Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Những người thầy bám trụ vùng biên
2012-09-27 06:10:00

Mặc ai mải mê với những thú vui ồn ào chốn phố thị, bao nhiêu năm dài họ vẫn gắn bó đời mình với phấn trắng bảng đen và cuộc sống vô cùng giản dị nơi vùng sâu biên giới.

(BTN)- Mặc ai mải mê với những thú vui ồn ào chốn phố thị, bao nhiêu năm dài họ vẫn gắn bó đời mình với phấn trắng bảng đen và cuộc sống vô cùng giản dị nơi vùng sâu biên giới. Chính cái tâm, cái tình của người thầy đã níu giữ họ lại bên đàn trò nhỏ quê mùa, chất phác…

Hơn 30 năm chèo ghe, lội ruộng tới trường

Theo lời hẹn trước, chúng tôi gặp cô giáo Đặng Thị Xuân tại Trường tiểu học Trung Lập ở ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng). Cô giáo mồ hôi ướt đẫm cả người, quần áo lấm lem bùn đất sau khi lội bộ hơn 3 cây số. Hơn 30 năm qua, cô đã quen chèo ghe vượt sông, lội bộ vượt đồng tới lớp như thế. Bao lứa học sinh của cô đã trưởng thành, nhiều người đã thành đạt hoặc đã có gia đình êm ấm. Còn cô, vẫn đôi dép nhựa ngày nào, vẫn cái cặp cũ kỹ chứa mấy quyển sách, áo mưa, lẫn đôi giày... ngày ngày đều đặn đến trường, miệt mài dạy dỗ đàn em nhỏ.

Cô Xuân trong một giờ giảng dạy

Cô Xuân còn nhớ như in những kỷ niệm buổi đầu đi dạy. Hồi đó, khi còn trẻ, cô cũng nuôi ước mơ được “bay cao, bay xa”, muốn được lập nghiệp, lập thân ở thành phố lớn. Nhưng duyên nợ xui khiến thế nào, sau khi ra trường năm 1982, cô trở về quê và gắn bó đời mình với cuộc sống ở một vùng đất nghèo biên giới ven sông Vàm Cỏ Đông.

Ngôi trường cô dạy trước kia còn xơ xác lắm, chỉ có 3 phòng, mái lợp bằng tôn, vách ván gỗ. Học sinh có mấy chục em thôi nhưng giáo viên ít nên dạy cũng khá cực. Thấy các em nghèo mà chăm học, nên dù không có nhiều tiền, cô giáo Xuân vẫn dành ra chút ít để tặng các em lúc thì cuốn vở, lúc thì bút mực…

Vào mùa khô, cô giáo Xuân thường lội bộ qua những đồng ruộng mới gặt để tới lớp cho nhanh. Mùa mưa, cô phải xắn quần lội bùn, vượt cầu khỉ, tranh thủ cho kịp giờ dạy, kẻo học sinh chờ. Những lúc nước ngập, cô phải tự chèo ghe mà đi, trên đường tiện thể ghé nhà học trò để rước các em tới trường luôn một thể. Nhiều lần cô Xuân bị té ngã trên đường đi dạy. Tuy vậy, cô vẫn cố gắng đến lớp, không để học sinh phải chờ đợi. “Các em ở đây không được học mẫu giáo nên tiếp thu bài chậm. Có khi dạy một chữ mà cả tuần chưa xong”- cô kể. Nhiều lúc nản chí trước những khó khăn, cô giáo cũng nảy sinh ý định bỏ nghề. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy thương học trò… Hơn nửa cuộc đời gắn bó với đàn trò nhỏ, con đường tới trường nhọc nhằn, cô đã đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần. Từng cành cây, ngọn cỏ, cả chiếc ghe, cây cầu khỉ đã trở nên quá đỗi thân quen đối với cô.

Lúc chia tay chúng tôi, cô bộc bạch ý định của mình: Khi nào về hưu, cô sẽ mở một lớp dạy kèm miễn phí cho tất cả các em vùng biên giới này. Vì nếu không dạy các em nữa, cô sẽ nhớ lắm.

Ở luôn tại trường

Một căn phòng nhỏ khoảng 7 mét vuông có được do chia đôi phòng học của trường, đó là “nhà” của thầy Trần Chí Linh- giáo viên Trường tiểu học Hưng Mỹ (điểm phụ), ở ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ. Đã 11 năm qua, căn phòng ấy không có gì mới cả, vẫn chiếc giường đơn giản, vài cuốn sách, vài cái chén và một cái bếp gas mini thường dùng để nấu mì tôm. Người thầy giáo sống trong căn phòng đơn sơ ấy từng dìu dắt bao thế hệ học sinh trong những năm tháng đã qua, có em nay đã vào đại học, cao đẳng.

Thầy Linh ngồi tiếp chuyện với phóng viên

Nhà thầy Linh ở Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), cách trường hơn 30km, nên thầy ở lại trường luôn cho tiện. Ở mãi thành quen, bây giờ thầy Linh đã coi ngôi trường hẻo lánh này như là nhà của mình, gần thì yêu, xa thì nhớ. Giờ thì đường sá đã tương đối dễ dàng cho việc đi lại, nhưng thầy Linh vẫn muốn ở nội trú tại trường để thuận tiện cho việc hướng dẫn thêm học trò ngoài giờ học.

Trước đây, ngôi trường thầy Linh giảng dạy không có nước ngọt, mỗi khi cần, thầy toàn phải qua nhà dân xin nước uống. Những lúc học sinh ốm đau bệnh tật, thầy giáo lại phải xuống tận trạm xá cách trường khoảng 10km để xin thuốc cho các em. Còn lúc thầy giáo bị cảm sốt thì chỉ biết tự mình ra cái quán tạp hoá duy nhất ở gần trường mà mua thuốc. Có những lần nước dâng cao, nghe tin phụ huynh học sinh bị bệnh, thầy Linh lại cùng mọi người chèo ghe đi thăm. Có khi phải chèo vào tận nhà, có khi còn phải lội ruộng thêm cả cây số. Thầy Linh vẫn nhớ cái lần đi phát quà Trung thu cho các em nhỏ, các thầy giáo cũng phải chèo ghe đến từng nhà. Lúc đó, không may một túi quà bị rơi xuống nước, thầy Linh lội xuống nhặt lên thì bị nước lũ tống đi, may mà bám được vào cầu khỉ mới thoát nạn.

Cuộc sống của thầy Linh trôi qua từng ngày với nhiều khó khăn chồng chất, nhưng người thầy ân cần, chịu khó ấy vẫn cố gắng bám trụ, bám nghề nơi vùng quê biên giới còn nghèo khó. Ở đây còn có rất nhiều thầy cô giáo- bằng nghị lực của chính mình, bằng tình thương đối với đàn em thơ đã tự vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại, chấp nhận ngày ngày vượt sông, băng đồng, lội ruộng, chấp nhận cảnh thường xuyên ăn mì tôm trừ bữa hoặc uống nước phèn…. Sắp tới Tết Trung thu rồi, các thầy cô giáo sẽ lại tiếp tục chèo ghe đi phát quà cho các em nhỏ…

BẢO TRUNG

Từ khóa:
Tin liên quan