi với một người đầy tâm huyết duy trì nghề như bà Đương.

Sẵn lòng tiếp lửa cho đời sau

Cho đến tận bây giờ, ở tuổi 62, ông Lập vẫn giữ trọn tình yêu với đờn ca tài tử. Ông vẫn ngày ngày truyền dạy đờn ca tài tử tại nhà. Gần 20 năm qua, không lúc nào nhà ông Lập vắng bóng học trò. Ông dạy hát miễn phí, còn dạy đờn chỉ lấy học phí tượng trưng, học trò có thể học đờn học hát suốt đời. Ngôi nhà của ông trở thành nơi gặp gỡ giao lưu của những người có cùng đam mê đờn ca tài tử.

Ông Lập nói vui: “Có lẽ cái “máu” đờn ca tài tử của tôi lớn hơn cái tuổi. Và tới bây giờ tôi vẫn không ngừng nghiên cứu, học hỏi, nâng cao tay nghề của mình”. Theo ông Lập, loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử rất phong phú, cần có sự tìm hiểu tỉ mỉ mới đem lại những ngón đờn đặc sắc được. Ông rất phấn khởi khi ngày càng có nhiều người yêu thích đờn ca tài tử. Ai muốn học đờn ca tài tử là ông sẵn sàng bỏ thời gian, tâm sức truyền dạy.

Học trò của ông Lập  có người chỉ học vài tháng, nhưng có không ít người đam mê theo học hơn 10 năm vẫn chưa nghỉ. Thấy niềm đam mê của học trò, ông Lập cảm thấy “lửa” nghề vẫn bừng cháy trong tim, đó là nguồn động lực cho ông truyền dạy.

Ông Sáu Long mỗi ngày vẫn chuyên chú dạy nhạc cho những người thực sự đam mê. Hàng chục năm nay, niềm tin vào âm nhạc truyền thống ở ông vẫn chưa hề chùn xuống bởi ông luôn có những lực lượng kế thừa xứng đáng. Đó là những mầm non thiên phú được ông phát hiện, mài giũa từ khi còn nhỏ cho đến lớn lên. Qua đó bổ sung vào đội nhạc lễ của đạo hay nhạc sĩ của làng đờn ca tài tử tỉnh nhà.

Ông nói: “Với tôi, học đàn chỉ là để thoả mãn niềm đam mê. Khi có những người thật tâm giống mình, tôi luôn sẵn sàng truyền dạy. Được dạy, được nghe các cháu nhỏ đàn là niềm vui của tôi”. Ông Sáu Long luôn trăn trở về việc thiếu những sân chơi cho những tài tử đam mê đờn ca trên địa bàn tỉnh.

Gìn giữ được nghề truyền thống với bà Đương là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì vậy, bà sẵn sàng truyền lại nghề cho thế hệ trẻ để họ góp phần gìn giữ, lưu truyền và phổ biến những di sản của cha ông để lại.

Bà Đương trổ tài tráng bánh tráng phơi sương tại Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Có thể nói, hiện nay, tinh hoa văn hoá truyền thống trên đất Tây Ninh vẫn được duy trì, mài sáng bởi những người đầy tâm huyết, một lòng cống hiến. Nhờ họ, những ngọn lửa nghề, niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, những di sản văn hoá phi vật thể vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mới đây, Tây Ninh có 7 người được phong tặng danh hiệu nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có nhạc sĩ Đức Lập, ông Sáu Long, bà Đương. Đây chính là phần thưởng vinh danh xứng đáng cho những cống hiến của họ hàng chục năm qua.

CHÂU PHA - VI XUÂN